Ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Việt Nam.

16/11/2010

AGROINFO - Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên thích hợp cho phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, á nhiệt đới. Sản xuất nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân. Từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp, thiếu lương thực triền miên, đến nay nông nghiệp Việt Nam đã chuyển dần sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đã trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp với nhiều thế mạnh

Trong hội thảo quốc tế về “ Khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa”, PGS. TS Lê Tất Khương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Vùng – Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định: Khoa học công nghiệp đã góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Việt Nam, trong trồng trọt, nhiều giống mới được lai tạo thành công và đưa vào sản xuất chiếm tỷ lệ tương đối cao so với diện tích gieo trồng, nhiều kỹ thuật canh tác mới, công nghệ tiên tiến như kĩ thuật nuôi cấy mô tế bào, kĩ thuật trồng cây trong nhà lưới, nhà kính, kĩ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp(IPM)…được nghiên cứu và áp dụng. Trong chăn nuôi, nhiều giống gia súc địa phương như bò vàng, gà Mông, lợn Móng Cái … được phục tráng phát triển tạo nên những sản phẩm hàng hóa đặc sản, giá trị kinh tế cao. Trong nuôi trồng thủy sản thì việc chuyển giao công nghệ về giống, nuôi thả , thức ăn và công nghệ chế biến thủy sản với cá da trơn và tôm đông lạnh đã trở thành yếu tố quyết định đảm bảo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU. Còn trong lâm nghiệp, nhiều giống cây lâm nghiệp có giá trị đã được chọn tạo, kĩ thuật nhân giống vô tính như kĩ thuật nuôi cấy mô tế bào, kĩ thuật giâm cành đã cung cấp hàng triệu cây giống chất lượng cao phục vụ cho công tác phát triển rừng hàng hóa, bảo tồn phát triển được nhiều giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng như thông đỏ, sâm ngọc linh…

Cũng theo PGS. TS Lê Tất Khương, để phát huy và phát triển nông nghiệp hàng hóa cần có nhiều biện pháp đồng bộ trong đó phải nhấn mạnh đến khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học trong công tác chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, kể cả các giống có ưu thế lai, đặt cơ sở cho việc áp dụng các giống chuyển gen. Đổi mới chính sách khoa học công nghệ, gắn khoa học công nghệ vào sản xuất. Đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.


Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO)

Tin khác