Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố dự thảo Luật Thanh tra và Phân loại cá da trơn nội địa và nhập khẩu. Việc này cho thấy USDA đã bắt đầu bắt tay vào nắm việc thanh tra cá da trơn, vốn trước đây chỉ do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đảm nhiệm.
Theo USDA, dự thảo luật nói trên sẽ đưa ra các biện pháp kiểm soát mới đối với cá da trơn sản xuất hoặc nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, các sản phẩm ghi nhãn “catfish” phải theo tiêu chuẩn thanh tra của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS). Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ phải có quy trình sản xuất, chế biến cũng như chế độ kiểm tra chất lượng tương đương với cá da trơn nuôi tại Mỹ. Vì thế, quy định này chẳng khác gì một hình thức bảo hộ của Bộ Nông nghiệp Mỹ đối với cá da trơn nội địa của nước này.
|
Sản xuất cá tra |
Ngay sau khi USDA công bố dự thảo trên, Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) đã lên tiếng phản đối ngay lập tức. Theo NFI, không có một quy định nào trong dự thảo luật này cho thấy FDA sẽ thôi công việc thanh tra cá da trơn mà họ đã làm từ nhiều năm nay. Và nếu vậy, nếu vào tháng 6 tới, khi Luật Thanh tra và Phân loại cá da trơn nội địa và nhập khẩu Mỹ được thông qua, sẽ có tới 2 cơ quan cùng thanh tra cá da trơn là FDA và USDA, gây thêm nhiều khó khăn cho các nhà nhập khẩu cá da trơn vào Mỹ.
Tuy dự thảo Luật Thanh tra và Phân loại cá da trơn nội địa và nhập khẩu Mỹ không nói rõ cá tra (một loài giống với cá da trơn, tức catfish theo định nghĩa của Mỹ) có nằm trong dự luật cuối cùng hay không, nhưng phía Việt Nam cũng không khỏi lo ngại. Bởi đến thời điểm này, USDA vẫn đang tham khảo các bên có liên quan về việc có đưa cá tra, basa vào định nghĩa “catfish” theo đạo luật Farm Bill 2008 hay không. Mà theo quan điểm của Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS), mặc dù việc định nghĩa cá da trơn vẫn chưa được thực hiện, nhưng một khi định nghĩa đã được ấn định trong dự luật cuối cùng, thì bất kỳ nhà sản xuất cá da trơn nước ngoài nào cũng sẽ phải tuân theo các quy trình, thủ tục của FSIS.
Trước những thông tin đó, VASEP đang tiếp tục tiến hành việc cung cấp các bằng chứng để USDA không đưa cá tra, basa của Việt Nam vào định nghĩa nói trên. Đây cũng chính là một công việc trọng tâm mà VASEP đã tiến hành trong mấy năm qua và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. VASEP khẳng định với USDA rằng các công ty Việt Nam đang áp dụng và tuân theo nhiều chương trình kiểm soát chất lượng cá tra, basa nói riêng và thủy sản nói chung như GlobalGAP, SQF 1000, USDC … Nhờ đó, các sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam đã đáp ứng được tất cả các quy định bắt buộc để xuất khẩu vào được những thị trường khó tính nhất trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản …
Ngoài nỗi lo nói trên, hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng đang hồi hộp chờ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 6 thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra, dự kiến vào giữa tháng 3 này. Hồi tháng 9 năm ngoái, DOC đã công bố kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 6 thuế CBPG cá tra, theo đó, 4 công ty Việt Nam là Vĩnh Hoàn, Agifish, ESS LCC và South Vina bị đề nghị mức thuế CBPG tới 130% (4,22 USD/kg), CTCP XNK Thủy sản Cửu Long chịu mức thuế 0,93 USD/kg. Các công ty khác chịu mức thuế 2,11 USD/kg.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, hiện tại, chưa có thông tin nào từ phía DOC. Nhưng qua những bằng chứng mà VASEP và các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho DOC, phía Việt Nam đang có nhiều hy vọng sẽ thuyết phục được DOC sử dụng Bangladesh làm nước thay thế, mà không dùng Philippines như trong kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 6. Và nếu niềm hy vọng này thành hiện thực, các doanh nghiệp trên sẽ lại được xuất khẩu cá tra, basa vào Mỹ với mức thuế suất thấp như trước đây.
Agroinfo - Theo Báo NNVN
Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/73163/Default.aspx