Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy tại Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 3 khai mạc sáng 9/11 tại Hà Nội.
Sản lượng lúa thế giới tăng 470 triệu tấn trong nửa thế kỷ
Trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, đứng đầu là hệ thống các cơ quan của Liên Hợp Quốc, trong đó có FAO (Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc), sản xuất lúa gạo trên thế giới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Năm 2009, diện tích lúa toàn thế giới là 161 triệu ha với sản lượng 679 triệu tấn, năng suất 4,2 tấn/ha. Tính từ năm 1961, diện tích lúa tăng 50 triệu ha, sản lượng tăng 470 triệu tấn và năng suất tăng 2,25 lần.
Tuy vậy, theo FAO, hiện nay trên thế giới vẫn còn 925 triệu người bị đói và thiếu dinh dưỡng. 30 quốc gia đang trải qua khủng hoảng lương thực trầm trọng.
Dự báo nhiều năm tới, việc bảo đảm an ninh lương thực nói chung và phát triển lúa gạo nói riêng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, nổi lên là diện tích đất nông nghiệp ngày một giảm, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp…
Trong khi đó, việc phấn đấu giảm một nửa số người nghèo đói vào năm 2015 là một trong 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà các quốc gia trên thế giới đã đề ra và cam kết thực hiện cách đây 10 năm.
Để đạt được mục tiêu này, các nước đang phát triển và kém phát triển cần có sự hỗ trợ tích cực của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế và phối hợp hành động chung trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của thế giới
Ở Việt Nam, một trong những cái nôi của lúa gạo thế giới, sản xuất lúa gạo đã gắn liền với truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hiện nay, sản lượng lúa chiếm trên 90% sản lượng của các cây lương thực có hạt, liên quan đến việc làm và thu nhập của khoảng 80% số hộ nông dân.
Trong hơn 20 năm qua, năng suất và sản lượng lúa đã tăng gấp khoảng 2 lần, hiện nay năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha một vụ, riêng vụ Đông Xuân, nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng đã đạt 7 tấn/ha.
Việt Nam từ một nước nhiều năm thiếu lương thực trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của thế giới. Trong 22 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu trên 75 triệu tấn gạo, trị giá 23 tỷ USD.
Hiện nay Việt Nam còn cử chuyên gia đi chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều nước châu Á, châu Phi, Mỹ La tinh… và được Chính phủ, nhân dân nước bạn và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 3 đã lựa chọn chủ đề "Lúa cho thế hệ tương lai" và tập trung thảo luận nhiều vấn đề rất thiết thực đang đặt ra, trong đó có các giải pháp khoa học công nghệ và chính sách.
Với sự tham gia của trên 1.000 nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nhân hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lúa gạo, đây sẽ là cơ hội quý để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, tìm ra các giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
“Điều này cũng rất có ý nghĩa đối với Việt Nam chúng tôi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Chính phủ Việt Nam xác định bảo đảm an ninh lương thực quốc gia lâu dài, trong mọi tình huống là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cùng với việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực của quốc gia, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này với cộng đồng quốc tế và sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ hơn nữa của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển lúa gạo của Việt Nam nói riêng.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, việc Việt Nam phát triển sản xuất lúa gạo hiệu quả bền vững cũng góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới vì hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu của thế giới.
Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Hữu nghị cho Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Trong nhiều năm qua, sự giúp đỡ của IRRI đối với sản xuất lúa gạo của Việt Nam là vô cùng quý báu.