(baodautu.vn) Để phát triển bền vững ngành cà phê, các doanh nghiệp không chỉ phải lo khâu sản xuất, chế biến, mà cần tính tới cả khâu tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa.
Nhiều ý kiến về phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Triển vọng ngành nông nghiệp Việt Nam”, được tổ chức mới đây.
Theo ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa, là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới (kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 1,2-2 tỷ USD/năm), nhưng quy mô sản xuất ngành cà phê của Việt Nam còn nhỏ lẻ, năng suất thấp, chất lượng chưa đảm bảo…, dẫn đến người trồng cà phê vẫn còn nghèo.
|
Cần kế sách cho cà phê phát triển xứng với tiềm năng |
Ông Nguyễn Trung Sơn (huyện Di Linh, Lâm Đồng), đại diện cho những người trồng cà phê nêu một thực tế rằng, thu nhập của người trồng cà phê hiện rất thấp. “Với sản lượng trung bình khoảng 2 tấn cà phê nhân/ha và giá bán khoảng 24.000 đồng/kg, người nông dân bán được gần 50 triệu đồng; nếu trừ chi phí sản xuất (chiếm khoảng 60%), chỉ còn dư khoảng 20 triệu đồng. Với mức thu nhập này, mỗi hộ gia đình trồng cà phê thu nhập chỉ khoảng 5 triệu đồng/người/năm, tức thấp hơn chuẩn nghèo của cả nước”, ông Sơn phân tích.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Văn An cho rằng, phát triển cà phê bền vững là phải tăng được giá trị sản phẩm cà phê ở Việt Nam. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: thâm canh hợp lý, tổ chức bón phân và tưới tiêu đầy đủ; tăng năng suất, nhưng không tăng diện tích nhằm tránh sản xuất dư thừa gây khủng hoảng về cung cầu; thu hoạch cà phê chín, cho năng suất cao, chất lượng tốt, qua đó bán được giá cao hơn; đầu tư trong chế biến (chế biến ướt) nhằm nâng cao chất lượng cà phê, có thể tăng giá trị 15-20%. Ngoài ra, cần phải cân bằng trong khâu thương mại, nhằm hài hòa lợi ích giữa người trồng và kinh doanh cà phê.
“Nếu đạt được các tiêu chí trên, giá trị xuất khẩu của ngành sản xuất cà phê Việt Nam sẽ tăng khoảng 20%/năm, với khối lượng sản xuất tăng bình quân 10%/năm và doanh thu ước tính đạt bình quân 300 - 400 triệu USD/năm”, ông Nguyễn Văn An tính toán.
Nhấn mạnh yếu tố chất lượng và bền vững luôn phải song hành, ông Jonathan Clark, Tổng giám đốc Công ty Dakman cho rằng, việc có quá nhiều tiêu chuẩn chất lượng cà phê (ở Việt Nam, hiện có ít nhất 5 loại tiêu chuẩn chất lượng cà phê khác nhau, được sử dụng bởi các nhà rang xay cà phê), sẽ dễ dẫn đến sự lúng túng và đòi hỏi quá nhiều loại tiêu chuẩn kho hàng. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến chất lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam bị ảnh hưởng. Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải nâng cao hàm lượng chế biến.
Một số chuyên gia khác cho rằng, để phát triển cà phê bền vững, doanh nghiệp không chỉ phải lo khâu sản xuất, chế biến, mà cần tính tới cả khâu tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa. Vì thực tế hiện nay, các quán cà phê thì nhiều, nhưng lượng tiêu thụ cà phê trong nước còn quá ít!
Theo ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia ngành hàng thuộc Trung tâm Thông tin (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn), nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ cà phê trong nước còn thấp là do thị trường cà phê đang phải cạnh tranh với các loại đồ uống khác (nước được gia tăng hương vị và Vitamine, các loại nước tăng lực có bổ sung đường, các loại trà…).“Để cạnh tranh, xu hướng sắp tới là ngành cà phê cần phát triển mạnh các loại sản phẩm từ cà phê như: cà phê hòa tan, cà phê nước đóng lon…, giúp cà phê trở nên tiện dụng hơn”, ông Trịnh Văn Tiến nói.Riêng ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp ngành hàng cà phê Việt Nam cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả kinh tế ngành hàng cà phê, chất lượng là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu. Nhưng để có chất lượng tốt, cần sự hợp tác giữa các bên liên quan, tức người trồng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và các đơn vị thu mua, tiêu thụ cà phê.
Thanh Vũ (Báo Đầu tư)