Kinh tế hộ gia đình lần đầu được nghiên cứu

28/02/2011

“Thị trường nông thôn đang bị “bỏ ngỏ”, các doanh nghiệp trong nước thì “chê” vì sức mua kém. Vậy tại sao không phát triển tốt kinh tế hộ gia đình?”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu lên sự cần thiết phải phát triển kinh tế hộ gia đình ở các vùng nông thôn của VN tại hội thảo “Xây dựng Chỉ số Môi trường Kinh doanh Hộ Kinh doanh Cá thể (PFI)” diễn ra sáng nay (25/2) tại Hà Nội. 
 
Các hộ kinh doanh cá thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm cho người lao động. Năm 2009, loại hình này đã tạo việc làm cho 7,2 triệu người.
 
Phát biểu tham luận tại Hội thảo
 
 
Tuy nhiên, sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp còn hạn chế. Nguồn vốn nhỏ, lại ít lao động, 98% số hộ sử dụng ít hơn 5 lao động, 56% chỉ sử dụng 1 lao động.
 
Sự hạn chế này bắt nguồn từ những khó khăn về khả năng tiếp cận đất đai, vốn, lao động, thị trường , cơ sở hạ tầng,…
 
Cụ thể, khả năng mở rộng mặt bằng của các hộ rất hạn chế do giá đất quá cao hoặc không tìm được mặt bằng phù hợp. Việc tiếp cận nguồn vốn của các hộ gặp khó khăn do phải có tài sản thế chấp và lãi suất ngân hàng khá cao. Ngoài ra, hệ thống đường xá không đạt chất lượng cùng với việc cắt điện thường xuyên đã ảnh hưởng đến chất lượng kinh doanh của các hộ,…
 
“Phải đánh giá đúng được môi trường kinh doanh của hộ kinh doanh cá thể thì mới có thể phát triển tốt được loại hình này”, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
 
Theo đó, chỉ số môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với hộ kinh doanh cá thể là một chỉ số tổng hợp phản ánh nhiều khía cạnh có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của hộ giá đình.
 
Môi trường kinh doanh này được chia làm 2 nhóm cơ bản: Môi trường kinh doanh vi mô bao gồm các yếu tố nội tại của hộ kinh doanh và các yếu tố bên ngoài như các yếu tố đầu vào và đầu ra. Môi trường kinh doanh vĩ mô bao gồm các yếu tố không thể tác động trở lại như cơ sở hạ tầng, chính sách, luật pháp,…
 
Việc xây dựng chỉ số này hiện đang được nhóm nghiên cứu và tư vấn Đông Dương (IRC) và Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) tiến hành thí điểm tại 10 huyện thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Tới đây, sẽ tiếp tục hoàn thiện và áp dụng tại nhiều địa phương khác trên cả nước. 

 

Agroinfo - Theo Bee.net


Tin khác