Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 1 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mức đóng góp của các khu vực tương đương nhau, các doanh nghiệp trong nước đạt 1,55 tỷ USD và các doanh nghiệp có vốn FDI đạt 1,75 tỷ USD.
Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong tháng vẫn là các mặt hàng quen thuộc, dệt may 500 triệu USD, giày dép 350 triệu USD, thuỷ sản 250 triệu USD. Một trong những mặt hàng chủ lực là gạo có kim ngạch thấp do chưa vào vụ xuất khẩu và không có những đơn hàng gối vụ từ năm ngoái.
So với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh những mặt hàng truyền thống có mức tăng cao như thuỷ sản tăng 39,7%, chè tăng 56,9%, đột biến có sản phẩm cà phê tăng tới 137,1%, đã xuất hiện một số mặt hàng mới có mức tăng khá cao như đồ chơi trẻ em tăng 88,5%, sản phẩm đá quí và kim loại quí tăng 39,5%...
Về khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD trong năm 2007, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhận định, đây là mục tiêu khó khăn bởi hầu hết các nhóm hàng chủ lực về nguyên liệu, khoáng sản và nông sản của Việt Nam sẽ không có nhiều khả năng tăng giá trong năm 2007, như vậy cần phải có sự nỗ lực lớn trong việc gia tăng về khối lượng và chất lượng các nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch quá lớn giữa tốc độ tăng nhập khẩu (30,8%) và tốc độ tăng xuất khẩu 7,7% cũng là dấu hiệu bất ổn so với kết quả của cùng tháng này năm ngoái (10,8% và 16%). Bộ trưởng nhấn mạnh, để có thể đạt được một kết quả ngoạn mục như năm 2006 và hạn chế nhập siêu ở mức hợp lý, các doanh nghiệp không thể lơ là trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vượt nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có những bước khởi động tích cực ngay từ đầu năm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 ngày đầu tháng 1 năm 2007, cả nước đã có thêm 29 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt trên 305 triệu USD. Trong đó, lớn nhất là dự án cải thiện hồ điều hoà Xương Rồng và xây dựng khu đô thị mới tại Thái Nguyên của tập đoàn Intra (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký 100 triệu USD
Đồng thời, có 10 dự án đang hoạt động được phép bổ sung vốn để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, với tổng vốn tăng thêm đạt 45 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, riêng vốn bổ sung đã tăng 80%, còn tính chung cả 2 nguồn đạt 350 triệu USD, tăng 2%.
Một số dự án quy mô lớn đang được các địa phương khẩn trương lựa chọn đối tác hoặc đang xem xét cấp phép đầu tư như dự án đầu tư vào Phú Quốc của Tập đoàn Rockingham (Mỹ), dự án xây dựng khu du lịch phức hợp ở Phú Yên, dự án SHS Iron& Steel tại Hà Tĩnh, dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá), dự án xây dựng khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hoà)...
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng đầu năm cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 26%, với mức tăng đều ở cả 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với mức tăng tương ứng 17,5%; 35,5% và 24,9%.
Một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng cao như động cơ diezen tăng 83,3%, sứ vệ sinh tăng 68,2%, thép cán tăng 52%.
Cũng trong tháng 1, lượng khách quốc tế đến Việt Nam là 369.000 người, tăng 9,5% so với tháng 1 năm 2006.
(Thông tấn xã Việt Nam)