Hàng Việt Nam vào Mỹ sẽ gặp nhiều rào cản hơn

30/09/2010

Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết dự kiến sẽ có 14 “hàng rào” mới được dựng lên tại thị trường Mỹ, khiến cho hàng hóa từ các quốc gia như Việt Nam vào thị trường này khó khăn hơn.

Hôm 29-9, luật sư William Barriger, người hợp tác chặt chẽ với VCCI để chống lại thuế chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ năm 2003 đã được mời đến nói chuyện về danh mục 14 đề xuất sửa đổi của phía Mỹ liên quan đến thuế chống bán phá giá đang dự kiến được triển khai.

 
 Thủy sản VN vào Mỹ sẽ  khó khăn hơn
Theo VCCI, cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo một số đề xuất nhằm tăng cường công tác thực thi Luật thương mại và hỗ trợ cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ. Những đề xuất hỗ trợ cho việc này nhằm mục đích tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong 5 năm tới và hỗ trợ tạo thêm hàng triệu việc làm mới.

“Nói đơn giản, đây là các rào cản khiến cho việc bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với một sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ trở nên khó khăn hơn nhiều”, ông Barriger phân tích. Các nhà sản xuất Mỹ coi Việt Nam là một địa chỉ đáng quan tâm của các vụ kiện vì Việt Nam là một công xưởng sản xuất, gia công bên cạnh nước làng giềng Trung Quốc. Nhiều mặt hàng gia công tại Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ rất cao nên các nhà sản xuất Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Trong số các chính sách mà Mỹ dự kiến áp dụng, có những đề xuất thay đổi sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất khẩu Việt Nam. Ví dụ, hiện tại những doanh nghiệp nước ngoài là bị đơn bắt buộc trong vụ việc điều tra áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sẽ được loại khỏi vụ việc điều tra khi họ chứng minh được doanh nghiệp không bán phá giá hoặc không nhận trợ cấp. Còn đề xuất mới, các doanh nghiệp nêu trên chỉ thoát khỏi cuộc điều tra khi thời hạn áp thuế đối với các doanh nghiệp nước đó chấm dứt.

Phía Mỹ cũng đề xuất điều chỉnh phương pháp tính thuế chống bán phá giá trong các cuộc điều tra nhằm tăng biên độ phá giá đối với hàng hóa từ các quốc gia mà Mỹ xem có nền kinh tế phi thị trường.

Ông Barriger cho biết, để dọn đường cho các chính sách mới nhằm hạn chế nhập khẩu và hỗ trợ xuất khẩu, Mỹ đã liên tục từ chối các bị đơn tự nguyện vì không muốn các công ty xuất khẩu được hưởng các mức thuế suất riêng. Đây là hình thức mà nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam chọn trong các vụ kiện vào Mỹ những năm qua.

TBKTSG


Tin khác