Người trồng cà phê có nguy cơ trắng tay

28/02/2011

Người dân trồng cà phê Tây Nguyên đang phải gánh chịu 2 đợt đại hạn: hạn thiếu xăng dầu hạn gây thiếu nước trầm trọng, tác động xấu đến năng suất và chất lượng cà phê niên vụ 2011 và những năm tiếp theo.

Nguy cơ tiếp tục mất mùa
Nông hộ ở Tây Nguyên, đang tất bật tưới nước cho cây cà phê. Có nông hộ chỉ mới bắt đầu tưới đợt một để kích thích cây cà phê ra hoa và đậu quả, nhưng khả năng thiếu nước tưới trong mùa khô năm nay là rất lớn. Ông Trần Văn Diên (ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) lo lắng: “Năm ngoái, giếng khoan nhà tôi tưới cho vườn cà phê đến đợt 3 mới có hiện tượng thiếu nước. Bây giờ mới tưới được một vài ha thì nước trong giếng đã cạn. Nếu trời không mưa, 3 đợt tưới còn lại không biết lấy ở đâu”. Ngoài các giếng khoan sắp cạn hết nước, nguồn nước tưới cà phê ở các công trình thủy lợi nhỏ đều đang nằm trong tình trạng báo động đỏ. Tại khối 8 và khối 9 phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột hàng chục ha cà phê ở đây chỉ trông mong vào 3 hồ thủy lợi.
Vậy mà 3 hồ này cũng đang cạn dần tới đáy trong khi người dân mới tưới được nửa diện tích cà phê của khối. Không riêng gì ở đây, nhiều nơi trong tỉnh Đăk Lăk như huyện Cư Mgar, Krông Buk, Krông Păk… cũng gặp tình cảnh tương tự.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Chi cục Thủy lợi Đăk Lăk cho biết: Công trình thủy lợi của tỉnh chỉ tưới tiêu khoảng 36.000ha cà phê toàn tỉnh, khoảng hơn 150.000ha cà phê còn lại được người dân tưới từ các giếng khoan, suối và hồ đập nhân tạo. Vì thế, năm nào tỉnh cũng thiếu nước tưới cà phê vào mùa khô.
Các nông hộ trồng cà phê ở các huyện Đắk Đoa, Chư Sê, Mang Yang… của tỉnh Gia Lai, cũng đang rơi vào cảnh “đứng ngồi không yên” vì thiếu nước tưới cho cây cà phê. Hàng chục hộ dân trồng cà phê ở khu vực đồi tranh (xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa) cũng đang phải chịu một thảm cảnh éo le về nguồn nước. Vụ tưới năm 2010, một giếng khoan(khoan thủ công) ở khu vực đồi tranh, một đợt tưới có thể tưới liên tục cho 3ha cà phê không nghĩ; các hộ thuê tưới cũng chỉ mất khoảng 50 nghìn đồng cho một tiếng đồng hồ.
 
Trong khi mới bước vào vụ tưới đầu tiên của năm 2011, thì gần chục giếng khoan ở đồi tranh đã không có nước. Để tưới xong 1ha cà phê, người dân ở đây phải thức trắng 1 tuần (cả ngày lẫn đêm), vì tưới 1 tiếng phải nghỉ vài tiếng đợi nước. Để kịp nước cho cây cà phê nở hoa, người dân ở đây phải chấp nhận giá thuê tưới 1 tiếng từ 130 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng.
Ông Nê Y Kiên- Phó Trưởng phòng NN và PTNT huyện Chư Pah (Gia Lai) cho biết: “Trên địa bàn huyện có gần 7.000ha cà phê. Từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu nước tưới. Nhưng năm nay tại một số xã trên địa bàn như Ia Nhin, Ia Ka người dân phản ánh mới đầu vụ tưới đã bị thiếu nước, mực nước tại các giếng bị khô cạn”. Ở các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng và Kon Tum, người trồng cà phê hiện cũng gặp cảnh tương tự.
Nước ngầm giảm sút
Theo Thạc sĩ Đinh Công Trí (Trung tâm nghiên cứu cà phê Tây Nguyên): Mùa mưa năm 2010, có nhiều đột biến so với thông thường nhiều năm. Mưa ít, mưa thưa, không có những đợt mưa dầm kéo dài nhiều ngày với lượng mưa lớn; trong mùa mưa có xen những đợt nắng nóng, gây tiểu hạn…
Theo khảo sát của Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 704 (Đăk Lăk) vào cuối năm 2010, nguồn nước ngầm của Tây Nguyên hiện đã giảm sút nghiêm trọng. Ông Lê Ngọc Đỉnh – Trưởng đoàn, cho biết: Trước đây giếng khoan ở nhiều điểm thuộc khu vực Tây Nguyên đạt công suất 600.000 m³/ngày, nhưng nay chỉ còn khoảng 400.000 m³/ngày.
So với năm 2006, mực nước ngầm trong khu vực đã sụt xuống khoảng 3 – 5m. Với độ sâu 30m, giếng khoan của nông dân trước đây có thể cung cấp đủ nước tưới cho 2 đến 3ha cà phê, nhưng bây giờ lượng nước này không đủ tưới cho 1ha. Nguồn nước ngầm giảm sút chủ yếu là do lượng mưa hàng năm ngày càng ít, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, nhà nông tưới tiêu lãng phí nước…
Đăk Lăk: Gần 1.500ha cây trồng bị khô hạn
Theo số liệu thống kê ngày 24.2 của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đăk Lăk, hiện đã có 1.460ha cây trồng các loại của tỉnh bị khô hạn. Trong đó, đã có 58ha lúa nước mất trắng, 536ha lúa, 683ha ngô và 241ha các loại đậu đỗ không có nước tưới. Theo đánh giá của Ban này thì tình hình khô hạn sẽ có những diễn biến phức tạp, hạn hán có thể kéo dài.
 
Agroinfo - Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác