Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 2 sản xuất nông nghiệp miền Bắc tập trung chủ yếu vào việc gieo cấy lúa đông xuân trong thời tiết chuyển biến tương đối thuận lợi. Tính đến trung tuần tháng 2 toàn miền Bắc đã gieo cấy được 673,9 ngàn ha, bằng 76,2% so với cùng kỳ. Các tỉnh miền Nam đến thời điểm cuối tháng 2 cũng đã cơ bản kết thúc việc gieo cấy lúa đông xuân, trà lúa sớm đã bắt đầu cho thu hoạch.
Cụ thể, trong tháng 2 các địa phương miền Bắc tích cực triển khai cấy lúa và trồng màu vụ xuân. Để tạo điều kiện cho nông dân cấy lúa và trồng màu kịp thời vụ, lịch xả nước phục vụ đổ ải, làm đất của ngành điện được thông báo rộng rãi. Các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và lân cận đã tập trung ưu tiên, sử dụng tối đa công suất các trạm bơm, máy bơm các loại để lấy nước phục vụ đổ ải, làm đất và tưới dưỡng cho mạ mới gieo, đồng thời tích trữ vào các kênh mương ao, hồ…cơ bản đủ lượng nước cần thiết để gieo cấy và chăm sóc lúa, rau, màu vụ đông xuân.
Tính đến ngày 15/02, các địa phương miền Bắc gieo cấy đạt 673,9 ngàn ha, bằng 76,2% so với cùng kỳ. Trong đó các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ đều đã gieo cấy đạt gần 300 ngàn ha, so với cùng kỳ năm trước tương ứng bằng 73,2% và 89,2%. Nhìn chung, tiến độ gieo cấy lúa của các địa phương đều chậm hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do rét đậm kéo dài, một số diện tích mạ và lúa mới cấy bị chết rét phải gieo trồng thay thế hoặc dặm tỉa; nguồn nước phục vụ đổ ải, làm đất phần lớn phụ thuộc vào các đợt xả nước theo lịch của ngành điện.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay diện tích mạ đã gieo, nguồn nước, vật tư phân bón chuẩn bị cơ bản đáp ứng yêu cầu, các địa phương đều đặt mục tiêu gieo cấy hết diện tích lúa đông xuân trong khung thời vụ cho phép. Dự kiến đến đầu tuần tháng 3, các vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải bắc Trung bộ sẽ cơ bản kết thúc gieo cấy lúa đông xuân. Các tỉnh vùng Trung du và Miền núi thời vụ gieo cấy lúa đông xuân còn cho phép kéo dài hơn. Đối với một số diện tích thuộc nền đất cao khó khăn về nguồn nước các địa phương cũng đã chủ động lên phương án chuyển đổi sang trồng các cây rau, màu, cây công nghiệp thích hợp trên địa bàn nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.
Các địa phương miền Nam đã cơ bản kết thúc xuống giống lúa đông xuân, trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Lúa tiếp tục được giá đã khuyến khích nông dân mở rộng diện tích. Tính đến ngày 15/02, các địa phương đã xuống giống lúa vụ đông xuân đạt tổng diện tích hơn 1,9 triệu ha, tăng 2,6% so với cùng kì năm trước, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt trên 1,57 triệu ha, tăng 2,4% so với vụ này năm trước.
Được biết, vụ đông xuân năm nay, vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng bởi nước từ thượng nguồn về chậm, một số địa bàn bị hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu,... làm ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống và gây thiệt hại đáng kể một số diện tích lúa đã cấy. Các vùng khác nhờ thời tiết thuận lợi nên tiến độ xuống giống lúa đông xuân theo số liệu thống kê đều nhanh hơn cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên xuống giống nhanh hơn cùng kỳ tương ứng là 19,1% và 11,7%.
Hiện nay, lúa đông xuân đã bắt đầu cho thu hoạch, một số địa phương bước vào giai đoạn gặt rộ, chủ yếu tập trung tại vùng ĐBSCL. Tổng diện tích đã cho thu hoạch gần 400 ngàn ha, chiếm khoảng một phần tư diện tích xuống giống toàn vùng. Năng suất thu hoạch, theo đánh giá bước đầu của một số địa phương đều khá hơn so với vụ này năm trước. Đáng chú ý là giá lúa hiện tại tương đối ổn định không bị sụt giảm vào đầu vụ thu hoạch như mọi năm, chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới có chiều hướng tăng và chính sách thu mua dự trữ bình ổn giá lúa/gạo của chính phủ được triển khai sớm. Nông dân trồng lúa nhìn chung phấn khởi nếu giá lúa được tiếp tục giữ ở mức như hiện nay.
Đồng thời, với việc gieo trồng và thu hoạch lúa đông xuân, tính đến ngày 15/02, các địa phương trên toàn quốc đã gieo trồng cây màu vụ đông xuân đạt 414,7 ngàn ha, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích gieo trồng ngô đạt 246 ngàn ha, bằng 93,2% so với cùng kỳ; khoai lang đạt 63,8 ngàn ha, bằng 93%; sắn đạt 97,2 ngàn ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ.
Diện tích gieo trồng cây công nghiệp ngắn ngày đạt 263,7 ngàn ha, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích đậu tương đạt 89 ngàn ha, tăng 5%, diện tích lạc đạt gần 95 ngàn ha, bằng 96% cùng kỳ. Diện tích gieo trồng rau, đậu các loại đạt 320 ngàn ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Agroinfo - Theo Báo ĐCSVN
Nguồn:http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=447651