Thời cơ hóa thân của nông nghiệp

10/02/2011

“Lần đầu tiên thực sự được sống” câu nói của nhiều nông dân trong dịp Tết Tân Mão này là thành quả tích tụ của hơn 20 năm đổi mới. Lịch sử là sự tiếp nối của “nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày” (Chế Lan Viên) , nhưng việc được giá đồng loạt của nông sản những năm tháng này “là hóa thân, là đột biến” để cho “lượng đổi, chất đổi”. Sau gần một thế kỷ, nông sản bị rẻ mạt nay đang trên đường hồi phục và lấy lại giá trị đích thực của nó.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một công nhân xuất khẩu lao động từ Đức trở về lập nghiệp tại thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước nói – Chưa bao giờ tôi thấy nhẹ người với cơm áo gạo tiền như năm nay. Con muốn TV tinh thể lỏng ư – thì mua, vợ muốn máy giặt ư – thì sắm. Bố muốn xem thể thao ư – thì lắp cáp … Lần đầu tiên tôi thấy thực sự được sống, được ngủ ngon, hơn cả trước đây khi mới từ Đức về có nhiều tiền hơn hiện nay.
Anh Hùng chỉ sở hữu 2 ha cao su và một tiệm may nhỏ ở chợ, không phải là đối tượng giàu có như những người sở hữu 5- 7 mẫu, thậm chí vài ba chục mẫu cao su mà cuộc sống đã đủ đầy. Khoảng 90% nhân dân huyện Chơn Thành có mức sống như anh Hùng trở lên.
Mà đâu chỉ có dân Bình Phước, dân các tỉnh miền Đông Nam bộ với cao su là cây trồng chủ lực mà dân các tỉnh Tây Nguyên, với cây chủ lực là cà phê đến dân các tỉnh ĐBSCL với cây lúa nước. Lần đầu tiên người nông dân thoát khỏi nghịch cảnh “được mùa – mất giá” mà thực sự đang là “được mùa - được giá”. Được giá không chỉ với những cây hàng hóa chủ lực như lúa gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu mà tất cả những nông lâm sản khác như ngô, khoai, sắn, trái cây, nguyên liệu giấy …
“Lần đầu tiên thực sự được sống” câu nói của anh Hùng và nhiều nông dân khác trong dịp Tết Tân Mão này là thành quả tích tụ của hơn 20 năm đổi mới. Lịch sử là sự tiếp nối của “nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày” (Chế Lan Viên) , nhưng việc được giá đồng loạt của nông sản những năm tháng này “là hóa thân, là đột biến” để cho “lượng đổi, chất đổi”. Sau gần một thế kỷ, nông sản bị rẻ mạt nay đang trên đường hồi phục và lấy lại giá trị đích thực của nó.
HAI CUỘC KHỦNG HOẢNG VÀ MẶT TRÁI CÁCH MẠNG XANH
Thế giới đang đứng trước 2 cuộc khủng hoảng lớn là khủng hoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng bắt đầu từ 2007. Những năm trước đó, giá gạo trắng của Thái Lan chỉ bán được trung bình 245 USD/T nhưng sau đó đã nhảy vọt lên 600 rồi 1.000 USD/T. Sau khủng hoảng tài chính giá xuống 450 USD/T nhưng rồi lên dần lại và vẫn giữ mức trên 500 USD/T đến tận hiện nay. Tương tự giá dầu mỏ trước 2007 chỉ khoảng 60 USD/thùng nhưng sau đó đã vọt lên trên 145 USD vào tháng 8 năm 2008, sau đó giá tụt dần xuống 75 USD nhưng dần nhích lên và đạt 100 USD vào dịp Tết Tân Mão này.
Giá dầu mỏ tăng đột biến là do các mỏ dầu đang dần cạn kiệt, chi phí khai thác ngày một đắt đỏ. Còn giá lương thực tăng là bởi mặt trái của cách mạng xanh.
Cuộc cách mạng xanh bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước và đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật nông nghiệp mà sản lượng lúa trên toàn thế giới tăng liên tục 25 năm liền từ 261 triệu T lúa (1966) lên 636 triệu T lúa (2006). Nhờ cách mạng xanh mà hàng trăm triệu người trên thế giới thoát khỏi nạn đói, thế nhưng cũng vì thế mà làm cho giá lúa gạo tăng rất chậm và không phản ánh đúng giá trị thực của nó. Năm 1986, năm huy hoàng nhất của cách mạng xanh nhưng giá gạo bình quân năm đấy cũng xuống rất thấp, chỉ 188 USD/T và đến 15 năm sau đó giá gạo lên xuống trong phạm vi hẹp, cũng có lúc cao đến 300 USD/T nhưng cũng có lúc chỉ còn 177 USD/T, trung bình cũng chỉ 222 USD/T, bằng với giá gạo của những năm thập kỷ 70.
SỰ BẢO HỘ NÔNG NGHIỆP
Theo tài liệu của ông Trần Văn Đạt, nguyên thư ký điều hành Ủy ban Lúa gạo của FAO, ngoài mặt trái của cách mạng xanh, việc giá nông sản trong 50 năm qua luôn ở mức thấp, quá thấp so với hàng công nghiệp còn có sự đóng góp của chính sách an ninh lương thực, bình ổn giá của các nước trên thế giới. Nhưng tác dụng kìm hãm giá nông sản to lớn nhất phải kể đến sự bảo hộ nông nghiệp quá đáng của những nước phát triển.
Năm 1986, Trung tâm Nghiên cứu lúa Đồng Tháp Mười được dự án cho mua chiếc TV màu 27 inch hiệu JVC có giá trị bằng 26 tấn lúa lúc đó. Năm 2004, tổng số tiền bảo hộ, trợ giá cho nông nghiệp của các nước phát triển lên tới 279,5 tỷ USD, chiếm 30% lợi tức của ngành này mang lại. Ví dụ mỗi con bò sữa ở liên minh châu Âu được nhận 2,7 USD/ngày. Mỗi kg gạo của nông dân Nhật được nhà nước định giá cao gấp 7-8 lần so với giá thế giới. 25% nông trại của Mỹ được nhận trợ cấp trực tiếp từ chính phủ mà chưa kể đến hàng loạt nông sản xuất khẩu như ngô, đậu nành, bông vải, lúa mì, gạo, đường, dầu thực vật … đều được bù giá. Hàn Quốc tuy phát triển sau nhưng mỗi năm cũng bỏ ra khoảng 19 tỷ USD bao cấp cho nông nghiệp.
 Chính sách duy trì giá nội địa cao và XK với giá rẻ (do đã được bù giá) nên không những đã làm thành hàng rào ngăn cản nông sản nhập khẩu mà còn kích thích sản xuất khiến cho nông sản càng dồi dào, xuất khẩu càng mạnh và các nước đang phát triển không thể cạnh tranh được. Thái Lan là nước có truyền thống hơn 70 năm xuất khẩu gạo liên tục nhưng nông dân vẫn không giàu lên được là một minh chứng cho sự bất công trên.
TOÀN CẦU HÓA VÀ VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC MÔI TRƯỜNG
Tự do thương mại toàn cầu không còn là một xu hướng mà đang trở thành hiện thực. Khó khăn lớn nhất trong các cuộc thương thảo toàn cầu hóa của WTO và các vấn đề quan trọng khác của địa cầu như biến đổi khí hậu là vấn đề trợ cấp cho nông nghiệp. Theo Ngân hàng Thế giới, nếu chính sách bảo hộ nông nghiệp các nước phát triển được bãi bỏ thì nông nghiệp các nước đang phát triển như VN sẽ có thêm 60 tỷ USD/năm lợi tức XK nông sản.
Các nước phát triển đang đứng trước sự lựa chọn, nếu cứ tiếp tục chính sách bảo hộ nông nghiệp như trước đây thì công cuộc toàn cầu hóa sẽ thất bại và kinh tế của chính họ sẽ hết động lực phát triển. Muốn tiếp tục phát triển thì buộc phải nhượng bộ các nước đang phát triển về bảo hộ nông nghiệp để đổi lại việc mở cửa thị trường đầu tư, công nghiệp và trí tuệ. Tuy đã qua nhiều vòng đàm phán thất bại nhưng xu hướng cắt giảm trợ cấp nông nghiệp, đảm bảo cho thương mại công bằng là không thể đảo ngược.
Khủng hoảng về dầu mỏ nên diezen sinh học được khuyến khích. Ngày càng có nhiều nông sản được sử dụng cho ngành công nghiệp mới này và chính nhờ vậy mà giá sắn, giá ngô, giá mía đã tăng mạnh trong thời gian qua.
Ngoài ra, để đối phó với việc biến đổi khí hậu, chính phủ và các tổ chức môi trường cũng đã hạn chế sản xuất các sản phẩm tiêu hao nhiều năng lượng. Ví dụ như mặt hàng sản phẩm cao su, các khuyến cáo trước đây đều cho rằng không nên để giá cao su thiên nhiên vượt quá 3.000 USD/T, vì nếu cao quá thì thế giới sẽ đẩy mạnh công nghiệp cao su nhân tạo và chính cao su nhân tạo đã làm giá cao su thiên nhiên từ 40 USD/kg ở những năm đầu thế kỷ 20 xuống chỉ còn 1,5 USD/kg vào những năm cuối thế kỷ. Tuy nhiên giá cao su thiên nhiên hiện nay đã lên tới 5 USD/kg và chưa phải là đỉnh cao. Ngoài việc gia tăng mức cầu, việc sử dụng cao su thiên nhiên còn lợi thế là năng lượng tiêu hao cho 1 T cao su thiên nhiên chỉ 15-16 GJ, trong lúc 1 T cao su nhân tạo tiêu tốn 108 – 209 GJ.

“Lần đầu tiên thực sự được sống”- câu nói của anh Hùng và nhiều nông dân khác trong dịp Tết Tân Mão này là thành quả tích tụ của hơn 20 năm đổi mới.

Theo Quang Ngọc – Báo Nông nghiệp Việt Nam


Tin khác