Thời của các tổ chức kinh tế tự nguyện?

18/01/2011

Bắt nguồn từ điểm yếu của sản xuất nông nghiệp là manh mún, nhỏ lẻ, tiêu thụ nông sản khó khăn..., nông dân ở nhiều nơi đã tự nguyện thành lập các tổ hợp tác sản xuất. Mặc dù hoạt động khá hiệu quả song đến nay, các tổ, nhóm này vẫn chưa có tư cách pháp nhân. Trước thực tế này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển liên kết bền vững giữa nông dân với các đối tác kinh tế khác.

Nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng đã liên kết sản xuất chè xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đòi hỏi của thực tiễn
Nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhóm nông dân ở ấp Thốt Nốt (Tân Sơn – Trà Cú – Trà Vinh) đã thành lập tổ hợp tác kinh tế tự nguyện sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ bắp (ngô). Tổ có ban điều hành, tổ trưởng, tổ phó, thư ký, kiểm soát, thủ quỹ. Năm 2008, tổ có 32 thành viên, trong đó có 22 người là dân tộc Khmer, 8 hộ cận nghèo và 2 hộ trung bình, diện tích chung của tổ là 9,1ha. Sau khi thành lập, tổ đã liên hệ với Công ty Sao Cao Nguyên (Lâm Đồng) tiêu thụ toàn bộ số bắp giống LVN10. Nhờ đó, trong một thời gian ngắn, đã có 5 hộ thoát nghèo, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/ha. “Việc thành lập tổ hợp tác đã góp phần đưa hoạt động sản xuất bắp chuyên nghiệp và hiệu quả cao hơn”, ông Trần Văn Nhờ, Tổ trưởng Tổ hợp tác nói.
Chuyên gia nghiên cứu, TS. Nguyễn Đình Huấn phân tích, hoạt động của các tổ, nhóm tự nguyện của nông dân cho hiệu quả cao gấp 32 lần so với các hợp tác xã. Đây là tổ chức kinh tế tự nguyện do nông dân khởi xướng và thành lập, không có sự ép buộc kiểu định hướng hoặc thúc đẩy từ bên ngoài. Tổ chức này có thể được đăng ký chứng thực của UBND cấp xã hoặc đơn giản chỉ là một tổ nhóm nông dân tự nguyện hợp tác với nhau chưa có sự thừa nhận chính thức nào. Nhiệm vụ của các tổ là sự thỏa thuận tự nguyện, cùng nhau đóng góp, cùng hưởng và cùng chịu trách nhiệm.
Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hình thức này đã xuất hiện hàng chục năm nay và đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Đến nay, cả nước có tới 120.000 tổ hợp tác kinh tế tự nguyện đang hoạt động khá hiệu quả, trong khi cả nước chỉ có 15.000 HTX. Việc phát triển các tổ hợp tác trở thành cầu nối giữa nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học, góp phần đảm bảo các yếu tố đầu vào cũng như đầu ra trong sản xuất.
Ưu điểm hơn HTX?
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự hoạt động năng động, bình đẳng và dựa trên quyền lợi sát sườn của các thành viên mà các tổ, nhóm kinh tế tự nguyện của nông dân đang chiếm ưu thế hơn so với các hợp tác xã. Theo ông Nguyễn Văn Phấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, thách thức của mô hình hợp tác xã là tâm lý ỷ lại, trông chờ vào cơ chế xin – cho, do đó tính năng động của đội ngũ lãnh đạo và xã viên còn hạn chế. Ngược lại, các tổ nhóm kinh tế tự nguyện lại được thành lập không theo định hướng của ai mà do điều kiện kinh tế, đặc biệt là nhu cầu thực tế sinh kế tại địa phương. Đó cũng chính là lý do đến nay, Hòa Bình và các tỉnh, thành đang xuất hiện nhiều mô hình hoạt động này. Sự hình thành rất đa dạng, phong phú như nhóm thợ xây, nhóm bốc vác vận chuyển, nhóm dịch vụ cày bừa...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng, nếu để các tổ, nhóm hoạt động theo ý mình, thích thì thành lập, không thì giải tán, việc vay vốn, tích tụ ruộng đất cho đối tượng này sẽ không khả thi. Song song với gắn kết sự tự nguyện, các tổ chức kinh tế của nông dân cũng phải có những quy định, hoạt động sao cho phù hợp với các yêu cầu của cơ chế, chính sách.
TS. Huấn cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của các tổ, nhóm kinh tế tự nguyện này chính là mang tính tự phát, quy mô nhỏ. “Thực tế cho thấy, các tổ chức kinh tế tự nguyện vẫn chưa được coi là con đẻ mà mới chỉ là con nuôi. Còn nếu muốn vực dậy các hợp tác xã không gì khác hơn là phải tôn trọng 3 nguyên tắc cơ bản, đó là tự nguyện đích thực; dân chủ đích thực và mỗi người là 1 lá phiếu bầu”, ông Huấn nói.
Vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay cho, những nhà quản lý, làm chính sách và cả nông dân là làm thế nào để các tổ chức này có tư cách pháp nhân và chỉ khi nào việc này được giải quyết, khi đó người nông dân mới thực sự có một tổ chức gọi là kinh tế tự nguyện.
Ông Hùng cho rằng, cùng với sự đổi mới của cơ chế chính sách vĩ mô, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong thời gian tới là tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ. Xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm triển khai trên diện rộng. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, thông tin tuyên truyền. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia hoạt động liên kết sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt là phải để các tổ kinh tế tự nguyện của nông dân có tư cách pháp nhân.

Theo Thúy Nga - Báo Kinh tế Nông thôn


Tin khác