Sau gần 35 năm đổi mới, ngành nông nghiệp đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, là ngành duy nhất liên tục xuất siêu. Nông nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội và là cứu cánh cho nền kinh tế trong các giai đoạn khó khăn.
Tăng trưởng nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2023
Kể từ năm 1986 tới nay, mỗi khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, khó khăn, ngành nông nghiệp luôn trở thành động lực và là bệ đỡ cho nền kinh tế. Việt Nam bước sang năm 2023 trong bối cảnh kinh tế thế giới có triển vọng tiêu cực, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, thế giới nhiều bất ổn về chính trị. Do vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, chín tháng đầu năm 2023, toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và thiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kết quả, tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 3,43%, trong đó nông nghiệp tăng 3,42%, lâm nghiệp 3,13% và thủy sản 3,56%; trong khi nền kinh tế tăng trưởng chỉ đạt 4,24%, công nghiệp 2,41%. Xuất khẩu toàn ngành đạt 38,48 tỷ Đô la Mỹ tăng 22,0%; nhập khẩu đạt 30,44 tỷ Đô la Mỹ, giảm 10,4%; cán cân thương mại nông lâm thủy sản đạt 8,04 tỷ Đô la Mỹ tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: rau quả tăng 71,8%, gạo 40,4%, hạt điều 39,6%, mía đường 34,4%, chăn nuôi 26,4%. Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn. Trong đó, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 22,1%, Mỹ chiếm 20,7%, Nhật Bản chiếm 7,6%, Philippines 4,4%, Hàn Quốc 4,1%, Châu Âu và các thị trường khác là 41,7%.
Ngành nông nghiệp đạt được kết quả trên, một phần từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản tương đối thuận lợi. Tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới trong thời gian gần đây liên tục biến chuyển có lợi cho Việt Nam. Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tạm dừng xuất khẩu gạo. Ngoài ra, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo tại nhiều nước trên thế giới. Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng trong khi vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm và cả năm
giai đoạn 2011-2023 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê, Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm giai đoạn 2011-2023
Nhận định tăng trưởng nông nghiệp năm 2023
Theo Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2023, mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp cả năm 2023 đã đề ra đạt 3-3,5% là khả thi. Tại buổi họp báo thông tin về kết quả của ngành nông nghiệp quý III/2023 ngày 29/09/2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nông thôn cũng đã khẳng định “Năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ về đích ngoạn mục”.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU... Tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Với những kinh nghiệp ứng phó trước những khó khăn, thử thách, sự chủ động của các ngành hàng, truyền thống chung sức, vượt khó, sáng tạo vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân....chúng ta kỳ vọng ngành nông nghiệp sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023, tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ cho nền kinh tế khi khó khăn”.
Nguyễn Thị Thuỷ, Bộ môn Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/Ipsard