Nông nghiệp Việt Nam 65 năm xây dựng và phát triển

28/02/2011

Năm 2010 là năm kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo phát triển ngành nông lâm nghiệp của nước nhà. Bác đã nói trong cuộc Họp Hội đồng Chính phủ ngày 14-11-1945: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số Việt Nam sống về đồng ruộng. Muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chính thức thành lập từ ngày 1-11-1995 và đến năm 2007 chuyển thêm Bộ Thủy sản vào Bộ NN&PTNT như hiện nay. Trong cả một quá trình kháng chiến lâu dài chúng ta đã làm đúng như lời Bác căn dặn: ''Ruộng rẫy là chiến trường, quốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương'' cùng với những phong trào tiêu biểu như ''hũ gạo nuôi quân''; ''thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người''... và nhờ đó mà góp phần vào chiến thắng vĩ đại thống nhất giang sơn vào ngày 30 - 04 -1975.
Niềm vui được mùa
 
Từ ngày hòa bình lập lại nông nghiệp nước ta đã có một bước tiến vượt bậc cả về năng suất, sản lượng và chất lượng. Sau năm 1986 thực hiện công cuộc đổi mới trên mặt trận nông nghiệp, nông thôn và nông dân càng có một sự lột xác rõ rệt trên mọi lĩnh vực. Theo Bộ trưởng Cao Ðức Phát thì năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt trên 18 tỷ USD, đưa nước ta thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn trên thế giới. Năng suất lúa năm 2010 đạt 53 tạ/ha, gấp 4,4 lần năng suất năm 1945 và gần gấp hai lần năm 1985. Sản lượng lúa năm 2010 đạt gần 40 triệu tấn; sản lượng thịt tăng gấp năm lần so với năm 1985; độ che phủ của rừng tăng lên 39,5% vào năm 2010. Thủy sản năm 2010 đạt tổng sản lượng 4,8 triệu tấn. Sản lượng muối đạt 1,1 triệu tấn. Nước ta đã tham gia xuất khẩu gạo, cà-phê, cao-su, chè, điều, hồ tiêu, thủy sản, các loại lâm sản với số lượng và chất lượng ngày càng tăng. Hạt điều, hạt tiêu có giá trị xuất khẩu cao nhất thế giới và được đánh giá cao về chất lượng; gạo, cà-phê đứng thứ hai, cao-su đứng thứ tư, thủy sản đứng thứ năm, chè đứng thứ bảy,... Ðã có năm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên là gạo, thủy sản, đồ gỗ, cà-phê và cao-su. Hàng nghìn công trình thủy lợi được xây dựng trong 65 năm qua, trong đó có nhiều công trình quy mô lớn. Hệ thống thủy lợi với hàng nghìn hồ đập, trạm bơm, hàng chục nghìn km kênh mương, đê kè đã được hình thành. Ðời sống nông dân ngày một được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ bữa ăn no đến bữa ăn ngon, từ chỗ chỉ lo về đời sống vật chất thì nay đang phong phú thêm đời sống văn hóa. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là: đạt được sự tăng trưởng bền vững, chất lượng, cải thiện cơ bản điều kiện sống của dân cư nông thôn nhất là người nghèo, bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành từ 3,5 đến 3,8%; kim ngạch xuất khẩu đạt 21 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn còn 7%, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 95% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Trong sự phát triển nhanh chóng của ngành nông lâm nghiệp trong những năm qua có sự đóng góp đáng kể của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật thuộc các viện, các trung tâm nghiên cứu các trường đại học và cán bộ khuyến nông, khuyến lâm ở khắp mọi miền đất nước. Thành tựu nổi bật nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là GDP hằng năm tăng trưởng tương đối ổn định, bình quân từ 4,2% đến 4,5%/năm. Tổng giá trị nông, lâm và thủy sản năm sau thường cao hơn năm trước, năm 2009 đã đạt khoảng 12,5 tỷ USD. Năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn cũ của cả nước còn tới 22% thì đến năm 2010 chỉ còn có 9,5%. Trong những năm tới bình quân mỗi năm sẽ phải giảm khoảng 7,5% số hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới sẽ giảm từ 15% vào năm 2011 xuống 4-5% vào năm 2020. Hiện nay, nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ áp dụng vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp khoảng 30%. Những năm qua, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công các quy trình công nghệ và chọn tạo được nhiều giống cây trồng, gia súc... Những tiến bộ kỹ thuật đó được được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến sau thu hoạch. Năm 2011 cũng là năm thứ 21, nước ta thực hiện kim ngạch xuất khẩu gạo cao. Khả năng cả năm 2010, xuất khẩu đạt 6,5 triệu tấn, trong đó đến ngày 9-11-2010 đã giao cho bạn hàng nước ngoài 5,9 triệu tấn gạo, với giá trị kim ngạch 2,5 tỷ USD (giá FOB) tăng 9% về số lượng và 14% giá trị kim ngạch. Giá gạo xuất khẩu đang ngày càng tăng dần, bình quân đạt 424 USD/tấn, tăng 18,58 USD/tấn so cùng kỳ năm 2009. Hội nghị lúa gạo quốc tế (IRC) lần thứ ba do Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức tại Hà Nội ngày 9-11-2010 đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc góp sức bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Với sản lượng lúa chiếm hơn 90% số sản lượng các cây lương thực có hạt, Việt Nam đang trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Có thể tóm tắt các thành tựu chính của các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi trong năm 2010 như sau:
Ngành trồng trọt dù ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, tốc độ tăng giá trị sản xuất vẫn đạt bình quân 4,29%/năm. Ngành chăn nuôi giai đoạn 2006 - 2010 có hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì dịch bệnh hoành hành, tuy nhiên đáng ghi nhận là đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng chất lượng, thông qua việc hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, phương thức công nghiệp, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, bảo đảm an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi. Ngành thủy sản đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 8,96%/năm. Các chỉ tiêu về tổng sản lượng thủy sản, sản lượng khai thác, nuôi trồng đều đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010. Tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt mức bình quân 2,3%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra của Chính phủ. Các chỉ tiêu về trồng rừng sản xuất, khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh cũng đều đạt chỉ tiêu đề ra. Ðộ che phủ rừng tăng từ 37,7% năm 2006 lên gần 40% năm 2010. Ðặc biệt, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt mức bình quân gần 20%/năm. Lâm nghiệp đã chuyển mạnh từ lâm nghiệp quốc doanh sang lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia.Về phát triển hạ tầng thủy lợi, tới nay, cả nước đã xây dựng được gần 100 hệ thống thủy lợi vừa và lớn, trong đó có 1.967 hồ chứa có dung tích chứa trên 0,2 triệu m3, tổng dung tích trữ 24,8 tỷ m3; mười nghìn trạm bơm, trong đó trên hai nghìn trạm bơm lớn; 1.000 km kênh trục lớn, 5.000 cống tưới, tiêu lớn, 23.000 km đê bao các loại. Tổng năng lực thiết kế tưới của các hệ thống đến nay bảo đảm cho 3,45 triệu ha đất canh tác, trong đó tưới cho 6,92 triệu ha diện tích gieo trồng lúa, 1,5 triệu ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày; bảo đảm tiêu cho khoảng 1,72 triệu ha, ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha, cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ hơn 5,65 tỷ m3/năm. Trong 5 năm 2006 - 2010 tăng năng lực tưới thêm 450 nghìn ha, năng lực tiêu 243 nghìn ha. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu đẹp. Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 14,8%/năm. Tăng trưởng của công nghiệp nông thôn đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Ðời sống nông dân ở hầu khắp các vùng nông thôn được cải thiện rõ rệt. Thu nhập tăng nên tích lũy bình quân một hộ nông thôn cũng tăng lên khá rõ rệt.
Ðể đạt tới mục tiêu đưa nước ta tới năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại còn rất nhiều vấn đề cần phấn đấu trong nông nghiệp. Trước hết là việc tích tụ ruộng đất để có thể sản xuất trên quy mô lớn theo các quy trình hợp khoa học, an toàn và tiết kiệm nhân lực, cần sửa đổi chính sách ruộng đất để bảo vệ quyền lợi thật sự cho người nông dân, cần trả lại mọi diện tích 'treo' và chấm dứt việc lấy đất có độ phì nhiêu cao (đất có cấu tượng tốt) để làm khu công nghiệp, khu chế xuất, bảo vệ kiên quyết vốn rừng đang có, phát triển nhanh những diện tích trồng mới cây rừng và cây công nghiệp, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng thủy sản và các nông sản phẩm có khả năng xuất khẩu.
GS - NGND NGUYỄN LÂN DŨNG

Tin khác