Xuất khẩu gạo, không dễ bán giá cao

02/03/2011

Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá hơn 600 triệu USD, tăng 63% về lượng và 50% về giá trị so cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo năm nay đang đứng trước thách thức là một số thị trường nhập khẩu truyền thống trước đây chuyển đổi cách thức mua gạo, trong khi chi phí đầu vào năm nay tăng vọt.

Lúa đông xuân năm nay có chi phí sản xuất cao, nhưng khách hàng Philippines đang muốn mua giá thấp

Thay đổi rõ nhất trong xuất khẩu gạo các tháng đầu năm nay là việc Philippines, một bạn hàng thường mua tới 1/3 sản lượng gạo của Việt Nam đã chuyển cách thức mua gạo từ đấu thầu tập trung sang mua thương mại. Với mục tiêu nhập nhẩu 1,5 – 1,7 triệu tấn gạo trong năm nay, trước mắt, Chính phủ Philippines đã giao cho một số thương nhân tìm kiếm gạo từ Thái Lan, Việt Nam và nhiều nước khác với hy vọng sẽ mua được mức giá rẻ hơn so với mở thầu tập trung.

Philippines muốn mua rẻ

Thực tế, ngay từ cuối tháng 1, đầu tháng 2.2011, sau khi cho phép các doanh nghiệp tư nhân tìm mua 163.000 tấn gạo từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Úc, Philippines tiếp tục giao thêm 660.000 tấn cho thương nhân, đích nhắm đến là thị trường gạo Việt Nam. Như vậy, nếu như cuối 2009, Việt Nam đã giành được hợp đồng bán gạo tập trung cho Philippines cho năm 2010 lên tới hơn 1,5 triệu tấn, với mức giá trung bình 600 – 660 USD/tấn chủng loại 15 – 25% tấm, thì năm nay, đến cuối tháng 2, vẫn chưa ký bán thêm được lô nào cho thị trường này.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, mục tiêu của Chính phủ Philippines là khá rõ, họ muốn cho thương nhân sang đàm phán mua trước, tạo ra mặt bằng giá ở mức thấp, sau đó nếu có mở thầu tập trung, thì lấy đó làm giá sàn. Cách thức mua này dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bán giá thấp, làm cho thị trường mất ổn định. Thực tế số liệu xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm cũng cho thấy giá xuất khẩu trung bình hai tháng đầu năm giảm so cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình hình này, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã giao sáu đơn vị thành viên đứng ra làm đầu mối đàm phán bán gạo cho thương nhân Philippines, sau đó chia lại cho các đơn vị khác, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp trong nước cạnh tranh lẫn nhau tự hạ giá.

Một nguồn tin từ doanh nghiệp tiết lộ, VFA đang đưa ra mức giá tối thiểu phải đàm phán đối với loại gạo 25% tấm mà thương nhân Philippines cần mua là 440 USD/tấn, còn 15% tấm là 450 – 460 USD. Tuy nhiên, nếu mức giá này được giao dịch, thì so với giá hợp đồng tập trung hồi cuối năm 2010 mà Philippines mua của Việt Nam, vẫn còn thấp hơn 60 – 100 USD/tấn.

Chiều 27.2, giám đốc một doanh nghiệp được chỉ định đàm phán bán gạo, cho biết giá gạo lức chế biến ra loại 25% tấm hiện nay vào khoảng trên 8.000 đồng/kg, cộng chi phí lau bóng, bao bì, vận chuyển, thì giá gạo giao tại mạn tàu đã là 450 USD/tấn. Chính vì vậy, mặc dù thương nhân Philippines đang lùng mua gạo ráo riết, nhưng việc họ trả giá thấp nên chưa thể bán được.

Lúa nhiều, vẫn phải bán giá cao

Trước áp lực của hơn 3 triệu tấn gạo đông xuân, cộng với hơn 1 triệu tấn tồn kho từ năm ngoái chuyển sang cần tiêu thụ, nhưng nhận định về thị trường trong vài tháng tới, nhất là nhu cầu từ Philippines, ông Huỳnh Công Thành, giám đốc công ty lương thực TP.HCM lại tự tin nói rằng: “Chúng ta không quá lo lắng”. Một nguồn tin từ VFA cũng cho rằng, không sớm thì muộn, Philippines sẽ phải mua gạo vì mức dự trữ hiện nay của họ đã khá thấp. Hơn nữa, vừa qua, Chính phủ Bangladesh ra quyết định nhập khẩu khẩn cấp lương thực, và sẽ sớm bắt đầu mua 0,8 – 1 triệu tấn gạo từ thị trường quốc tế trong vòng hai tháng tới. Malaysia cũng đang tăng cường mua gạo từ Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo có đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu… Dự kiến, từ tháng 3 trở đi, các nhà buôn châu Âu cũng sẽ vào Việt Nam mua gạo để bán sang thị trường châu Phi…

Năm nay, theo VFA, do chi phí đầu vào tăng mạnh, nên doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc bán giá sao cho có lợi nhất. Thực tế, dù đã thu hoạch được hơn 1/2 diện tích, nhưng giá lúa đông xuân chính vụ lại đang có xu hướng tăng chứ không giảm như các năm trước. Một số thương lái ở An Giang, Đồng Tháp, Long An cho biết, đi đến đâu hỏi mua thì nông dân cũng thách giá lúa rất cao, vì họ cho rằng, chi phí đầu vào sản xuất vụ đông xuân năm nay cao hơn năm ngoái nên không thể hạ giá bán. “Những ngày qua, giá lúa gạo hàng hoá tại khu vực này tăng khá mạnh. Lúa hạt dài có thời điểm đã tăng lên trên 6.000 đồng/kg; lúa IR 50404 mua tại ruộng ở mức 5.800 đồng/kg. Còn gạo lứt loại một chế biến ra thành phẩm 5% tấm doanh nghiệp mua tại kho trên dưới 8.000 đồng”, ông Vương Tài Hiến, một thương lái ở An Giang nói.

Trước tình trạng giá lúa gạo có xu hướng tăng, ông Lê Tuấn, giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Long (ImexCuulong), cho biết không chỉ công ty ông mà nhiều doanh nghiệp khác chưa dám ký hợp đồng bán gạo. Từ đầu năm đến nay, theo ông Tuấn, ImexCuulong mới xuất khẩu hơn 7.000 tấn gạo, số này được VFA chia theo hợp đồng tập trung. Còn lại, công ty vẫn tiếp tục mua gạo đông xuân, nhưng để trữ kho chứ chưa vội bán vì sợ vài tháng nữa giá tăng sẽ bị lỗ.

“Tôi nghĩ rằng, trước áp lực giá thành sản xuất cao, cộng với lãi vay và các chi phí khác tăng hơn năm ngoái thì doanh nghiệp phải cân nhắc giá bán...”, ông Tuấn nói thêm.

Agroinfo - Theo Báo Sài Gòn tiếp thị

Nguồn:http://www.sgtt.com.vn/Kinh-te/137852/Xuat-khau-gao-khong-de-ban-gia-cao.html

 


Tin khác