Kỳ 4: Tổ điều tra của thủ tướng đã đến

08/02/2007

Từ tỉnh truyền về một tin tức làm lãnh đạo huyện vừa kinh ngạc vừa đau đầu: có một nông dân viết thư lên trung ương...

Cuộc trao đổi ở văn phòng huyện ủy

Ngày 29-3 là ngày thứ 21 tôi phát thư đi. Lúc này bí thư Huyện ủy huyện Giám Lợi Y có thể được điều lên làm phó chủ tịch TP Kinh Châu, tôi được mời lên văn phòng huyện ủy. Đồng chí bí thư huyện ủy Y hết sức nghiêm nghị nhưng cũng rất lấy làm lo lắng, mấy lần định nói với tôi điều gì nhưng lại e dè không nói. Tôi có dự cảm bí thư Y định nói với tôi về bức thư, nhưng tôi cũng không dám chắc, nghĩ phải thăm dò trước đã.

Tôi đứng dậy cầm ấm chè của bí thư đi đổ bã, quay mặt đi để phá tan không khí trầm lắng, nói: “Đồng chí có nhiệm vụ gì giao cho tôi, chỉ cần có thể làm được tôi nhất định làm tốt. Đồng chí cứ tin tưởng tôi”.

Bí thư Y liền lộ vẻ tươi cười tiến sát gần tôi nói nhỏ: “Có một việc rất cần đồng chí tháo gỡ, xã Bàn Cờ đồng chí có một nông dân dám viết thư lên trung ương phản ảnh tình hình đóng thuế của nông dân quá nặng, chính sách bù giá lương thực không được thực hiện, trung ương sắp cử người về điều tra. Đồng chí về kiểm tra lại xem, làm một số việc để đừng gây thêm phiền phức cho huyện ta lúc này, nhất là chính sách bù giá lương thực. Tuy chính sách của trung ương là đúng nhưng dưới chấp hành đâu phải dễ, việc xảy ra là khó tránh khỏi. Việc này trung ương sẽ làm nghiêm, nhưng không thể để trung ương nắm được đằng cán mà bắt người. Khi đồng chí tiếp đoàn cần phải nói nhiều về tình hình khó khăn của huyện cho đoàn rõ. Còn đối với vấn đề đóng góp của nông dân, chỉ cần đừng để chết người là không có vấn đề gì lớn. Lần chỉnh cải này dù khó khăn đến mấy, trước hết cũng phải bàn phương án giảm nhẹ đóng góp cho nông dân”.

Tôi cầm điếu thuốc của bí thư đưa cho, đứng dậy nói lời cáo từ: “Đồng chí yên tâm, tôi biết nên làm như thế nào rồi. Có việc gì ngoài dự kiến, tôi báo cáo kịp thời cho đồng chí”.

Tổ điều tra của thủ tướng

Tổ điều tra của thủ tướng không liên hệ với huyện ủy mà trực tiếp tìm đồng chí trưởng Phòng nông nghiệp huyện Giám Lợi. Cả quá trình điều tra, về phía huyện Giám Lợi chỉ có một đồng chí trưởng phòng nông nghiệp huyện Khương Anh Hoa đi theo. Ngày 1-4, tổ điều tra xuất phát từ huyện lỵ, điểm đầu tiên tuyên bố công khai trước lúc ra đi là đến thị trấn Kiều Thị, nhưng đến nửa đường liền thay đổi ý kiến, đến thẳng xã Bàn Cờ. 11g trưa, tôi nhận được điện thoại của đồng chí trưởng phòng Khương Anh Hoa dặn tôi phải trực ở trụ sở xã đợi. Lúc đó tôi mới rõ tổ điều tra đến là vì bức thư của tôi.

Tổ điều tra của thủ tướng chỉ có hai người. Đồng chí Hạ Quân Vĩ và đồng chí Phạm Văn Bác đều là lãnh đạo cấp cục vụ Bộ Nông nghiệp, ngoài ra có đồng chí trưởng phòng nông nghiệp của sở nông nghiệp tỉnh và trưởng phòng nông nghiệp huyện Giám Lợi đi theo.

Sau khi cục trưởng Vĩ đến trụ sở đảng ủy xã Bàn Cờ, nhận biết được tôi nhưng vẫn tỏ ra xa cách, không hề có một cảm tình vồ vập nào. Ngồi yên vị, cục trưởng Vĩ nói rõ lý do cuộc họp ngày hôm nay. Đồng chí nói: “Căn cứ vào chỉ thị của thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp tổ chức một số tổ điều tra đi khắp các địa phương để điều tra nghiên cứu một số tình hình. Xã Bàn Cờ chỉ là một điểm trong nhiều điểm chọn, hi vọng có sự phối hợp tốt của các đồng chí trong xã, cung cấp một số tình hình và phương tiện”.

Rất rõ ràng, cục trưởng nói như vậy là có ý bảo vệ tôi. Tổ điều tra yêu cầu xã cung cấp những số liệu (sổ đóng góp của nông dân, giá thu mua lương thực, tình hình nợ nần, việc đi làm ăn bên ngoài...). Tổ điều tra không yêu cầu cán bộ lãnh đạo xã đi theo, cũng không dùng xe của xã, hoàn toàn tự lo về ăn ở. Tổ điều tra yêu cầu không được công khai thân phận của tổ, để tổ có thể nắm chắc tình hình thực tế.

Lý Xương Bình
Những điều trông thấy...

Thôn Giác Hồ trở thành điểm điều tra đầu tiên của tổ. Nhà nhà trồng lúa, nhà nhà lỗ chổng thây. Lúc đó trong thôn còn hơn 10 vạn kg thóc, giá lương thực thấp đến mức 0,78đ/kg mà chính phủ vẫn không muốn mua. Tài chính thôn nợ hơn 80 vạn đồng, ra tết đến nay thôn có 1.400 mẫu không ai nhòm ngó tới, đồng bào quyết một lòng không trồng cấy nữa. Còn vấn đề ai làm cán bộ thôn, đồng bào nói: “Ai làm thì làm đều được cả, còn chúng tôi sẽ đi hết. Cán bộ làm việc của cán bộ, chúng tôi làm việc của chúng tôi. Cán bộ đừng quản việc của chúng tôi, chúng tôi không quản việc của cán bộ, hai bên không nên can thiệp vào công việc của nhau. Cán bộ bảo trách nhiệm phải trồng lúa thì cán bộ cứ đi mà trồng. Từ nay về sau chúng tôi không làm lúa nữa”.

Thấy tình cảnh như vậy, cục trưởng Vĩ cảm thấy lạ lùng, nói: “Trước đây chúng ta cứ tưởng nông dân rất yêu quí ruộng đất, khó mà tách họ ra khỏi ruộng đất. Còn hôm nay nông dân không thích ruộng đất, không thích trồng lúa, không thích làm nông dân nữa, chúng ta hiểu thấm thía hơn một điều nữa là: chỉ khi nào ruộng đất đem lại lợi ích cho nông dân, nông dân mới có cảm tình với ruộng đất. Làm ruộng không có lợi ích gì thì dù cho quyền sở hữu có rõ ràng đến mấy, bà con vẫn không ai thích ruộng đất, thích kinh doanh ruộng đất. Điều này có quan hệ rất chặt chẽ với việc đặt ra chính sách nông nghiệp từ nay về sau”.

Tổ điều tra tiếp tục đến thôn Hầu Vương. Bí thư chi bộ thôn Hầu Vương dẫn cục trưởng Vĩ đến liền một lúc bảy nhà, không nhìn thấy một lao động nào khỏe mạnh ở nhà hết. Không có gia đình nào có đồ dùng gia đình ra hồn cả, không hộ nào có tivi màu. Nhìn thấy tận mắt, cục trưởng Vĩ trong lòng day dứt vô hạn, không cầm nổi nước mắt, nói một cách thương tâm: “Thực trạng của nông dân sống khó khăn như vậy, chúng ta sao có thể bắt họ đóng góp bình quân một năm một nhân khẩu 600 đồng được”.

Ngày thứ hai, tổ điều tra đến thôn Phan Hà thuộc khu Long Loan thì xảy ra một sự kiện thê thảm. Bí thư chi bộ thôn Liễu Cảnh Song uống thuốc độc tự tử. Năm 1997, Liễu Cảnh Song có bảo lãnh cho người thân của mình vay Liễu Cảnh Hổ 2.000 đồng với lãi suất cao. Thời gian đã quá ba năm, lãi mẹ đẻ lãi con, cả gốc lẫn lãi đến nay đã lên tới 6.000 đồng. Người thân của Liễu Cảnh Song cũng chưa có khả năng trả. Sau khi Liễu Cảnh Song làm bí thư, Liễu Cảnh Hổ ngày nào cũng đến nhà Cảnh Song đòi nợ, dùng những lời lẽ độc ác mắng nhiếc, làm nhục Cảnh Song. Lời qua tiếng lại năm bảy lần, Cảnh Hổ bức Cảnh Song càng chặt. Cảnh Song thiếu chí khí, nghĩ không ra, uống thuốc độc tự tử.

Trước khi ra về, đồng chí Vĩ và đồng chí Bác mỗi người rút 200 đồng, nhờ người đưa cho người nhà của Cảnh Song. Đồng chí cục trưởng Vĩ hỏi: “Tố chất cán bộ của xã đồng chí không kém, hơn nữa đại đa số cán bộ xã thôn đều là con em của nông dân, vì sao quan hệ giữa cán bộ và quần chúng căng thẳng đến mức như vậy?”. Tôi cho rằng nhân tố quyết định mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng tốt hay xấu là ở chỗ chính sách của đảng ở nông thôn có được chấp hành tốt hay không. Lúc nào chính sách của đảng chấp hành tốt, lúc đó mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng nhất định tốt. Thứ hai là lợi ích của cán bộ và quần chúng phải đảm bảo được sự thống nhất. Cán bộ không nên có đặc lợi. Nếu xem lợi ích của cán bộ cao hơn lợi ích của quần chúng nhân dân thì mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng sẽ bị tổn hại. Một khi cán bộ phát triển thành một giai cấp, một tầng lớp có đặc lợi, cùng tranh lợi ích với nhân dân, thì mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng sẽ ngày một gay gắt. Mối quan hệ giữa cán bộ và quần chúng tuy xuất hiện ở cơ sở nhưng trách nhiệm là ở bên trên”.

Ngày 5-4, tổ điều tra rời khỏi Giám Lợi, các đồng chí đưa cho tôi bản sao bức thư của tôi, trong đó có ghi ý kiến của các đồng chí lãnh đạo nhà nước: Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Trần Diệu Bang, có chữ ký và đóng dấu để tôi làm kỷ niệm. Hai đồng chí luôn dặn tôi thường xuyên giữ mối liên hệ với các đồng chí.

Tiễn hai đồng chí cục trưởng ra về, tôi liền tìm đến đồng chí bí thư huyện ủy Y báo cáo nội dung bức thư tôi đã viết và tinh thần chỉ thị của các đồng chí lãnh đạo trung ương, cũng như tình hình tổ điều tra của thủ tướng về làm việc tại xã Bàn Cờ và cuộc trao đổi trong hai đêm qua với tổ. Đồng chí bí thư huyện ủy Y không tỏ rõ một thái độ nào, cũng không nhìn thẳng vào mặt tôi.

LÝ XƯƠNG BÌNH (TRẦN TRỌNG SÂM dịch)


Tin khác