Ngành chăn nuôi “méo mặt” vì tỷ giá

01/03/2011

Ngành nông nghiệp nước ta mấy năm gần đây chủ yếu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Chính vì vậy, sau mỗi lần tỷ giá tăng, cả người nông dân lẫn doanh nghiệp ngành chăn nuôi đều phải “oằn mình” đối phó.

“Méo mặt” vì tỷ giá
 
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, tỷ giá và lãi suất là hai yếu tố tác động mạnh nhất đến giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua, làm tăng giá bán lên hơn 10%, từ đó làm đội giá thành chăn nuôi lên trung bình từ 20 – 24%. Thế nhưng, từ đầu tháng 3 trở đi, khi giá điện, giá xăng dầu đều tăng, thì không chỉ giá thức ăn mà các chi phí khác cũng tăng theo.
 
Ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tỷ giá tăng
 
 
Hiện nay, chi phí thức ăn chiếm đến 75% giá thành chăn nuôi, do vậy khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo ghi nhận của người chăn nuôi, trong năm 2010 giá thức ăn chăn nuôi tăng 14 lần và chưa đầy 2 tháng đầu năm 2011 giá thức ăn đã tăng 3 lần, mỗi lần tăng 100 - 250 đồng/kg.
 
Nhiều nông dân lo lắng cho biết, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục đã làm cho giá thành sản xuất tăng lên thêm 2.300 đồng/kg. Vì thế, lúc nào người chăn nuôi cũng đứng ngồi không yên bởi khi giá thức ăn càng tăng liên tục thì nguy cơ thua lỗ càng cao, đó là chưa kể xảy ra dịch bệnh còn chịu thiệt hại hơn nữa.
 
Ông Nguyễn Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, trong khối vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi là nhóm mặt hàng chịu tác động mạnh nhất của việc tăng tỷ giá. Để sản xuất ra thức ăn chăn nuôi thành phẩm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu, trong đó, đậu tương, khô dầu phải nhập 90-95%; chất khoáng, vitamin, tạo mùi, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 100%; ngô cũng phải nhập tới hơn 50%. Bởi vậy, việc tăng tỷ giá đã ảnh hưởng trực tiếp tới thức ăn chăn nuôi thành phẩm và chính nông dân sẽ là đối tượng phải gánh chịu.
 
Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục
 
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, tăng tỷ giá khiến giá các loại thức ăn nhập khẩu tăng cao, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra mặt bằng giá mới trong chăn nuôi. Khi đó, chi phí đầu vào tăng sẽ bắt buộc đầu ra tăng, đây cũng là điều tất nhiên.
 
Nhưng theo ông Lịch, thực tế trên sinh ra lạm phát thực phẩm. Trong chuỗi sản xuất của ngành chăn nuôi, chi phí thức ăn chiếm tới 70% giá thành, khi giá thành tăng buộc phải tăng giá bán ra thị trường. Thế nhưng người chăn nuôi không thể tăng giá mãi, bởi nếu tăng quá cao, người tiêu dùng sẵn sàng quay lưng lại với ngành chăn nuôi trong nước, mua thịt đông lạnh nhập khẩu với giá rẻ hơn.
 
Nếu như năm 2010, tổng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi lên tới 2,68 tỷ USD với số lượng 7,77 triệu tấn nguyên liệu thì dự kiến năm 2011, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi sẽ tăng đến 3 tỷ USD. Chỉ vài tháng qua, giá nguyên liệu nhập khẩu đã liên tục tăng: ngô từ 240USD/tấn lên 270-280 USD/tấn, khô dầu, đậu tương từ 420USD/tấn lên 450USD/tấn. Đây chính là nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ đầu năm đến nay.
 
Dưới tác động của tỷ giá, lãi suất ngân hàng, ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, giờ đây lại thêm xăng dầu và đến giá điện tăng, tất cả mọi thứ đều làm giá thành sản xuất tăng lên. Theo đà này, ngành chăn nuôi còn phải “oằn mình” hơn trong thời gian tới.

 

Agroinfo - Theo Báo Lao Động

Nguồn: http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Nganh-chan-nuoi-meo-mat-vi-ty-gia/34293


Tin khác