Đầu năm nay, Cty Cổ phần Bảo Minh đã triểm khai thí điểm tại Đăk Lăk sản phẩm bảo hiểm (BH) gián đoạn kinh doanh nông nghiệp theo chỉ số (gọi tắt là BH hạn hán). Theo đó, giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ thống nhất với nhau một “ngưỡng hạn”- là lượng mưa nhất định đo được tại các trạm đo mưa trong vùng BH. Trong suốt thời hạn BH (31/3 đến 10/5), mà lượng mưa bằng hoặc thấp hơn ngưỡng hạn nông dân sẽ được bồi thường.
Số tiền bồi thường tỉ lệ nghịch với lượng mưa (thấp nhất 10% so với mức tối đa), được tính theo một công thức chuẩn. Và để bảo đảm tính pháp lý, khách quan khi tiến hành bồi thường, các trạm khí tượng thuỷ văn (KTTV) trong vùng BH sẽ làm “trọng tài”. Trong suốt quá trình BH hai bên có thể dễ dàng cập nhật được lượng mưa (được công bố chính thức) từ các trạm này.
Mức phí BH tối đa/1ha đất từ 4,5- 5,5 triệu đồng (tuỳ theo từng vùng, tương ứng số tiền bồi thường tối đa từ 45- 55 triệu đồng). Song, người mua vẫn có thể lựa chọn mức phí thấp hơn. Ưu việt của sản phẩm đó là việc xác định bồi thường rất đơn giản. Chỉ cần lấy số liệu đo mưa của các trạm KTTV cung cấp ráp vào công thức có sẵn để tính mức bồi thường mà không cần bất cứ một động tác giám định nào. Và công thức tính này cũng rất đơn giản.
Theo ông Hoàng Đình Quốc, cán bộ Ban dự án hỗ trợ phát triển Nông nghiệp- thuộc quỹ Ford Foundation, Cty Globalagrisk (Hoa Kỳ), thì: Đây là sản phẩm mang lại lợi ích không nhỏ cho nông dân. Qua khảo sát cho thấy, khi xảy ra hạn hán, người trồng cà phê không chỉ mất thêm chi phí cho việc tưới tiêu như xăng dầu, lao động, ống nước…mà sản lượng sẽ giảm, cây trồng bị ảnh hưởng không chỉ trong thời điểm đó. Nói cách khác, hạn hán chính là rủi ro lớn nhất đối với người trồng cà phê. BH hạn hán chính là “cứu tinh” để nông dân bù vào những thiệt hại đó.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn cũng như hầu hết nông dân, năm nay, Đăk Lăk sẽ đối mặt với hạn nặng. Thế nhưng, đến nay toàn tỉnh Đăk Lăk chỉ có khoảng 20 người tham gia BH hạn hán. Ông Phạm Trí Thức, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cư M’Gar, cho biết: “Cà phê trên huyện đang thiếu nước tưới, khả năng hạn là rất lớn. Thế nhưng dù đã có hẳn các cuộc hội thảo về BH hạn hán nhưng không có bất kỳ người nào mua. Họ tỏ ra rất nghi ngờ, họ không biết mình đang mua cái gì nên không thể mua”.
Theo ông Hoàng Đình Quốc, người đã bỏ rất nhiều thời gian để thu thập ý kiến của nông dân, thì: “Điều khiến nông dân băn khoăn nhất đó chính là số liệu lượng mưa. Nông dân thậm chí không biết các trạm đo mưa ở đâu. Họ nghi ngờ về khả năng có sự bắt tay của doanh nghiệp BH với trạm KTTV. Thứ nữa, nếu chẳng hạn có mưa cục bộ tại ngay trạm đo mưa thì liệu tính đại diện có cao? Tuy nhiên đây là những lo lắng không đáng có, bởi thứ nhất các trạm đo mưa hoạt động hoàn toàn độc lập. Và nếu có xảy ra mưa cục bộ thì cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn.”
Ông Thức thừa nhận, BH hạn hán mang lại lợi ích to lớn cho nông dân. Tuy nhiên, để nông dân “hứng thú” hơn với sản phẩm BH này thì Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ vì mức phí này còn khá cao.“Để sản phẩm này nói riêng và bảo hiểm nông nghiệp nói chung “phát huy tác dụng” nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Sự hỗ trợ ấy không chỉ cho nông dân mà còn cho cả doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo một hành lang pháp lý để DN dễ dàng tiếp cận với nông dân; Chính quyền các cấp cần vào cuộc để nông dân thấy được lợi ích khi tham gia BH nông nghiệp”.
Agroinfo - Theo Báo NNVN
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/48/48/48/73157/Default.aspx