Lúa gạo Việt Nam trước vận hội mới

23/02/2011

(ĐCSVN) - Trong vòng mấy năm trở lại đây, chưa năm nào sản xuất nông nghiệp của chúng ta nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng lại đứng trước khó khăn, nghiệt ngã như vụ sản xuất đông – xuân này. Nhưng cũng chưa mấy khi sản xuất lúa gạo Việt Nam đứng trước những vận hội mới như hiện nay.

Vấn đề có ý nghĩa quan trọng hiện tại là phải nắm lấy thời cơ, tranh thủ vận hội để tạo điều kiện cho sản xuất lúa gạo của chúng ta có bước phát triển bền vững.
Mấy tuần gần đây, nhiều nước trên thế giới đang lao đao về tình hình thiếu lương thực. An ninh về lương thực, thực phẩm ở không ít nước, nhất là một số nước Châu Phi đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Một số thành phố, địa phương đã xảy ra đầu cơ, tích trữ về lương thực, thực phẩm. Có nơi xảy ra tình trạng tranh cướp, xô xát. Tại khóa họp 49 của Ủy ban phát triển xã hội LHQ, khi mạc 10/2 tại Niu-Óc (Mỹ), các chuyên gia LHQ khẳng định các nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên thế giới không thể thành công nếu không giải quyết được nạn thất nghiệp và vấn đề lương thực bảo đảm cuộc sống bền vững cho người lao động. Tại Hội nghị tư vấn cấp cao về an ninh lương thực khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tổ chức ở Băng Cốc (Thái Lan), các nhà hoạch định chính sách, các nhà xuất khẩu lương thực, các chuyên gia LHQ và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) khẳng định mở rộng và tạo điều kiện tăng cường buôn bán nông phẩm là chìa khóa để xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an ninh lương thực. Mới đây, chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) R.Dô-ê-lích cảnh báo giá lương thực đã tăng đến mức nguy hiểm, khiến ít nhất 44 triệu người ở các nước đang phát triển rơi vào cảnh nghèo khó, nâng tổng số người nghèo lên 944 triệu người. Theo ông Dô-ê-lích giá lương thực thế giới tăng 29% trong năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu là biến động thời tiết và một số nước cấm xuất khẩu. Ông Dô-ê-lích kêu gọi các nước phối hợp hành động đối phó với xu hướng tăng giá lương thực.
Đứng trước những diễn biến phức tạp của tình hình sản xuất và tiêu dùng lương thực, thực phẩm của thế giới nêu trên, là một nước đứng vị trí thứ hai trên thế giới về sản xuất gạo, Việt Nam coi đây vừa là trách nhiệm của mình đối với an ninh lương thực, thực phẩm trên thế giới, đồng thời cũng là vận hội lớn đối với người nông dân tiêu thụ được giá đối với sản phẩm “hai sương một nắng” mình làm ra nhằm từng bước cải thiện được sản xuất với nâng cao mức sống của mình. Về vấn đề này, tại khóa họp lần thứ 49 của Ủy ban phát triển xã hội LHQ, khai mạc 12/2, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã phát biểu nhấn mạnh: Việt Nam cam kết nỗ lực cao nhất đóng góp vào công việc của khóa họp, cũng như chương trình xóa đói, giảm nghèo, an ninh lương thực của LHQ.
Để góp phần vào việc giữ vững an ninh lương thực thế giới đồng thời thực hiện được vận hội của mình, sản xuất lúa, gạo Việt Nam phải giải quyết một loạt khó khăn thách thức phấn đấu năm 2011 đạt mục tiêu hơn 40 triệu tấn lương thực. Trước hết là nhà nước, các ngành có liên quan phải tập trung sức, nỗ lực đến mức cao nhất tạo mọi điều kiện về nước, phần giống tạo điều kiện để nông dân nhất là các tỉnh miền Bắc cấy hết diện tích, đảm bảo thời vụ trong vụ đông – xuân này. Vừa qua sau hơn một tháng rét đậm, các hồ, ao sông ngòi bị cạn kiệt, đồng ruộng bị khô nẻ. Nhiều đợt gieo mạ bị chết, hơn 50 nghìn con trâu, bò, gia súc bị chết rét. Nhưng do có sự chỉ đạo ráo riết, kịp thời của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo ngành điện lực có mấy đợt xả nước ở các hồ, đã giúp cho hơn 90% diện tích gieo cấy vụ đông – xuân ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ đủ nước cấy. Nhiều địa phương mạ bị chết đã được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cung ứng giống kịp thời. Các biện pháp phòng trừ, sâu bệnh đã được hướng dẫn kịp thời cho nông dân. Sau Tết nguyên đán, thời tiết ấm dần lên, mạ cấy xuống đã mở lá. Nhiều nơi đón được trận mưa đầu mùa... Đó là những tín hiệu tốt, báo hiệu vụ đông – xuân này tuy gặp khó khăn nhưng nếu chúng ta chủ động đối phó mọi tình huống diễn biến phức tạp của thời tiết thì vẫn có thể được mùa. Như kinh nghiệm của nhiều “lão nông tri điền” cho biết: Đầu vụ mà rét đậm, cây mạ gặp nhiều trở ngại thì cuối vụ sẽ cho năng suất cao. Đối với nông dân phía Nam, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang và đã thu hoạch vụ lúa đầu tiên trong năm 2011. Năng suất, sản lượng khá cao (năng suất hơn 6 tấn/ha). Vấn đề nổi lên hiện nay là các Công ty kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo làm sao mua hết số thóc cần bán cho nông dân. Phải tính toán, cân đối thế nào để người trồng lúa có lời khoảng từ 30 – 40% trở lên. Việc mua dự trữ một triệu tấn gạo, hơn lúc nào hết phải làm hết sức khẩn trương và gọn gàng. Các ngành có liên quan, nhất là ngân hàng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn, tháo gỡ khó khăn để mua hết thóc cho nông dân. Chấm dứt căn bệnh kéo dài từ lâu “được mùa, rớt giá” hoặc ngược lại.
Chưa bao giờ sản xuất lúa gạo Việt Nam có vận hội lớn như hiện này, mặc dù đang đứng trước không ít khó khăn thách thức. Nhưng với truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo của mình chắc chắn nông dân Việt Nam sẽ nắm lấy vận hội, vượt lên mọi thách thức để đưa sản xuất lúa gạo Việt Nam tiến lên, phát triển bền vững.

Tin khác