Tọa đàm "Cơ hội – Thách thức và Triển vọng của Nông nghiệp Việt Nam"

11/11/2010

Thế giới đang có nguy cơ bị đói, đó là một thực tế không hề phóng đại,nếu như bây giờ chúng ta mang câu chuyện này ra nói với nhau trong cuộc sống hàng ngày thì có lẽ nhiều người coi đây là chuyện đùa, tuy nhiên thực tế là chưa bao giờ an ninh lương thực toàn cầu lại đứng trước nguy cơ to lớn đến như vậy, chưa bao giờ trong một điều kiện phát triển bình thường như hiện nay, không hề có chiến tranh, không hề có những thảm họa thiên nhiên lớn nhưng trên thế giới lại có tới trên 1 tỷ người bị đói và đang có nguy cơ bị đói. Và con số này có lẽ sẽ chưa dừng lại ở đây nếu như thế giới ko có một cách nhìn khác về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Và đây chính là nội dung của cuộc tọa đàm do Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha và Ban thời sự - Đài truyền hình VN phối hợp thực hiện. Tham dự buổi Tọa đàm “ Cơ hội – Thách thức và Triển vọng của Nông nghiệp Việt Nam” với sự có mặt của GS.TS C. Peter Timmer – Thành viên thường trực của Trung tâm phát triển toàn cầu và TS. Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn.

Từ năm 2008 đến nay, tình hình thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động. Cũng trong năm 2008, giá gạo thế giới tăng lên mức kỷ lục trong suốt 34 năm qua gây khó khăn cho các quốc gia nhập khẩu lương thực có thu nhập thấp. Giá lương thực tăng cao và an ninh lương thực đang ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng của nhiều quốc gia. Khi được hỏi về những nhìn nhận không tốt của thế giới về cách thức mà Việt Nam tham gia vào cuộc khủng hoảng thời điểm đó, thời điểm khi mà giá lương thực tăng cao thì Việt Nam đã quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo lại, GS Peter Timmer thẳng thắn trả lời: Việt Nam lúc đó cũng đã bị khá nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế trong thời điểm khủng hoảng về lương thực, chúng tôi cũng biết đấy là thời điểm vô cùng khó khăn, khó khăn nhất đối với các quốc gia để ứng phó với vấn đề này. Ấn Độ cũng vậy thôi, khi Ấn Độ cũng ra lệnh cấm xuất khẩu và đã thúc đẩy giá lương thực cao hơn, Thái lan cũng đã xem xét đến việc kiểm soát lại xuất khẩu. Chúng ta cũng biết Thái lan cũng muốn thiết lập một tổ chức xuất khẩu gạo trong các nền kinh tế OPEC. VIệt Nam lúc đó cũng nhận được khá nhiều chỉ trích bởi vì đã không trở thành một đối tác, một người xuất khẩu đáng tin cậy đặc biệt là trong thời điểm khó khăn”. Tuy nhiên, theo TS Đặng Kim Sơn thì:” Mọi việc bao giờ nhìn lại cũng dễ hơn lúc đó xảy ra, lúc đó tại Việt Nam vừa trải qua một mùa rét chưa từng có. Và rất nhiều vùng lúa ở miền Bắc trong trạng thái bị đe dọa, đây là một quyết định khó khăn đối với Việt Nam. Nhưng một điều quan trọng là năm đó chúng ta ở vào thời kỳ giá lúa gạo chiếm một tỷ trọng rất lớn trong gói hàng hóa của chúng ta. Cho nên việc giãn tiến độ xuất khẩu không những là chỉ có vấn đề về giá trong nền kinh tế vĩ mô của đất nước, đây là quyết định mà các nhà chính trị phải dùng. GS. Timmer cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với những quyết định của Việt Nam khi ngừng xuất khẩu gạo trong thời kỳ khủng hoảng lương thực bởi theo Ông: Chúng ta sẽ phải xem xét từng quan điểm trong từng bối cảnh của từng quốc gia đó như thế nào. Chứ chúng ta không thể hỏi Ấn Độ, Việt Nam, Indonexia, Philippine “ anh có thể làm điều đó tốt cho toàn cầu nhưng lại không tốt cho những công dân của quốc gia đó”.

Bên cạnh vấn đề về an ninh lương thực, thì trong nền kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập như hiện nay, nông nghiệp và nông dân luôn luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Họ không chỉ dẽ bị tổn thương trong vấn đề thiên tai, dịch bệnh hay là biến đổi khí hậu toàn cầu, họ cũng rất dễ dàng bị gạt ra bởi những chính sách được ban hành của chính phủ những nước đã phát triển do các Chính phủ luôn luôn có xu hương chấp nhận một số những thiệt hại cũng có thể để có thể đạt được tăng trưởng cao cũng như thành tựu khác trong công nghiệp và dịch vụ. Và điều này có vẻ như ngược lại với những gì đang diễn ra tại các nước phát triển nơi mà Chính phủ luôn tìm cách bảo hộ những người nông dân cho dù những nhóm người này không hề là những nhóm người yếu thế trong xã hội. Theo GS. Timmer, kể cả các quốc gia phát triển và đang phát triển không nên bảo hộ nghành nông nghiệp mà các quốc gia đó cần phải ổn định hóa hệ thống sản xuất của họ, cần phải bảo vệ người tiêu dùng và cần phải khuyến khích người nông dân đưa ra những chính sách hỗ trợ người nông dân.

Sau 3 năm ra nhập WTO, Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mà ít bảo hộ nhất, có nghĩa là chúng ta chấp nhận cạnh tranh luôn mặc dù trước đó chúng ta lo ngại nông nghiệp và nông dân sẽ là đối tượng bị tổn thương nặng nề nhất trong quá trình hội nhập WTO. Nhưng thực sự trong thời gian vừa qua, những người nông dân lại là những người đi tiên phong trong quá trình cạnh tranh trực tiếp với nông sản của nước ngoài. TS. Kim Sơn cho biêt, Việt Nam vào WTO rất muộn và là một nước đi sau nên cam kết của Việt Nam rất nặng nề. Và điểm may là Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, đặc biệt là có lợi thế về người nông dân. Cho nên chúng ta đứng vững được và khi đứng vững đươc chúng ta phát huy lợi thế và biết được những điểm yếu để rút ra. Và chính khi chúng ta chấp nhận được cuộc chơi khó khăn này, trong tương lai khi mà nhà nước mạnh hơn, kết nối thế giới tốt hơn thì người nông dân Việt Nam ít cần trợ cấp hơn và vẫn có thể sản xuất hiệu quả nếu Nhà nước đầu tư ở mức độ nhất định đáng kể cho nông nghiệp.

Buổi Tọa đàm diễn ra trong không khí cởi mở với những chia sẻ từ những chuyên gia hàng đầu của ngành Nông nghiệp. Và sẽ được phát sóng trong chương trình Hội Nhập của Ban Thời sự - Đài truyền hình Việt Nam vào tối thứ 3 ngày 15 tháng 11 năm 2010 trên kênh VTV1 – Mời quí vị và các bạn chú ý đón xem.


Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO)

Tin khác