Giá hàng hóa tăng phi mã

02/03/2011

Từ 1.3, hầu hết các loại hàng hóa thiết yếu đã đồng loạt tăng giá do chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá, việc tăng giá điện, xăng, dầu trước đó.

 

Hiện các siêu thị đều không tự ý tăng giá mà đều xuất phát từ các nhà cung cấp. Hiệp hội đã đề nghị các siêu thị chưa tăng giá đồng loạt các mặt hàng và không chấp nhận vô điều kiện giá của các nhà cung cấp. Các siêu thị sẽ đàm phán với nhà cung cấp để đảm bảo giá tăng sẽ phải hợp lý. Muốn vậy bản thân các siêu thị cũng phải liên kết lại với nhau.

 

Giá hàng thiết yếu tăng tới 20%

Tại Hà Nội, đúng thời điểm 1.3, các nhà cung cấp đã đồng loạt đề nghị tăng giá 15% đối với hàng hóa cung cấp cho các siêu thị. Và ngay lập tức, một số mặt hàng đã có sự điều chỉnh mạnh về giá: Sữa, giấy viết, đồ dùng học tập, dầu ăn, đồ hộp thực phẩm... Hầu hết các mặt hàng đều có mức tăng giá ít nhất là 5-10%; cao nhất là 20%.

Cũng chịu mức tăng 15 – 20%, ngay trong ngày đầu tháng 3 này, hàng loạt hãng sữa như: Ensure, PediaSure, Similac của Abbott; Friso Gold của Dutch Lady… cũng đã điều chỉnh theo bảng giá mới.

 

Hàng hóa, thực phẩm đồng loạt tăng giá, khiến các bà nội trợ phải tiết giảm chi tiêu.

Ông Nguyễn Thái Dũng-Phó Tổng Giám đốc siêu thị BigC cho biết một số mặt hàng có sự điều chỉnh giá do đã hết các chương trình khuyến mãi; số khác có sự điều chỉnh mạnh hơn do biến động tỷ giá.

Theo ông Dũng, với việc tăng giá điện, xăng, dầu sẽ chỉ ảnh hưởng hạn chế tới giá hàng hóa nói chung vì nhiên liệu chỉ chiếm 5-7% của đa số các ngành sản xuất; còn lại là chi phí nguyên vật liệu, nhân công, khấu hao; nếu tính tổng giá thành sản phẩm thì chỉ còn 1-2% mà thôi. Mặc dù đều e ngại việc tăng giá, song các siêu thị cũng thừa nhận việc điều chỉnh giá nhiều mặt hàng tới đây là khó tránh khỏi.

 

Tại Đà Nẵng, giá thực phẩm hiện nay không trở lại bình thường sau Tết như thông lệ nhiều năm trước. Tại các chợ, các mặt hàng thực phẩm rau củ quả đều tăng từ 10-20%. Cùng với sữa và gas tăng theo biến động chung trên cả nước, giá thép bán lẻ trên thị trường Đà Nẵng đã đồng loạt tăng thêm ít nhất 20.000 đồng/kg.

 

Giá gas tăng cao hơn công bố

 

 

Cũng bắt đầu từ hôm qua, giá gas bán lẻ chính thức tăng thêm trung bình khoảng 10.000 – 12.000 đồng/bình 12kg. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã 4 lần được điều chỉnh với 3 lần tăng. Mặc dù trong tháng 2, doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm đến 22.000 đồng/bình 12kg, song cho đến thời điểm này theo tính toán, giá gas vẫn còn cao hơn 7.000 – 8.000 đồng /bình 12kg so với đầu năm. Giá gas bán lẻ theo đăng ký sẽ từ 329.000 đến 330.000 đồng/bình 12kg.

Agroinfo - Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: Báo Nông thôn ngày nay - số 52 ngày 02.03.2011

 

 

Theo giải thích của các doanh nghiệp, nguyên nhân tăng giá là do giá gas thế giới giao trong tháng 3 vừa công bố tăng thêm 25 USD/tấn, đạt mức 878USD/tấn. Với mức tăng này, mỗi kg gas bán lẻ sẽ tăng thêm 750 đồng/kg, tương đương 9.000 đồng/bình 12kg.

Tuy nhiên, chiều 1.3 theo khảo sát của NTNN giá gas trên thị trường đã tăng cao hơn mức giá được công bố rất nhiều. Tại cửa hàng kinh doanh gas Ngọn Lửa Thần cuối phố Bà Triệu (Hà Nội), bình gas loại 13kg được báo giá 370.000 đồng.

Cửa hàng gas Lửa Việt tại 352 Cầu Giấy, Hà Nội loại gas Hồng Hà 12kg có giá 370.000 đồng. Nhân viên bán hàng khẳng định: Giá niêm yết là như vậy, chắc chắn không có giá 330.000 đồng/bình 12kg.

 

Vé xe bus cũng tăng giá

Trao đổi với NTNN, Giám đốc Công ty quản lý Bến xe Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung cho biết, đến sáng 1.3, Hải Âu, chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội được đăng ký tăng 10% giá vé; vé tuyến Hà Nội – Bắc Giang của Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang tăng 12%.

Cho đến chiều qua, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết có thêm hai tuyến của Xí nghiệp Xe khách Nam cũng đã đăng ký tăng giá vé là tuyến Hà Nội – Thái Bình (từ 45.000 lên 55.000 đồng, tăng hơn 22%), tuyến Hà Nội – Nam Định tăng từ 45.000 lên 50.000 đồng.

Không chỉ xe khách, các tuyến xe buýt cũng đã tăng giá. Các tuyến buýt của Hợp tác xã vận tải Tín Lợi tăng giá từ sáng 1.3. Cụ thể, tuyến Hà Đông – Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) tăng từ 10.000 lên 13.000 đồng, tuyến Hà Đông - Mỹ Đình từ 3.000 lên 5.000 đồng... Các hãng taxi Group, taxi Thủ Đô đã tăng từ 1.000-1.500 đồng/km.

Trao đổi với NTNN, ông Trần Viết Hòe - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng cho biết, các đơn vị vận tải của thành phố thống nhất bắt đầu tăng giá cước dịch vụ với mức tăng từ 15-18%. Từ sau ngày 24.2, vì giá xăng tăng mạnh và đột ngột quá nên nhiều đơn vị vận tải không kịp “trở tay”.

Để giảm thiệt hại do những hợp đồng đã ký từ trước, họ bất chấp giá niêm yết, tự ý công khai tăng giá dịch vụ lên trên 30% (vượt mức có thể cho phép 12%).


Tin khác