Ít khả năng sốt giá phân bón

13/10/2010

Vụ đông ở miền Bắc và chính vụ đông xuân ở miền Nam thường là thời điểm thị trường phân bón biến động do nhu cầu tăng đột biến, nhất là trong nửa tháng qua.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ngoài việc nhu cầu tăng cao, giá phân bón thế giới tăng đáng kể đã khiến giá trong nước nhiễu động theo. Từ giữa tháng 9 đến nay, phân bón trên thế giới đã tăng khoảng 40-100 USD/tấn. Mặt khác, tỉ giá USD so với tiền đồng tăng khiến giá các loại phân bón nhập khẩu nhích lên.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khẳng định nguồn cung các loại phân bón đang khá dồi dào nên giá phân bón trong nước có tăng nhưng chưa tăng mạnh theo giá thế giới. Theo ông Thúy, giá phân bón trong nước vẫn phụ thuộc khá nhiều vào giá thế giới do nhiều phân bón chủ lực như phân lân Super hay NPK hiện vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn. Ông Thúy cho rằng chính yếu tố nhập khẩu chưa được cơ quan chức năng tính toán một cách thống nhất nên từ trước đến nay vẫn theo kiểu phỏng đoán nên càng tạo điều kiện để thị trường phân bón bị nhiễu động.

Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng khẳng định mặc dù lượng phân bón tồn kho giảm hơn so với mọi năm song rất ít xảy ra khả năng sốt giá vào chính vụ. Với phân DAP, loại phân dùng nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, sẽ không có cơ hội tăng giá mạnh trên thị trường thế giới do cả Ấn Độ, Brazil và một phần Trung Quốc đều đã tích trữ đủ lượng DAP dùng đến năm sau. Riêng Ure, mặc dù giá thế giới sẽ có xu hướng tăng nhưng sản xuất nội địa hiện đã đáp ứng đủ 50% nhu cầu, đồng thời đã nhập trước đó 500.000 tấn nên việc khan hàng để đẩy giá lên sẽ không xảy ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo ngoài việc sử dụng phân bón vô cơ, bà con nông dân cần tận dụng tối đa nguồn phân bón hữu cơ tồn đọng trên đồng ruộng như rơm, rạ…, tăng hiệu suất sử dụng đạm đối với cây lúa bằng cách bón phân đúng lúc, đúng phương pháp.

Theo Pháp luật TP HCM


Tin khác