Để ngành cà-phê Việt Nam phát triển bền vững

13/10/2010

AGROINFO - Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Cộng sản Tháng 8/2010…

TCCS - Giá cà-phê xuất khẩu Việt Nam giảm liên tục trong thời gian gần đây là một nghịch lý so với lợi thế phát triển ngành này mà chúng ta có được. Để ngành cà-phê phát triển bền vững và trở thành ngành chiến lược cho nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, cần tìm ra nguyên nhân để có hướng khắc phục những hạn chế hiện nay.

Nhìn lại thị trường cà-phê Việt Nam

Đến nay, cả nước có nửa triệu héc-ta cà-phê, sản xuất hằng năm khoảng 1 triệu tấn, chủ yếu là cà-phê vối (Robusta) ở Tây Nguyên và cà-phê chè (Arabica) ở phía Bắc Tây Bắc. Ngành cà-phê nước ta đã có những bước phát triển nhanh vượt bậc. Chỉ trong vòng 15 - 20 năm trở lại đây chúng ta đã đưa sản lượng cà-phê cả nước tăng lên hàng trăm lần.

Thành tựu đó được thế giới ca ngợi. Trong vài năm lại đây, do sự kích thích mạnh mẽ của giá cả thị trường, cà-phê đã từng mang lại cho các nhà sản xuất lợi nhuận siêu ngạch. Tình hình phát triển vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ngành cũng như của Nhà nước. Chính vì thế, sự tăng trưởng nhanh chóng với mức độ lớn đã có tác động quan trọng trong việc góp phần đẩy ngành cà-phê đến thời kỳ khủng hoảng sản xuất thừa. Giá cà-phê xuất khẩu Việt Nam giảm liên tục cho đến thời điểm hiện nay.

Nguyên nhân trước hết của thực trạng trên là, chúng ta lúng túng trong chuyện chỉ độc canh cà-phê vối, trong khi đó địa hình miền Bắc hoàn toàn phù hợp để triển khai trồng cà-phê chè, mà hiện tại lượng cà-phê chè được tiêu thụ mạnh, chiếm tới 70% lượng sử dụng trên thế giới. Biến đổi khí hậu (lượng mưa không ổn định, hạn hán...) cũng là một trong những nguyên nhân gây nên những khó khăn, tác động không nhỏ. Giá nguyên liệu, vật tư cao. Giá bán giảm liên tục, dẫn đến việc nhiều người “om” hàng chưa muốn bán chờ giá tăng. Bên cạnh đó, cà-phê ở nước ta được trồng từ những năm 80 của thế kỷ XX, đến nay đều trên 20 năm tuổi nên già cỗi, năng suất thấp. Kỹ thuật trồng cà-phê cũng chưa tốt: Chặt cây che bóng không đúng cách, sử dụng phân vi sinh không đủ tiêu chuẩn, không áp dụng tiêu chuẩn phân loại mới (hiện chúng ta đang sử dụng tiêu chuẩn 10470 - 1993, trong khi đã có tiêu chuẩn mới phù hợp hơn là 10470 - 2005)...

Trước bài toán chưa có lời giải về sự phát triển của ngành cà-phê Việt Nam, chuyên gia Trần Thị Quỳnh Chi - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, nhận định rằng: Sản xuất quy mô nhỏ, lẻ, chia rẽ, chất lượng cà-phê thấp, không đồng đều cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng hiện tại. Ngành cà-phê đang đối mặt với những vấn đề như: thông tin không đầy đủ, chất lượng thông tin kém, không hiệu quả; thiếu vốn để quản lý, nghiên cứu phát triển, dịch vụ tín dụng vẫn đang bị bó hẹp; tiếp thị và quảng bá sản phẩm kém, chưa tạo được ấn tượng đối với khách hàng; thiếu sự tham gia của những tác nhân trong việc hoạch định và triển khai chính sách, giá trị gia tăng của sản phẩm cuối cùng thấp do thiếu kỹ thuật trong khâu chế biến sản phẩm; thiếu sự kết nối giữa các cấp quản lý, lãnh đạo với nông dân, người buôn bán nhỏ, các công ty kinh doanh và người tiêu dùng trong quá trình xây dựng, triển khai và đánh giá chính sách; nghiên cứu chính sách, nghiên cứu kỹ thuật và hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ chưa gắn kết và chưa theo định hướng thị trường...

Cách làm của những “đại gia” cà-phê thế giới

Theo kinh nghiệm của Bra-xin, mô hình tổ chức ngành cà-phê được chia làm 5 bộ phận gồm: uỷ ban chính sách cà-phê quốc gia Bra-xin, Hội đồng cà-phê quốc gia - đại diện cho người sản xuất, Hiệp hội rang xay cà-phê, Hiệp hội cà-phê hoà tan và các nhà xuất khẩu cà phê.

Điểm mạnh của tổ chức này là uỷ ban Chính sách cà-phê có thể liên kết theo ngành dọc và quản lý chuỗi ngành hàng cà-phê một cách tổng thể, chặt chẽ, dễ dàng chuyển giao các giai đoạn giữa các quốc gia. Các hiệp hội được phân định chức năng rất cụ thể, có thể lập kế hoạch, điều phối, giám sát các cơ sở liên quan đến ngành hàng cà-phê, đặc biệt thông qua quỹ hỗ trợ Fund Coffee - nguồn kinh phí cho việc hoạch định và thực hiện các chính sách của uỷ ban cà-phê quốc gia. Đây là quỹ quan trọng nhất của Bra-xin thực hiện các việc hỗ trợ chi phí, thu hoạch, tạm trữ, xúc tiến thương mại, mua nghiên cứu hỗ trợ về chi phí, quảng cáo, phát triển thị trường... một cách có tổ chức.

Tại Cô-lôm-bi-a, Liên đoàn của những người trồng cà-phê Cô-lôm-bi-a được hình thành từ những năm 1927 và đại diện cho quyền lợi của hơn 500 ngàn người trồng cà-phê, được tài trợ và tổ chức nghiên cứu tài chính, giám sát chất lượng cà-phê.

Những mô hình trên của các nước được đánh giá cao trên thế giới là có thể tối đa hoá nguồn thu xuất khẩu, cung cấp hàng hoá giá trị cho mọi người, cải tiến chất lượng, tăng năng suất, cải tiến nông thôn, giảm thiểu định kiến nông thôn, dễ chuyển thể sang các phần kinh tế khác.

Tìm hướng đi cho sự phát triển bền vững ngành cà-phê Việt Nam

Để có được sự phát triển bền vững cho ngành cà-phê, chúng ta cần có những bước đi chiến lược và cụ thể từ định hướng, đặc biệt là kết cấu tổ chức chặt chẽ chuỗi giá trị ngành hàng. Để xây dựng chiến lược ngành hàng cà phê, theo chúng tôi, phải gồm những bước :

- Mở rộng diện tích trồng cà-phê, tiến hành quy hoạch trồng luân phiên để có sự thay thế đúng lúc, tránh tình trạng già cỗi như hiện nay.

- Sử dụng kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc như: thuỷ lợi, phân bón phù hợp. Không sử dụng quá nhiều, thừa thãi phân vi sinh, hay tưới tiêu không hợp lý, dẫn đến những tác động có hại cho cây.

- Dự báo sự thay đổi nhu cầu của thị trường, từ đó có kế hoạch sản xuất và cung cấp những mặt hàng mà thị trường đang cần. Mở rộng mặt hàng, chủng loại mặt hàng, trồng đan xen và xoá bỏ tình trạng độc canh cà-phê vối (Robusta), như hiện nay.

- Lựa chọn nguyên liệu đầu vào kỹ lưỡng hơn. Trong chế biến, cần đẩy mạnh đầu tư đúng mức vào kỹ thuật, để nâng chất lượng cà-phê thành phẩm, dù năng suất giảm nhưng chất lượng tăng, vẫn có lãi. Xây dựng mô hình quản lý, nhằm gắn kết những tác nhân từ quá trình, sản xuất, chế biến cho đến khi sản phẩm hoàn thành và được đưa ra thị trường.

- Xây dựng những kênh thông tin hữu hiệu nhằm kết nối thông tin hai chiều từ các cấp lãnh đạo tới những người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Cung cấp, phổ biến thông tin thị trường, cải tiến thể chế, tổ chức ngành hàng, mục tiêu sản xuất, các chiến lược xúc tiến thương mại, dự báo mùa vụ, thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa nhà nước và tư nhân. Cần có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tạo ra được sự điều phối thống nhất để phát triển ngành cà-phê.

- Thành lập uỷ ban điều phối ngành hàng cà-phê nhằm đề xuất và hoạch định chính sách chiến lược ngành, gồm cả chính sách dự trữ; cung cấp và phổ biến thông tin thị trường; cải tiến thể chế tổ chức ngành hàng. Đặc biệt lưu ý là chiến lược xúc tiến thương mại. Thông qua dự án nghiên cứu nông nghiệp, marketing và dự báo mùa vụ. Thông qua giải pháp cân đối cung cầu cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước...

- Xây dựng, liên kết những hiệp hội như: hiệp hội sản xuất, hiệp hội những người buôn bán nhỏ, hiệp hội các công ty kinh doanh và hiệp hội người tiêu dùng. Hiện chúng ta mới chỉ có mô hình hiệp hội kinh doanh cà-phê, còn lại những nhân tố khác vẫn rời rạc và ở quy mô nhỏ. Do vậy, cần tạo ra các hiệp hội mới như hiệp hội sản xuất với mục đích kết nối quyền lợi của nông dân trồng cà-phê và gia đình nhằm bảo đảm ổn định thu nhập cho họ; hay những hiệp hội buôn bán nhỏ, hiệp hội người tiêu dùng, với vai trò góp phần tạo ra kênh phân phối hợp lý, tiếp cận và phản hồi thông tin và phản ứng thị trường một cách nhanh chóng và chính xác.

- Đẩy mạnh sự tham gia của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để tạo sự điều phối tập trung và thống nhất hơn, tốt hơn nhiệm vụ đề xuất các chính sách, chiến lược về ngành hàng cà-phê phù hợp với tình hình thực tế hơn nữa. Theo các chuyên gia, nên xây dựng Quỹ cà-phê để hỗ trợ ngành hàng, hỗ trợ những việc cụ thể: chi phí sản xuất (đầu vào, lao động, chi phí máy móc), chi phí thu hoạch, hỗ trợ tạm trữ cho người sản xuất và hợp tác xã (HTX) với mức hỗ trợ bằng 50% công suất chế biến của mỗi HTX. Có thể hỗ trợ mua cà-phê với mức hỗ trợ là 50% công suất chế biến; hỗ trợ quảng cáo; hỗ trợ nghiên cứu phát triển ngành cà-phê. Nguồn vốn chính của Quỹ Cà-phê là từ khoản thuế đặc biệt đối với từng bao cà-phê xuất khẩu.

Sự ra đời của uỷ ban ngành cà-phê cấp quốc gia là việc cần thiết. Mở rộng thêm các hiệp hội liên quan đến cà-phê như hiệp hội sản xuất, hay hiệp hội chế biến cà-phê và phải có sự điều hành của Nhà nước. Cần có những dự đoán, phân tích và nhận định về thời tiết, quy hoạch, chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra, nhu cầu thị trường thế nào để có những chính sách và hướng dẫn kịp thời phù hợp với thực tế, tạo sự hoạt động phát triển thông suốt theo ngành dọc.

Trọng Khánh (AGROINFO)


Tin khác