XK nông sản năm 2011: Khó có lợi thế về giá

20/01/2011

KTNT - Dù thế giới đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất của khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản sẽ thuận lợi. Năm 2011, nước ta gặp nhiều khó khăn nếu không nắm vững “luật” chơi của WTO cũng như có chính sách cần thiết để hỗ trợ nông dân.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Tập đoàn Sao Mai (An Giang).
Những tín hiệu vui
Hiện, giá càphê tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng thêm 300 - 400 đồng/kg và dao động ở mức 37.300 - 37.400 đồng/kg. Đây thực sự là tin vui vào những ngày đầu năm 2011 cho nông dân trồng càphê ở Tây Nguyên. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần, sản lượng càphê niên vụ 2010-2011 có khả năng giảm khoảng 15% so với kế hoạch do thời tiết không thuận lợi. Dự kiến sản lượng càphê chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn. Niên vụ 2010-2011, Đắk Lắk có khoảng 170.000ha càphê cho thu hoạch. Tuy sản lượng có giảm sút nhưng giá đang ở mức cao giúp nông dân vẫn duy trì được lợi nhuận khá. Với mức giá như hiện nay, cộng với thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ mua tạm trữ khoảng 300.000 tấn càphê ngay từ đầu năm, chắc chắn giá càphê trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.
Không thuộc nhóm những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng sự tăng trưởng ổn định của hồ tiêu trong nhiều năm qua đáng để các ngành hàng nông, lâm, thủy sản khác nhìn nhận như một hướng đi tất yếu. Trong 11 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 112.000 tấn tiêu, đạt giá trị 397 triệu USD, giảm 11,5% về lượng nhưng tăng gần 23% về giá trị. Với những con số lạc quan về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu, từ cuối tháng 11/2010, Hiệp hội Hồ tiêu Thế giới đã khẳng định, Việt Nam sẽ vươn lên thành nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, vượt qua Ấn Độ, Braxin và Indonesa. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng cho biết, các nhà kinh doanh hồ tiêu quốc tế thừa nhận ngành hồ tiêu Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến cán cân cung - cầu và giá cả trên thị trường hồ tiêu thế giới.
Hạt điều cũng lần đầu tiên lọt vào “câu lạc bộ” các mặt hàng kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD nhờ giá xuất khẩu bình quân 5.621 USD/tấn, tăng tới 941 USD/tấn so với năm trước. Và câu chuyện giá gạo là một điển hình của tín hiệu vui: Trong vòng xoáy tăng giá gạo thế giới, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã bốn lần tăng giá sàn xuất khẩu gạo. Nếu như đầu tháng 11 năm ngoái, Philippines chính thức khởi động mở thầu nhập khẩu gạo thì năm nay, dự kiến kế hoạch này chậm lại hơn một tháng. Ngoài Philippines, hai thị trường khác là Indonesia và Malaysia cũng hứa hẹn mang lại sự sôi động cho thị trường gạo vào đầu năm 2011. Có thể nói, nhu cầu nhập khẩu gạo vào các tháng đầu năm 2011 là rất lớn, trong khi đó, do ảnh hưởng thời tiết hạn hán, mưa bão khiến sản lượng lúa ở nhiều quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu giảm sút.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2011 xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ tiếp tục có những thuận lợi về thị trường và đơn hàng do sự phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt tại các thị trường truyền thống.
Khó có lợi thế về giá
Tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu cá tra 2010, Hiệu hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo nhu cầu thế giới về tiêu thụ cá tra trong năm tới sẽ lớn hơn nguồn cung cấp. Tuy nhiên, theo kế hoạch năm 2011, sản lượng cá tra xuất khẩu chỉ đạt khoảng 360.000 tấn, giảm gần 40% so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu sẽ ở mức 1 tỷ USD. 
 
Lần đầu tiên kim ngạch XK điều chạm ngưỡng 1 tỷ USD.
 
Vấn đề mà nhiều doanh nghiệp lo lắng nhất là khâu nguyên liệu. Dự báo sản lượng cá tra 2011 chỉ đạt khoảng 900.000 tấn, như thế sẽ thiếu hụt lượng lớn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Mức độ khan hiếm sẽ kéo dài cho đến vụ thu hoạch tới vào tháng 5/2011.
Tuy giá cá hiện nay đang ở ngưỡng cao, 22.000-23.000 đồng/kg nhưng người dân chưa mạnh dạn nuôi lại. Họ lo lắng về sự bấp bênh, lên xuống thất thường của giá cả. Giá thức ăn tăng cao khiến nhiều người nuôi thua lỗ bỏ ao. Một khó khăn khác là cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đang khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng do mức lãi suất quá cao.
Bà Trần Thị Miêng, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, xuất khẩu nông sản năm 2011 khó có lợi thế về giá như năm 2010.
Nguyên nhân là do bước vào năm 2011, những biện pháp bảo hộ phi thuế quan dành cho nông nghiệp gần như được bãi bỏ, hầu hết hàng hóa đều được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và không hạn chế định lượng. Do hạn chế về tài chính, các doanh nghiệp, hộ nông dân không đủ khả năng trữ lúa, càphê để chờ tăng giá nên ảnh hưởng đến giá nông sản xuất khẩu.
Theo bà Miêng, xuất khẩu nông sản năm 2010 có lợi thế về giá là do Việt Nam đang được hưởng một số quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dành cho nước đang phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vậy, nước ta vẫn có thể áp dụng các loại trợ cấp mang tính chất khuyến nông, trợ cấp phục vụ phát triển nông nghiệp được WTO cho phép.
Bên cạnh đó, với đà phục hồi của kinh tế thế giới, từ đầu năm 2010, nhiều mặt hàng nông sản được dự báo sẽ tăng giá nên xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hiệu quả cao.
Điều đáng chú ý là việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu của năm 2011 sẽ khó khăn hơn do các nước, các thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản thương mại.
Vì vậy, rút kinh nghiệm của năm 2010, ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ tài chính cho nông dân đầu tư sản xuất, giúp họ nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Theo Vĩnh Uyên – Báo KTNT


Tin khác