Ông Nhạn cho biết:
|
Ông Đoàn Triệu Nhạn |
Niên vụ 2009-2010, giá càphê xuống thấp trong một thời gian dài khiến doanh nghiệp và nông dân gặp nhiều khó khăn. Niên vụ 2010-2011, ngay từ đầu vụ, giá đã tăng mạnh, hiện ở mức gần 38 triệu đồng/tấn. Có sự “đột biến” này là do thời tiết thất thường, khiến năng suất càphê bị ảnh hưởng, nhu cầu tiêu dùng tăng lên tới 2,5%. Thêm nữa, thường cứ mùa rét thì lượng cầu sẽ tăng. Chưa kể, Colômbia, một trong những quốc gia xuất khẩu càphê lớn nhất thế giới hiện chưa khôi phục được sản lượng cũ do dịch bệnh kéo dài,... Chính những lý do này khiến thời gian tới, giá càphê chè và càphê vối của ta đều tăng. Đây là dấu hiệu khởi sắc cho một mùa xuân mới đối với những người trồng càphê.
Tuy nhiên, nói thực, tôi vừa vui vừa lo, bởi rất có thể giá sẽ đảo chiều nếu chúng ta tự hài lòng với mình, không tự nâng cao giá trị của cây càphê.
Chúng ta đã nói nhiều đến việc người nông dân hoàn toàn có thể nâng cao giá trị xuất khẩu của càphê nếu họ không thu hái quả xanh, dẫn đến bị ép giá nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Theo ông, đâu là giải pháp khắc phục vấn đề này?
Hàng năm, chúng ta có sản lượng càphê vối lớn nhất thế giới (chiếm 95%). Những người yêu thích càphê đánh giá, chất lượng càphê vối của Việt Nam có thể sánh ngang với càphê chè của Brazil. Tuy nhiên, chất lượng càphê của ta chưa cao, nguyên nhân là do khâu thu hái, chế biến chưa thật tốt. Người nông dân với tâm lý “ăn xổi”, khi giá cao, họ có thể bất chấp quả xanh, vẫn tiến hành thu hái đồng loạt. Đây là nguyên nhân dẫn đến giá trị xuất khẩu của càphê Việt Nam thấp. Có 2 cách để khắc phục: Một là, nông dân có thể đổi giống càphê. Hai là, để chín hơn một chút, sau đó mới tiến hành hái và phân loại; tiếp đến, chế biến quả chín riêng, quả xanh riêng. Khi đó, giá trị sản phẩm sẽ cao hơn. Song, để nông dân có thể làm được, cần phải chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thu hái, phân loại và chế biến.
Trước mắt, để khắc phục tình trạng nông dân thu hái quả xanh, cần phải có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp, nhà quản lý. Đơn cử như vừa rồi, tại Đắk Lắk, tỉnh có sản lượng càphê lớn nhất cả nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp không thu mua “non”, bởi vậy nông dân đã chỉ thu hoạch đại trà khi vườn cây có tỷ lệ quả chín đạt từ 90% trở lên. Đây là một động thái tích cực nhằm bảo đảm chất lượng càphê xuất khẩu...
Thưa ông, như vậy, một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng càphê xuất khẩu của ta thấp là do quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ?
Đúng thế, 90% nông hộ trồng càphê ở Việt Nam có diện tích dưới 10ha, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến chất lượng không đồng đều. Hầu hết càphê xuất khẩu dưới dạng thô, không qua chế biến, có đến 99% càphê chưa rang xay.
Quá trình sơ chế thủ công, trên 80% sản lượng chế biến tại các hộ nhỏ lẻ, trong đó 50% hộ thiếu sân phơi và 80% hộ không có máy sấy, phải phụ thuộc vào thời tiết. So với yêu cầu về chất lượng xuất khẩu thì năng lực sơ chế này chỉ đạt 20%, khâu tinh chế đạt 40%, công nghệ sấy chất lượng cao chỉ đạt 20%.
Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao giá trị xuất khẩu cây càphê thông qua mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX). Nhắc đến HTX, không ít người còn tâm lý e dè bởi kiểu làm ăn “cha chung không ai khóc”, vậy nên chúng tôi đang nghiên cứu cơ sở khoa học thành lập HTX và Hiệp hội người sản xuất càphê Việt Nam. Một mô hình như HTX Lâm Viên (Lâm Đồng) để trợ giúp người trồng càphê là điều chúng ta có thể làm được.
Thêm nữa, tôi cũng muốn nhấn mạnh, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu càphê cần phải liên kết với nông dân, để không xảy ra tình trạng “tự dìm nhau”.
Theo KTNT