Không đồng tình với lập luận của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) - cho rằng việc tăng giá sàn là để cân đối cho tiêu dùng nội địa..., nhiều chuyên gia khẳng định: Lúa ở ĐBSCL đang rớt giá một cách bất thường là do VFA tạo ra để bảo vệ quyền lợi của riêng mình.
|
Để làm ra hạt lúa, người nông dân không chỉ tiêu tốn tiền của, mồ hôi, mà đôi lúc còn có cả nước mắt. |
Lo hết lúa hay lo hốt bạc?
Trong lúc đại diện VFA cho rằng, hành động liên tục nâng giá sàn XK gạo trong thời gian qua là do lúa tồn động trong nước không còn nhiều, thì nhiều chuyên gia và nhà quản lý, và thực tế tại ĐBSCL đã chứng minh ngược lại: ĐBSCL đã và đang còn nhiều, thậm chí là rất nhiều lúa. PGS-TS Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, với 714.782ha lúa vụ thu đông và vụ mùa, nếu năng suất bình quân 4,522 tấn/ha (thu đông) và 3,873 tấn/ha (vụ mùa 2010), từ nay đến cuối năm ĐBSCL sẽ thu hoạch trên 3 triệu tấn lúa. Trong khi đó - theo ThS Phạm Thị Hòa, trong 10-15 ngày tới chỉ riêng An Giang đã phải tiếp nhận thêm 300 ngàn tấn lúa do cư dân Việt Nam sang bên kia biên giới thuê đất trồng lúa chuyển về theo đường tiểu ngạch.
Ngoài ra, theo TS Dư, kho lúa quốc gia còn được bổ sung thêm gần 800 ngàn tấn từ vụ mùa 2010 ở miềm Đông Nam Bộ. Điều này cho thấy, câu chuyện “lo thiếu lúa tiêu dùng nội địa” là không có thật và “chính VFA đã dựng lên để vun vén quyền của riêng mình”. GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: “Đó là lối kinh doanh của VFA từ trước đến giờ.
Để làm ra hạt lúa, người nông dân không chỉ tiêu tốn tiền của, mồ hôi, mà đôi lúc còn có cả nước mắt.
Hễ đấu thầu giá thấp mà thị trường nhà giá còn cao, thì phải hoặc là yêu cầu Thủ tướng cấm hoặc tạm ngừng xuất khẩu gạo, hoặc buộc các Cty con chia lỗ với mình, hoặc là tăng giá sàn để không ai khác có thể XK được”. Theo nguồn tin trong giới mậu dịch gạo, trước đó vào tháng 8.2010, vì mục đích cạnh tranh với Thái Lan trong đấu thầu cung cấp gạo cho Bangladesh, VFA đã chấp nhận ra giá rất thấp (389USD/tấn). Khi về nước, giá lúa còn đang cao nên họ tìm mọi cách để hạ giá mua lúa.
Sau khi không thực hiện được bài cũ: Tạm ngừng XK vì nhiều tỉnh phản ứng, VFA đã tung “chiêu mới” bằng cách nâng giá sàn XK một cách bất thường. Bởi không chỉ tăng dồn dập với “tốc độ” 4 lần tăng trong vòng 5 tuần, mà giá sàn gạo 5% của VN lần đầu tiên vượt qua gạo Thái Lan có chất lượng vượt trội (475/450USD/tấn). GS Xuân đã ví hành động này là “nhất tiễn hạ song điêu” bởi nó không chỉ làm DN ngoài hiệp hội không dám tiếp tục XK, mà còn khiến việc thu mua lúa trong dân bị ngừng trệ, trực tiếp đẩy giá lúa rớt mạnh... Sau đó, những DN trong hiệp hội với năng lực tài chính mạnh sẽ gom lúa với giá “bèo”.
Giảm lúa - tăng chất XK
Theo các chuyên gia, khả năng con đường XK gạo thế giới từ nay đến cuối năm không quá rộng mở. Bởi tuy thiên tai làm giảm khoảng 6 triệu tấn thóc, nhưng theo Tổ chức Nông - Lương (FAO), sản lượng gạo toàn cầu năm 2010 vẫn đạt 470 triệu tấn so với nhu cầu là 461 triệu tấn. Nguồn tin này cũng cho biết nhiều quốc gia đang hướng tới việc chủ động tự túc lương thực nên cánh cổng XK gạo ngày càng thêm chật chội đối với hạt gạo VN.
“Để hạt gạo VN có cơ may chen chân qua cánh cửa hẹp này nhằm gia tăng giá trị, và giảm thiểu nguy cơ tổn thương cho ND, bên cạnh việc khẩn trương tinh gọn 240 DN đang có xuống còn khoảng 20 như Mỹ hoặc 14 như Thái Lan..., chúng ta cần mạnh dạn cắt giảm diện tích cây lúa như nhiều quốc gia có truyền thống trồng lúa trên thế giới: Mỹ, Nhật, Úc đã làm” - GS Xuân cho biết thêm: “Đối với ĐBSCL, ngoài việc chuyển sang trồng cây màu có dầu, cần mở rộng diện tích cây ăn quả đặc sản theo phương thức liên kết: DN mời nhà khoa học quy hoạch vùng chuyên canh, chuyển giao khoa học để ND trồng theo phương thức rải vụ theo hợp đồng XK”. Các nghiên cứu cho thấy, trên mỗi hécta ruộng lúa năng suất cao, khi ND bón phân, thường chỉ 30-40% được cây lúa hấp thụ, lượng đạm còn lại lẫn vào trong đất và nước sau đó bốc hơi ở dạng 80 tấn khí ôxýt nitơ (N2O), độc trên 300 lần khí CO2 và 100 tấn khí mêtan (CH4), độc gấp 21 lần khí CO2, làm gia tăng tốc độ biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Lục Tùng –SGGP