Hội thảo “ phát triển thị trường tài chính nông thôn Việt Nam lành mạnh và hiệu quả”

08/11/2010

AGROINFO – Sáng nay trong khuôn khuôn khổ dự án hợp tác giữa Ngân hàng nhà nước với Cục kinh tế liên bang Thụy Sĩ(SECO), Ngân hàng Nhà nước và SECO đã tổ chức hội thảo với chủ đề “ phát triển thị trường tài chính nông thôn Việt Nam lành mạnh và hiệu quả” nhằm tạo cơ hội trao đổi cập nhật đầy đủ hơn những thông tin cơ bản về phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn giai đoạn tới, thực trạng và cơ hội thách thức khi phát triển thị trường tài chính nông thôn, những kinh nghiệm thực tế và những giải pháp đối với thị trường tài chính nông thôn Việt Nam.

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế tại Việt Nam. Từ khi thực hiện chương trình đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc ban hành các cơ chế chính sách hạ tầng thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại,hiệu quả và bền vững. Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng khẳng định: Đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế của nông nghiệp nông thôn Việt Nam trong thời gian qua không thể không kể đến sự đóng góp và hỗ trợ tích cực về vốn từ thị trường tài chính nông thôn. Về bàn chất, thị trường tài chính nông thôn cũng đảm nhận những vai trò cơ bản của thị trường tài chính đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung, giữ vai trò huyết mạch quan trọng trong việc huy động và chu chuyển vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu phục vụ cho hoạt động đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, thị trường tài chính nông thôn hiệ nay ở Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn phát triển sơ khai nên còn bộc lộ một số hạn chế như: Tính thông suốt và liên kết của thị trường còn yếu; phân bố vốn và sử dụng vốn chưa hiệu quả ; năng lực tài chính, khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro cũng như cơ sở hạ tầng còn thấp và lạc hậu; sản phẩm nghèo nàn và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính còn hạn chế; vẫn còn tồn tại tư duy bao cấp và các quan hệ tín dụng phi chính thức …

Cũng tại Hội thảo, trong tham luận về “ Những vấn đề cơ bản về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đến năm 2020”, TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn cũng khẳng định: Trong 5 năm đổi mới vừa qua nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng rất tốt, là nước có mức tăng trưởng tôt nhất so với tất cả nước nông nghiệp trong khu vực cũng như trên thế giới. Chính những tăng trưởng này nông nghiệp Việt Nam đã giúp cho cân bằng cán cân thương mại,nhập siêu liên tục giảm. Có thể nói rằng, nếu mà so sánh về mọi chỉ tiêu, về thu hút đầu tư , về môi trường kinh doanh ngay cả về phạm vi tài chính luôn dẫn đầu trong moi lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh. Với hơn 26 năm làm việc trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn, theo TS Đặng Kim Sơn có 2 bước quan trọng nhất đối với người dân nông thôn bắt kịp với tiến trình CNH, HĐH. Bước thứ nhất là hộ nông dân phải được tạo điều kiện tham gia vào thị trường trong nước và thế giới, các hộ nghề cũng phải cố gắng hòa nhập vào thị trường phi nông nghiệp, những lao động phi chính thức cần phải tiếp cận với thị trường phi chính thức cũng như những lao động chính thức khẳng định vị thế của mình trong thị trường lao động trong và ngoài nước. Bước thứ 2, lao động và người nông dân khi tham gia vào thị trường trong nước và thế giới phải tham gia vào chuỗi thương mại trong nước và quốc tế,hệ thống các doanh nghiệp nông thôn dần dần thay thế thị trưởng phi nông nghiệp , thị trường lao động phi chính thức phải giải thể nhằm bảo vệ người lao động và đảm bảo quyền lợi của người lao động đối với xã hội, một điều rất quan trọng nữa là thị trường lao động trong nước phải có kỹ thuật, có tay nghề. Cũng trong tham luận, TS Đặng Kim Sơn đã đưa ra một số kiến nghị về vấn đề tài chính cần xử lý như: Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đi kèm với tăng đầu tư công,tăng tiếp cận tín dụng và khuyến khích đầu tư về nông thôn; Cải thiện kết cấu đầu tư công một cách hiệu quả trong đầu tư kết cấu hạ tầng, hài hòa giữa các lĩnh vực và hợp lý giữa các vùng; Điều chỉnh cân đối thu chi Trung ương – Địa phương phải phân cấp và trao quyền quản lý đầu tư dịch vụ công, phải phân cấp thu,hỗ trợ, đảm bảo ngân sách cơ sở; Đổi mới cơ chế, luật lệ tài chính phải thống nhất chiến lược kế hoạch, quản lý tài chính theo kết quả mục tiêu, phối hợp đầu tư và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức.

Trả lời cho câu hỏi về vai trò của khuyến nông, khuyến ngư trong tương lai, theo quan điểm riêng của TS Kim Sơn: “ Cán bộ khuyến nông ăn lương Nhà nước, nghe lệnh cấp trên mà khuyến nông thực sự và quy chuẩn khuyến nông phải được giao cho người dân, và chỉ đến lúc nào người nông dân cần đến khách hàng thì khuyến nông mới vào cuộc. Hiện nay trong tổng số lao động chúng ta chỉ có 5% là các xã viên hợp tác xã, với số lượng nhỏ như thế thì chắc chắn chúng ta không thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới được. Chúng ta phải cương quyết đổi mới lại hợp tác xã và hộ nông dân biến hai tổ chức này thực sự là của người nông dân thì người nông dân mới đủ vị thế để đàm phán bước vào thị trường ngang hàng với doanh nghiệp với các tổ chức hàng đầu”.


Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO)

Tin khác