Thái Bình xây dựng NTM

23/12/2010

Tự Tân là một xã thuần nông của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.Người dân Tự Tân có nghề chính là làm nông nghiệp. Chính vì thế nên khi Tự Tân được chọn là một trong 4 xã của huyện làm điểm xây dựng NTM, nhân dân rất phấn khởi.

Mọi người đều biết rằng, xây dựng NTM nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá, phấn đấu đến hết năm 2015, bộ mặt nông thôn Tự Tân sẽ cơ bản biến đổi về chất và lượng, phù hợp với hướng đi lên phát triển kinh tế xã hội của huyện Vũ Thư. Xây dựng NTM là cuộc cách mạng mang tính chiến lược lâu dài, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khắc phục lối sống của nền sản xuất nhỏ, tiếp thu lối sống công nghiệp hoá hiện đại hoá.
Bước đầu, Tự Tân thành lập BCĐ xây dựng NTM cấp xã và 9 tiểu ban ở 9 thôn. BCĐ xây dựng NTM của xã đã tiến hành các bước đúng kế hoạch, phân công các thành viên thực hiện các công việc, đánh giá thực trạng nông thôn, khảo sát hiện trạng tình hình sử dụng đất, lập đề án về dồn điền đổi thửa, đề án chỉnh trang đồng ruộng, làm các tuyến giao thông, thuỷ lợi nội đồng…
Sau khi đã hoàn tất các công đoạn trên, BCĐ mới tổ chức các hội nghị từ trong Đảng đến nhân dân các thôn, lấy ý kiến của nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các phương án, đề án hoàn chỉnh. Tất cả các bước đều được tiến hành theo phương pháp 3 lên - 2 xuống. Các tiểu ban họp dân để xin ý kiến, chuyển lên ban chỉ đạo xã để bổ sung, sau đó lại đưa xuống các thôn để dân tiếp tục góp ý.
 Trước khi tổ chức các hội nghị quần chúng, đài truyền thanh xã và đài truyền thanh 9 thôn liên tục tuyên truyền ý nghĩa, mục tiêu của công tác xây dựng NTM, vận động nhân dân tham gia góp ý vào đề án chung của xã, của thôn, tập trung tuyên truyền để mọi người dân đồng thuận với chủ trương lớn của Đảng, tình nguyện hiến đất để làm đường giao thông và thuỷ lợi nội đồng, đồng thuận trong công tác dồn điền đổi thửa.
Điểm nổi bật nhất trong những ngày đầu tiên triển khai chương trình là cán bộ, đảng viên, nhân dân Tự Tân nhất trí cao với công tác xây dựng NTM. Đó chính là vấn đề tiên quyết để BCĐ của xã và các tiểu ban ở 9 thôn có điều kiện thuận lợi tiến hành khảo sát hiện trạng đất đai.
Từ kết quả khảo sát thực trạng, BCĐ xây dựng NTM xã Tự Tân đã thiết lập đề án phát triển nông thôn đến năm 2020. Cụ thể, từ nay đến năm 2015, xã tập trung chỉnh trang các khu dân cư đã có ở 9 thôn, hoàn thiện một số điểm dân cư mới, khu tái định cư Đông An. Quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã, điểm công nghiệp, làng nghề, quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội chủ yếu ở nông thôn. Xây nhà văn hoá xã 300 chỗ ngồi, nâng cấp các nhà văn hoá thôn, xây thêm 10 phòng học cho trường tiểu học...
Tự Tân xác định rõ vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, coi công tác xây dựng NTM là nhiệm vụ hàng đầu để triển khai thực hiện Nghị quyết về nông dân, nông nghiệp, nông thôn của Đảng. Đây là chương trình tổng hợp có nội dung toàn diện, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã. Xác định được điều đó nên BCĐ xây dựng NTM của xã và các tiểu ban của 9 thôn nhanh nhạy bắt tay ngay vào việc khảo sát thực địa.
Sau bước tiến hành ban đầu rất suôn sẻ, đến bước họp dân các thôn để lấy ý kiến tham gia vào dự thảo phương án xây dựng NTM của xã và thôn đã vấp phải những khó khăn. Mọi người đều biết, lâu nay các thôn tổ chức được một cuộc họp dân, có trên 50% gia đình đến tham gia là điều cực kì khó khăn. Làm thế nào để có được trên 90% ý kiến của dân?
Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Tự Tân kiêm Trưởng BCĐ xây dựng NTM nghĩ ngay đến vấn đề phát huy quyền dân chủ ở cơ sở, có thể lấy ý kiến dân bằng 2 cách: Trực tiếp và gián tiếp. Các cấp lãnh đạo huyện, tỉnh đều cho đây là một sáng kiến, Tự Tân in rất nhiều phiếu trưng cầu ý kiến nhân dân, các gia đình đều ghi ý kiến của gia đình mình.
Điều rất mừng là, sau khi thu phiếu và tổng hợp ý kiến nhân dân, có đến 98% số hộ gia đình đồng ý với phương án do ban chỉ đạo xã đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số gia đình băn khoăn, do dự. Đến khi tiến hành công việc làm đường trục và đào mương máng trên các cánh đồng thì lại một khó khăn mới phát sinh: Lao động trẻ khoẻ có thể đào vác đất làm thuỷ lợi được thì đều đi làm ở các xí nghiệp, hoặc đi làm ăn ở nơi xa. Nơi quê nhà toàn những người quá tuổi lao động, không thể làm được các công việc nặng nhọc.

BCĐ xã lại đề xuất sáng kiến thuê máy xúc về đào mương tiêu. Ngày khởi công đào con mương ở cánh đồng Phú Lễ, hàng nghìn người đến xem, đông như hội. Người ta đã thấy hiệu quả bước đầu của chương trình xây dựng NTM. Có đường to ra đồng, có mương tiêu máng tưới, có các công trình phục vụ sản xuất, nhất định nông nghiệp sẽ phát triển mạnh, nông dân và nông thôn sẽ đổi đời. Đấy chính là công ơn mà Đảng, Bác Hồ đem đến cho dân. Niềm tin giữa dân với Đảng càng thêm bền chắc.

 

Theo Cao Bá Khoát ( Báo Nông nghiệp nông thôn )


Tin khác