Nông nghiệp, nông thôn 2006 và phương hướng cho 2007

16/01/2007

Năm 2006, mặc dù ngành Nông nghiệp gặp phải nhiều khó khăn như dịch bệnh diễn biến phức tạp, bão lũ, giá vật tư đầu vào tăng cao...sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. Ước tính giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh 1994) tăng 3,47%; trong đó trồng trọt tăng 2,7%, chăn nuôi tăng 7,3%, lâm nghiệp tăng 1,2%, dịch vụ nông nghiệp tăng 2,7%. Tổng sản phẩm trong nước khu vực nông, lâm nghiệp tăng 2,77%.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nông lâm sản hàng hoá trên thị trường nội địa và việc xuất khẩu nông lâm sản nhìn chung khá thuận lợi. Nông dân bước đầu tiếp cận được với thị trường, Chính phủ có nhiều biện pháp bình ổn giá vật tư, phân bón, đảm bảo sản xuất cho nông dân. Giá nhiều loại nông sản hàng hoá tăng cao, có lợi cho người sản xuất như lúa gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su...Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm sản tăng mạnh, ước đạt 7,16 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm trước. Một số mặt hàng chủ lực như cao su, chè, hạt tiêu, hạt điều, tăng cả về lượng và giá trị. Các mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm cao su, gạo, cà phê; riêng xuất khẩu gỗ đạt gần 2 tỷ USD.

Năm qua, Bộ nông nghiệp và PTNT được cân đối 1.995,6 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó vốn trong nước 1.106,6 tỷ đồng, vốn nước ngoài 889 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ 1.947 tỷ đồng. Việc thực hiện vốn ngân sách tập trung cả năm ước đạt 2,258 tỷ đồng, đạt 113% kế hoạch, vốn trái phiếu Chính phủ ước thực hiện cả năm 1.504 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch.

Các chương trình phát triển nông thôn đã có bước chuyển mới trong việc tổ chức lại sản xuất nông lâm nghiệp, trong công tác quy hoạch, điều chỉnh dân cư và di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La. Nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm ở nông thôn đã được triển khai tích cực. Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn hoàn thành kế hoạch đề ra.

Nhìn chung, năm 2006 ngành Nông nghiệp và PTNT đã phát triển tương đối toàn diện, định hướng phát triển rõ hơn đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và hướng mạnh ra xuất khẩu. Tuy nhiên, kết quả thực hiện năm 2006 cũng bộc lộ một số tồn tại và yếu kém, nhất là sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều yếu tố kém bền vững, sản xuất của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ có mức tăng trưởng thấp, trồng rừng còn mang nặng tính quảng canh, thuỷ lợi nặng về xây dựng cơ bản...

Những tồn tại nêu trên đòi hỏi những nỗ lực to lớn của toàn ngành để sớm khắc phục, tạo ra sự chuyển biến mạnh và đồng bộ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn những năm tới.

Năm 2007, toàn ngành đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp 3%, xuất khẩu nông lâm sản 7,4%; tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước sạch 70% (tăng 4%); điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng trồng trọt chiếm 68%, chăn nuôi 26%, ngành nghề khác 6%.

Trong năm tới, ngành cũng đề ra các chương trình cần tập trung phát triển, đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, kểt hợp thâm canh tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở phòng chống tốt các loại dịch bệnh; đẩy mạnh bảo vệ rừng, kinh doanh lâm nghiệp toàn diện, trồng rừng kinh tế và chế biến lâm sản. Thêm vào đó còn có chương trình nâng cao chất lượng muối ăn, muối xuất khẩu và muối công nghiệp thay thế; đẩy mạnh chương trình phát triển thuỷ lợi, đê điều và phòng chống lụt bão, phát triển nông thôn.

Để thực hiện các chương trình trên, toàn ngành đã đưa ra giải pháp chính như thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ, làm cơ sở tăng nhanh năng suất - chất lượng - hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước, chống thất thoát, dàn trải, kéo dài; huy động cao các nguồn vốn khác đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế; chương trình đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đẩy mạnh cải cách hành chính , thực hiện tốt các Luật về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm.

Báo cáo nông nghiệp 2006 và định hướng cho 2007


Tin khác