Những tháng ngày làm luận văn bên Thầy Đào Thế Tuấn

23/01/2011

Agroinfo: Ngày 19 tháng 1 năm 2011, Giáo sư, Viện sỹ, Anh hùng lao động, Tiến sỹ Đào Thế Tuấn đã vĩnh biệt chúng ta, hưởng thọ 80 tuổi. Với Giáo sư Đào Thế Tuấn, ông không chỉ là “một trong những cây đại thụ ít ỏi của ngành khoa học nông nghiệp” mà ông còn là một người có rất am hiểu về văn hóa- nông nghiệp Việt Nam. Sự ra đi của Giáo sư để lại niềm thương tiếc cho nhiều đồng nghiệp và thế hệ học trò. Ngay sau tin sét đánh về sự ra đi của ông, đã có không ít những hoài niệm, chia buồn của các thế hệ học trò viết về ông. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông thôn nhiều năm nhận được sự quan tâm và giúp đỡ hết lòng của giáo sư Đào Thế Tuấn. Trung tâm tin PT NNNT xin giới thiệu một bài viết về Giáo sư – Viện sĩ Đào Thế Tuấn qua lời kể của nhà khoa học trẻ đã vinh dự được Giáo sư hướng dẫn là luận văn cao học, xin được chia sẻ những đau thương mất mát vô cùng lớn lao tới gia đình Giáo sư Viện sỹ Đào Thế Tuấn và cầu mong hương hồn ông được an siêu tịnh độ.

Giáo sư - Viện sĩ Đào Thế Tuấn
Từ rất lâu, khi còn là sinh viên của khóa 43 - Khoa Lịch sử - Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), tôi đã được nghe tên Thầy Đào Thế Tuấn, nhưng phải tới những tháng ngày của mùa Đông năm 2008, tôi mới được gặp Thầy, đó là khoảng thời gian chúng tôi học các chuyên đề Cao học của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQHHN), trong số đó có chuyên đề: Không gian văn hóa châu thổ sông Hồng mà Thầy lên lớp cho những học viên khóa 2 của Viện. Cùng chung một cảm nghĩ như tôi, các bạn bè trong lớp đều thấy rằng được học Thầy là một niềm vinh hạnh lớn lao.  
Lớp chúng tôi học thường vào cuối các buổi chiều trong tuần, sau khi đã hết giờ làm việc ở công sở. Tôi không nhớ cụ thể, nhưng có một buổi chiều, sau khi vội vàng phóng xe máy từ cơ quan ở 38 Hàng Chuối đến trường học, bước vào phòng, tôi nhìn thấy một ông già tóc dài lưa thưa, điểm bạc, trán hói và cao, ông đang cắm cúi, mắt nhìn chăm chú vào màn hình chiếc máy tính xách tay - đó là Giáo sư-Viện sĩ Đào Thế Tuấn, người mà sau này tôi đã có may mắn được Ông nhận làm học trò và hướng dẫn khoa học cho luận văn thạc sĩ của tôi.
Trong định hướng đề tài luận văn của mình, tôi ước ao được nghiên cứu về làng xã ở Việt Nam. Được học Thầy, tôi đã thấy mãn nguyện lắm rồi, nhưng lại càng hạnh phúc hơn khi được có một người Thầy uyên thâm như Giáo sư Đào Thế Tuấn hướng dẫn, vì Ông vốn là một trong những chuyên gia hàng đầu về nông học ở Việt Nam. Mừng vui là vậy, nhưng tôi cũng nhận thấy nhiệm vụ của mình không thể xem nhẹ, vì rằng làm sao để chất lượng chuyên môn trong luận văn sẽ làm vừa lòng Thầy đây!  
Theo kế hoạch đã chuẩn bị từ trước, tôi chọn làng Hữu Bằng (huyện Thạch Thất-Hà Nội) làm đối tượng nghiên cứu trong luận văn của mình. Chuyên đề Không gian văn hóa châu thổ sông Hồng Thầy chỉ lên lớp cho chúng tôi khoảng 4-5 buổi, nhưng hầu như trong buổi học nào sau khi ra chơi, tôi đều lại gần và hỏi Thầy hướng tiếp cận cho đề tài đã chọn. Tôi đã mạnh dạn nêu vấn đề và Thầy có hẹn: “hôm nào qua nhà tôi, ta sẽ bàn tiếp vấn đề của cậu”.
Sau một buổi tối đến gặp Thầy, trước khi ra về, tôi hứa sẽ hoàn chỉnh đề cương để sớm gửi Thầy xem và chỉnh sửa. Từ buổi ấy, tôi đã dành nhiều thời gian cho bản đề cương mà Thầy giao.  
Vốn là sinh viên học ngành Lịch sử, tôi vẫn quen triển khai kết cấu đề cương luận văn theo các đề mục chính như: kinh tế, văn hóa, xã hội… của một làng, một xã, trong đó lại ưu tiên nhiều cho những nội dung để truyền tải những vấn đề trong quá khứ, mà ít giành những tiểu mục phản ánh tình hình của làng xã, của nông thôn, nông nghiệp hiện nay. Chính vì vậy, Thầy yêu cầu tôi phải làm lại, phân bố hợp lý các tiểu mục để phản ánh đầy đủ diện mạo của một làng trong lịch sử cũng như những chuyển biến trong giai đoạn hiện nay. Thầy nói với tôi rằng, những chuyên khảo về làng xã thì trước nay, các nhà nghiên cứu người Pháp cũng như người Việt đã làm nhiều rồi, nếu triển khai theo hướng đó, e rằng công trình sẽ không có đóng góp mới về học thuật. Chính bản thân tôi lúc đó cũng nghĩ như vậy, nhưng chẳng biết làm mới nó theo hướng nào và khai thác ra sao!  
Làm đề cương lần một, lần hai và cả sau này viết bản nháp của từng chương gửi Thầy đọc, tôi vẫn bị Thầy sửa và yêu cầu viết “mới” đi một chút. Những yêu cầu của Thầy đặt ra, đã khiến tôi cảm thấy lúng túng trong quá trình hoàn thiện luận văn. Mặc dù là một nhà nông học, nhưng Giáo sư Đào Thế Tuấn rất am tường nhiều lĩnh vực của khoa học xã hội, trong đó có lịch sử. Sau những lần được trò truyện với Ông, tôi thấy Ông quan tâm và mổ xẻ những vấn đề của làng xã Việt Nam truyền thống chẳng khác gì những nhà sử học nghiên cứu về làng xã mà tôi đã được đọc.  
Những băn khoăn và lo lắng của tôi về nội dung và những đóng góp của luận văn rồi cũng qua đi, một ngày kia, khi tôi đến gặp Thầy để nhận những góp ý, Thầy bảo phải vận dụng lý thuyết nghiên cứu về vốn xã hội, Ông đã dẫn ra nhiều ví dụ về R. Putnam, J. Coleman… mà lần đầu tiên tôi được nghe, cũng như sau này những phát biểu về vốn xã hội trên Tạp chí Xưa & Nay với bút danh PHANO đã khiến tôi sớn nhận ra, hoặc Ông nói: phải xem Hữu Bằng và các làng phụ cận như một tiểu vùng với sự hình thành của các khu công nghiệp làng nghề truyền thống đang rất năng động, đây là điều mà chúng tôi ít thấy khi nghiên cứu về làng xã qua góc nhìn của sử học. Những gì Thầy gợi ý đã khiến tôi nhẹ đi những lo âu trong lòng, bởi lẽ Hữu Bằng hiện nay không phải là làng thuần nông mà trong đó còn có tiểu thủ công nghiệp và buôn bán phát triển rất mạnh, nó mang dáng dấp của một thị tứ vùng nông thôn của xứ Đoài, mà không còn xa xôi như ngày nào, vì giờ đây, sự giải thể không gian hành chính của Hà Tây cũ, để nó được sáp nhập về với quy hoạch của Thủ đô Hà Nội, nên lại càng phải đặt yêu cầu và nghiên cứu về Hữu Bằng sâu hơn như một hiện tượng, một vành đai đang trong quá trình đô thị hóa tự phát ở vùng nông thôn ven đô phía Tây.    
Và đến những tháng ngày oi bức của mùa Hè năm 2010, khi tôi đã hoàn chỉnh những gợi mở này của Thầy trong nội dung luận văn để bảo vệ trước hội đồng, thì đó cũng được coi là những đóng góp có ý nghĩa thực tiễn của luận văn mà tôi đã làm Thầy tôi vui, cũng như các thầy khác tham gia chấm đề tài. Sau này, khi đã hoàn thành chương trình thạc sĩ, tôi vẫn thỉnh thoảng qua thăm Thầy Cô, trò truyện và hỏi Thầy về chuyên môn mà mình quan tâm, Thầy còn gợi ý cho tôi nhiều hướng nghiên cứu để chuẩn bị cho những dự định xa hơn. Nhưng trong những ngày giá lạnh thấu xương của mùa Đông, Thầy đã ra đi, để lại trong tôi và bao người niềm tiếc thương ngậm ngùi!  
Đỗ Danh Huấn
Viện Sử học - Viện KHXHVN

Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn - Agroinfo

Tin khác