Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cập nhật các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến Lương thực và Nông nghiệp năm 2023

08/11/2023

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc đã công bố Báo cáo “Theo dõi các chỉ số phát triển bền vững liên quan đến Lương thực và Nông nghiệp năm 2023”. Báo cáo phân tích 21 chỉ số phát triển bền vững dưới sự giám sát của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc và 10 chỉ số phát triển bền vững khác có ảnh hưởng đến lĩnh vực lương thực và nông nghiệp. Các chỉ số liên quan tới nhiều tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) bao gồm SDG 1 (xoá nghèo), SDG 2 (không còn nạn đói), SDG 5 (bình đẳng giới), SDG 6 (nước sạch và vệ sinh), SDG 10 (giảm bất bình đẳng), SDG 14 (bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển) và SDG 15 (bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học).

Báo cáo cho thấy đã có những xu hướng tích cực trong các lĩnh vực bảo tồn nguồn gen thực vật, hiệu quả sử dụng nước và áp dụng các công cụ để chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Trong khi diện tích rừng trên thế giới giảm từ 31,9% năm 2000 xuống còn 31,2% vào năm 2020, báo cáo lưu ý rằng so với những thập kỷ trước, tốc độ suy giảm đã chậm lại.

Tuy nhiên, các chỉ số liên quan đến lương thực và nông nghiệp đang xấu đi. Ít nhất 100 triệu ha đất sản xuất bị mất mỗi năm từ năm 2015 đến năm 2019 do suy thoái đất. Trên toàn cầu, vào năm 2021, 13,2% thực phẩm bị thất thoát sau khi thu hoạch và trong quá trình vận chuyển, bảo quản, bán buôn và chế biến, tăng nhẹ so với năm 2016 (13%). Tỷ lệ dân số thế giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng đói kinh niên vào năm 2022 là khoảng 9,2%, so với 7,9% vào năm 2015. Ước tính mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốcchỉ ra rằng vào năm 2022, có khoảng 691 triệu đến 783 triệu người bị đói. Tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng đáng kể, từ 25,3% dân số toàn cầu năm 2019 lên 29,6% vào năm 2022. Về an ninh dinh dưỡng, mặc dù tỷ lệ tỷ lệ thấp còi đã giảm từ 26,3% năm 2012 xuống 22,3% vào năm 2022 nhưng báo cáo cảnh báo, tốc độ giảm này không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu. Ngoài ra, năm 2022, có 6,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể gầy còm trong khi tỷ lệ trẻ thừa cân vẫn giữ ở mức 5,6%.

Về thị trường, năm 2021, 21,5% quốc gia phải đối mặt với “giá lương thực cao từ vừa phải đến cao bất thường”, so với mức cao kỷ lục 48% vào năm 2020. Mức trung bình trong giai đoạn 2015-2019 là 15,2% dẫn đến giá lương thực tiếp tục tăng cao, chủ yếu là do sự gia tăng chi phí sản xuất và vận chuyển do giá phân bón và năng lượng đắt hơn.

Báo cáo đánh giá chung rằng mặc dù tiến độ thực hiện nhiều mục tiêu liên quan tới lương thực và nông nghiệp đang bị chững lại hoặc đảo chiều, kèm theo đó là các khoảng trống về dữ liệu, thì “tầm nhìn về một thế giới không còn nạn đói và suy dinh dưỡng cũng như có nền nông nghiệp bền vững. vẫn nằm trong tầm tay”. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến lương thực và nông nghiệp, cần có các chính sách và hành động phối hợp “để giải quyết những bất bình đẳng cố hữu, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp-thực phẩm, đầu tư vào các hoạt động nông nghiệp bền vững và thúc đẩy khả năng phục hồi trước những cú sốc”, đồng thời cải thiện tính sẵn có và chất lượng nguồn dữ liệu, đặc biệt là ở các nước kém phát triển.

Nguyễn Mai Hương, Trung tâm Phát triển nông thôn/IPSARD.

Tổng hợp từ Báo cáo “Tracking progress on food and agriculture-related SDG indicators 2023” (FAO, 2023)


Tin khác