Thuế sử dụng đất nông nghiệp: Miễn hoàn toàn

29/11/2010

Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) giai đoạn 2011-2020. Chính sách này được coi là hợp lòng dân, có ý nghĩa xã hội to lớn, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, nâng cao phần nào đời sống nông dân, kéo giảm phân cấp giàu nghèo... Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa rõ: Tại sao không miễn giảm hoàn toàn loại thuế này giúp người nông dân nhẹ bớt gánh nặng?

Thêm thời hạn nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp

Tại phiên họp ngày 24-11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm thuế SDĐNN giai đoạn 2011-2020. Như vậy, người nông dân sẽ có thêm thời hạn SDĐNN thêm 10 năm nữa mà không phải nộp bất cứ một loại thuế nào, nếu thuộc các lĩnh vực sau: Toàn bộ diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm, diện tích đất làm muối, diện tích đất nông nghiệp phục vụ cho nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định, hoặc hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp đã góp ruộng của mình để thành lập Hợp tác xã sẽ được miễn thuế đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức. Riêng các hộ nghèo sẽ được miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện chính sách miễn, giảm trên, từ năm 2003 đến năm 2010, mỗi năm đã miễn, giảm cho hơn 11,2 triệu hộ nông dân với diện tích miễn, giảm khoảng 5,4 triệu ha, tương đương 2.837 tỷ đồng. Hầu hết các chuyên gia, các nhà quản lý lĩnh vực này đều rất ủng hộ việc miễn giảm thuế SDĐNN nhằm khoan sức dân, bởi người nông dân từ xưa đến nay vẫn là đối tượng có thu nhập thấp nhất.

Anh Trần Văn Tuấn, nông dân ở thôn Mật Thôn, xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá bộc bạch: “Thực tế, với 1 ha đất trồng lúa, nếu bị đánh thuế gia đình tôi cũng phải đóng vài triệu đồng trong 1 năm. Số tiền này thực sự rất quan trọng với gia đình tôi, góp phần không nhỏ trong việc nuôi con cái ăn học, đồng thời cũng đóng góp vào các nguồn quỹ xây dựng tại địa phương”.

Miễn hoàn toàn - tại sao không?

Theo ông Lê Đức Thịnh, Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn - Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn, thuế là một loại hình để thúc đẩy sản xuất, đóng góp nguồn thu cho Nhà nước nhưng nguồn thu từ thuế nông nghiệp không đáng kể so với những nguồn khác. Việc miễn, giảm thuế SDĐNN hay bất kỳ một loại thuế nào thuộc về nông nghiệp đều mang lại những lợi ích cho nông dân.

Riêng đối với lĩnh vực đất nông nghiệp dành cho cây lúa, TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đất lúa hiện nay đang giảm dần, điều này đã và đang gây khó khăn cho đời sống người nông dân trồng lúa. Thêm vào đó, người nông dân mỗi mùa vụ luôn phải đối mặt với bao hiểm hoạ về thời tiết, sâu bệnh... gây thất thu năng suất và sản lượng. Tất cả vấn đề này đã và đang tác động lớn đến an ninh lương thực. Chính sách về bảo vệ đất lúa hiện nay đề cao nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia và nhiệm vụ này được trao trọn cho nông dân. Vì vậy, cần có chính sách thuế riêng cho người trồng lúa.

Tuy nhiên, theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, không miễn toàn bộ thuế SDĐNN đối với mọi loại đất nông nghiệp và đối với diện tích vượt trên hạn mức giao đất nông nghiệp bởi một số lý do: đất đai là tài nguyên quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân. Về nguyên tắc, đã sử dụng tài nguyên thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Việc miễn, giảm thuế chỉ nên áp dụng đối với từng đối tượng và tại từng thời điểm nhất định; nếu miễn toàn bộ đối với mọi đối tượng sử dụng đất thì sẽ làm giảm ý nghĩa của việc miễn, giảm, không bảo đảm tính trung lập của chính sách thuế.

Song, nhiều ý kiến cho rằng, về bản chất, thuế nông nghiệp phải là thuế đánh vào kinh doanh mặt hàng nông sản - những sản phẩm của nông dân làm ra từ đất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có sắc thuế đánh vào kinh doanh nông sản mà chỉ nhằm bảo vệ tài nguyên đất. Vì vậy, nếu bỏ sắc thuế này cần phải tìm giải pháp khác, như đánh thuế thương mại (thu thuế kinh doanh nông sản) và có những biện pháp quản lý về tài nguyên đất một cách hợp lý và chặt chẽ, tránh thất thoát khi sử dụng ngoài mục đích sản xuất nông nghiệp


Tin khác