Ngành cà phê Việt Nam: Tăng vốn, nâng chất lượng

21/02/2011

KTNT - Chưa bao giờ cà phê nhân xô tăng giá kỷ lục như hiện nay. giá tăng cao đã kéo theo tình trạng tranh mua quyết liệt ở các vùng nguyên liệu như Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Lâm Đồng… Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết:

Giá cà phê tăng cao là do biến đổi thời tiết làm mất mùa ở một số nước trên thế giới, lượng tồn kho thấp và giảm liên tục, nhiều nước trồng cà phê đã phải tiến hành thay vườn cà phê già, điển hình như Colombia sản lượng cà phê đang từ 12 triệu bao giảm xuống còn 7 - 8 triệu bao mỗi năm. Ngược lại nhu cầu tiêu thụ cà phê trên thế giới tăng từ 2%-2,5%/năm; sản lượng cà phê arabica giảm - giá tăng cao kéo giá cà phê robusta tăng.
Giá tăng, người được hưởng lợi đầu tiên là nông dân, bởi vụ cà phê năm trước có lúc giá rớt xuống 23,5 triệu đồng/tấn, khiến người trồng cà phê “mất ăn mất ngủ”. Sau khi Chính phủ có quyết định tạm trữ cà phê từ tháng 4-2010, giá bắt đầu tăng dần và đến nay do tác động của các yếu tố trên đã đẩy giá cà phê cao chót vót từ 39 - 41 triệu đồng/tấn trở lên.
Người dân thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên trong niềm vui trúng giá
 
- PV: Thưa ông, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước than phiền những doanh nghiệp nước ngoài tự ý tổ chức mạng lưới thu gom cà phê trực tiếp trong dân đã gây bất ổn cho ngành. Xin ông cho biết cụ thể việc này ra sao?
Ông LƯƠNG VĂN TỰ: Việc một số doanh nghiệp nước ngoài xây dựng mạng lưới thu gom cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên là có thật. Điều này trái với những quy định của luật pháp Việt Nam. Hiệp hội đang đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra và có biện pháp xử lý các vi phạm trên của doanh nghiệp nước ngoài.
- PV: Có ý kiến lo ngại, nếu ngăn không cho doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê trong dân thì liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp trong nước “ép giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi của người trồng cà phê?
Ông LƯƠNG VĂN TỰ: Cả nước hiện có trên 140 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Các doanh nghiệp này tổ chức thu mua và xuất khẩu cà phê, đồng thời bán lại cho khoảng 20 doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam. Lâu nay giá cà phê hình thành trên cơ sở giá thị trường và tự do thương lượng giá giữa người mua và người bán nên không có chuyện ép giá. Tôi lấy ví dụ như ở Indonesia xuất khẩu cà phê mỗi năm gần 10 triệu bao nhưng chỉ có 5 doanh nghiệp xuất khẩu.
Nếu đem Indonesia ra so sánh thì chúng ta có quá nhiều người mua cạnh tranh nhau để bán cho 20 nhà nhập khẩu nước ngoài. Các nhà nhập khẩu này bán lại cho 8 nhà rang xay cà phê lớn trên thế giới. Như vậy là ngược với câu châm ngôn “trăm người bán vạn người mua”. Đây cũng là nghịch lý gây bất lợi cho ngành cà phê Việt Nam.
Hiện nay chúng ta khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài (cũng như trong nước) đầu tư vào lĩnh vực cà phê rang xay, chế biến cà phê hòa tan như Nestlé, Olam, Vinacafe Biên Hòa, Cà phê Trung Nguyên đang làm. Khuyến khích chuyển giao kỹ thuật trồng cà phê GAP, UTZ, Rain Forest, cà phê cân bằng thân thiện với môi trường để tăng chuỗi giá trị cà phê lên cao.
- PV: Về lâu dài, chúng ta cần làm gì để phát triển bền vững ngành cà phê, đồng thời tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế?
Ông LƯƠNG VĂN TỰ: Cà phê là mặt hàng thu hoạch một vụ nhưng bán quanh năm. Thời gian qua, ngay thời điểm đầu vụ nhiều người thường bán cà phê ồ ạt dẫn đến giảm giá. Điển hình như năm 2001, cà phê giảm dưới mức giá thành gây thua lỗ nặng cho người kinh doanh và hàng loạt hộ đã phá bỏ cà phê để trồng cây khác. Để phát triển bền vững ngành cà phê, theo tôi, hàng năm vào đầu vụ các doanh nghiệp nên mua tạm trữ từ 200.000 - 300.000 tấn cà phê.
Làm được điều này, các ngân hàng cần cung cấp đủ nguồn vốn với thời hạn vay từ 6 - 9 tháng. Mặt khác, người trồng cà phê nên liên kết lại để có điều kiện áp dụng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở xay và chế biến nhằm giảm bớt phụ thuộc vào thời tiết khi vào vụ thu hoạch. Liên kết để tăng nguồn vốn, nâng chất lượng và nâng giá cà phê tăng lên.
Điều lo ngại hiện nay là số lượng cây cà phê già trong cả nước chiếm gần 30%. Vì vậy, cần sớm có chương trình tái canh cho cây cà phê để
giữ sản lượng. Vấn đề khó khăn là nguồn vốn, cộng với thời gian tái canh mất khoảng 5 năm thì người dân lấy gì để sống. Bộ NN-PTNT đang triển khai nhiều chương trình tái canh cây cà phê từ các nguồn vốn của ngân hàng, doanh nghiệp… Bộ cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh liên kết từ khâu canh tác, chế biến đến xuất khẩu nhằm tạo sức mạnh và sự đồng thuận, hạn chế cách làm riêng lẻ, cá thể.
Chúng ta sớm đưa 2 sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột và Triệu Phong vào hoạt động và kết nối với thị trường thế giới. Tập trung xây dựng thương hiệu và mạng lưới tiêu thụ. Đây là công việc khó khăn đòi hỏi vốn, công nghệ, kỹ năng và quyết tâm cao của các doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.
- PV: Xin cảm ơn ông.
* Theo Vicofa, năm 2010, cả nước xuất khẩu được hơn 1,1 triệu tấn cà phê, tổng kim ngạch đạt hơn 1,7 tỷ USD. Năm nay thị trường cà phê tốt, giá tăng cao… dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt khoảng 2 tỷ USD.
 
 Nguồn: SGGP

Tin khác