10 sự kiện nông nghiệp nổi bật Việt Nam năm 2006

13/03/2007

Trung tâm thông tin - Viện Chính sách và Chiến lược tổng hợp và xếp hạng các sự kiện nổi bật về nông nghiệp nông thôn năm 2006.

Sau đây là 10 sự kiện nông nghiệp nổi bật Việt Nam năm 2006:

1. Giá nông sản tăng cao

Năm 2006, giá nhiều loại nông sản hàng hóa đạt mức khá cao, có lợi cho người sản xuất. Vùng ĐBSH, giá lúa dao động trong khoảng 2.700 - 3000đ/kg, lúc cao nhất lên tới 3.300đ/kg. Giá các mặt hàng cà phê, hạt tiêu trong nước tăng mạnh do ảnh hưởng của cung cầu và xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới. Giá hạt tiêu lúc cao nhất đạt 45.000đ/kg (tăng 25.000đ/kg so với đầu năm). Giá cà phê thời điểm cao nhất đạt 25.000đ/kg (tăng 7.000đ/kg so với đầu năm), hiện biến động trong khoảng 21.000-22.500đ/kg. Giá mủ cao su tươi khoảng 25.000-26.000đ/kg, so với mức 20.000-21.000 đ/kg năm 2005.

2. Xuất khẩu nông, lâm sản tăng mạnh cả về lượng và giá trị

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản năm 2006 ước đạt 7,16 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm trước. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều nhân, cao su tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Các mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm cao su, gạo, cà phê; riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt giá trị gần 2 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cả về lượng và kim ngạch như cao su, chè, hạt điều, hạt tiêu. Giá mặt hàng chè, điều nhân giảm nhưng do lượng xuất khẩu tăng nên kim ngạch vẫn tăng hoặc xấp xỉ năm trước. Riêng mặt hàng cà phê tuy lượng giảm nhẹ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 45,6% do giá tăng mạnh.

3. Thiệt hại rầy nâu, vàng lùn xoắn lá diễn ra trên diện rộng - nguy cơ thiếu gạo

Năm 2006, bệnh vàng lùn, xoắn lá trên lúa đã lan rộng trên các tỉnh, thành phía Nam khiến sản lượng lúa của Việt Nam bị suy giảm, xuất hiện nguy cơ thiếu gạo. Năm 2006, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt gần 4,7 triệu tấn, giảm 10,5% so với năm 2005; kim ngạch ước đạt 1,3 tỷ USD, giảm 8,3% so với năm 2005.

Sự xuất hiện của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu truyền vi rút gây bệnh. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở một số tỉnh có diện tích nhiễm rầy cao như TP.Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Đồng Tháp.

Theo kết quả công bố của Cục bảo vệ thực vật, thiệt hại của bệnh rầy nâu, bệnh vàng lùn, xoắn lá trên lúa diến biến qua các vụ mùa như sau:

Vụ

Tổng thiệt hại (ha)

 

Bệnh rầy nâu

Bệnh vàng lùn, xoắn lá

- Vụ đông xuân 2005-2006

209.039

491

- Vụ hè thu 2006

96.708

43.887,4

- Vụ thu đông và vụ mùa 2006

124.558

131.396

- Vụ đông xuân 2006-2007

136.272

43.900

Tổng thiệt hại

566.577

666.296

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tháng 1 năm 2007

Trong đó, những ruộng lúa dưới 40 ngày sau sạ (giai đoạn đẻ nhánh) nếu có trên 10% số dảnh bị bệnh thì phải tiêu huỷ. Từ ngay 1/10/2006, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho cho nông dân có ruộng lúa phải tiêu huỷ 2 triệu đồng/ha.

Tổng diện tích lúa đã tiêu huỷ trong cả ba vụ lúa là 25.221 ha, trong đó vụ hè thu 14.527 ha; vụ thu đông - mùa: 10.693,8 ha.

Tỷ lệ diện tích tiêu huỷ so với tổng diện tích lúa thuộc diện tiêu huỷ (nhiễm trên 10%) là rất thấp: vụ hè thu 12,2%, thu đông - mùa 19%. Đây là nguyên nhân chính của việc lây lan bệnh từ vụ hè thu cho đến nay vì lúc nào cũng có nguồn bệnh ngoài đồng trên diện tích lớn, phân bố rộng ở trong huyện, trong tỉnh và trong vùng.

4. Dịch bệnh cúm gia cầm và lở mồm long móng gây thiệt hại cho người nông dân

Từ ngày 15/12/2005 đến ngày 05/12/2006 cả nước đã không xảy ra dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, từ ngày 6/12/2006, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 4 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang. Tại 4 tỉnh trên, đến đầu tháng 1 năm 2006, tổng số gia cầm chết, tiêu huỷ lên đến 31.237 vịt và 9398 gà.

Năm 2006, dịch lở mồm long móng đã xảy ra ở nhều tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số tỉnh như Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn, Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Tp.Cần Thơ, và Đồng Tháp đã xảy ra dịch trên diện rộng với số gia súc mắc bệnh nhiều. Tổng số gia súc mắc bệnh trên các địa bàn trên lên đến 37.537 trâu bò và 6.176 lợn.

5. Thiệt hai lớn do thiên tai

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt Bão Trung ương (PCLBTW), , năm 2006 vừa qua, thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra lớn nhất kể từ năm 1971 đến nay. Theo Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt Bão Trung ương ước tính, tổng thiệt hại do thiên tai năm 2006 gây ra là 18.566 tỷ đồng (tương đương hơn 1,19 tỷ USD). Trong đó, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp thống kê được là: tổng diện tích lúa bị ngập là 140.000 ha, trong đó có trên 21.000 ha bị mất trắng, 122.000 ha hoa mầu bị ngập, hư hại, v.v…

6. Ra mắt Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Sát cánh hơn nữa với nông dân

Ngày 7/10/2006, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã chính thức ra mắt, đánh dấu bước chuyển biến mới về chất của ngành khoa học nông nghiệp nước nhà và là cơ hội để khoa học sát cánh hơn nữa với nông dân trong thời kỳ hội nhập.

Viện được hình thành trên cơ sở 10 đơn vị thành viên (các Viện: Di truyền Nông nghiệp, Thổ nhưỡng nông hóa, Bảo vệ thực vật, Cây lương thực và cây thực phẩm, Nghiên cứu rau quả, Nghiên cứu Ngô, Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ, Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ và Trung tâm Tài nguyên thực vật). Viện có 5 Giáo sư, 24 Phó giáo sư, 142 Tiến sỹ và Tiến sĩ khoa học, 303 Thạc sỹ và 911 cán bộ có trình độ đại học trong tổng số 1.765 biên chế. Đến năm 2008, Viện sẽ có thêm 4 đơn vị thành viên nữa...

Viện Khoa học Nông nghiệp sẽ tập trung vào 3 nội dung chính sau đây: (1) Nghiên cứu góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh lương thực cấp hộ gia đình, tiến tới an ninh dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm; (2) Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, kể cả năng lực cạnh tranh về giá và chất lượng nông sản; (3) Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, cải thiện thu nhập của hộ nông dân.

7. Doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong thức ăn gia súc

Cuối năm 2006, liên ngành tiến hành kiểm tra và lấy mẫu xác định chất cấm Clenbuterol trong thức ăn chăn nuôi và tồn dư trong thịt gia súc, gia cầm. Theo kết quả kiểm tra: 11% mẫu thịt lợn có tồn dư chất kích thích và có 6 doanh nghiệp có thức ăn chăn nuôi dương tính với hormon tăng trưởng.

Theo kết quả xét nghiệm, trong số 428 mẫu thịt gia súc, gia cầm (từ 12 tỉnh, thành trong khoảng thời gian từ 20/6-1/11) do Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) chuyển đến, Viện Khoa học Kỹ thuật  Nông nghiệp miền Nam đã phát hiện 11% số mẫu (47 mẫu) có chứa hoóc môn kích thích tăng trưởng. Lượng tồn dư này cao gấp 3-60 lần tiêu chuẩn an toàn.

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, có sáu đơn vị sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi có dương tính với hai chất cấm là clenbuterol và salbutamol. Đây là hai loại chất gây nên rối loạn tim và phổi đã bị cấm sử dụng từ năm 2002.

6 doanh nghiệp đó là: Công ty cổ phần dinh dưỡng Hồng Hà (Hà Nam), Công ty TNHH Uni - President VN, Doanh nghiệp tư nhân dược thú y - thú y thủy sản và sản phẩm nuôi trồng (SAFANUTRO), Công ty TNHH SX-TM Hoàng Long (Bình Dương), Công ty TNHH SX-TM Minh Quân (Đồng Nai),  Công ty TNHH Newhope (TP.HCM).

Clenbuterol và Salbutamol là các chất bị Bộ NN-PTNT cấm sử dụng từ năm 2002. Mặc dù bị cấm nhưng các chất này vẫn được lén lút sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Sự tồn dư của các chất này gây rối loạn chức năng tim và phổi, như tim đập nhanh, run cơ, đau đầu, buồn nôn...

8. Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế

Ngày 7/11/2006 là một bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO. Đặc biệt đối với nước ta là một nước nông nghiệp với 80% dân số đang sinh sống trong nông thôn với ngành nghề chủ yếu là nông lâm ngư nghiệp nên tác động sẽ là rất lớn.

Cam kết WTO về nông nghiệp rất rộng. Ngoài các nguyên tắc chung mà tất cả các ngành kinh tế phải thực hiện như Quy chế tối huệ quốc (MFN), Quy chế đãi ngộ quốc gia (NT), tính minh bạch, các cam kết trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm:

- Mở cửa thị trường hàng hóa (cam kết thuế và loại bỏ hàng rào phi thuế quan)

- Chính sách nông nghiệp (hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu)

- Chính sách hỗ trợ đối với hàng phi nông nghiệp - Hiệp định trợ cấp (Lâm nghiệp, muối)

- Cam kết trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật và VSATTP (hiệp định SPS): nước ta cam kết thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của Hiệp định này ngay khi gia nhập. Với tư cách là nước đang phát triển, ta yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật để thực thi Hiệp định.

- Dịch vụ: Các loại hình dịch vụ trong nông nghiệp (thú y, nông nghiệp, lâm nghiệp), dịch vụ kinh doanh

- Sở hữu trí tuệ: Tham gia công ước UPOV

- Đầu tư: Loại bỏ các hạn chế FDI trong nông nghiệp

9. Việt Nam gia nhập Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV)

Ngày 24/12/2006, Việt Nam đã trở thành Thành viên thứ 63 Hiệp Hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (gọi tắt là UPOV). UPOV được thành lập trên cơ sở Công ước Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (công ước UPOV) được ký tại Paris năm 1961. Công ước có hiệu lực năm 1968 và được sửa đổi lại qua các năm 1972, 1978 và 1991, công ước năm 1991 có hiệu lực vào ngày 24/4/1998.Tổ chức UPOV có trụ sở chính đặt tại Geneve.

Mục đích của  UPOV là khuyến khích phát triển giống cây trồng mới trên những nguyên tắc rõ ràng của quyền sở hữu trí tuệ đối với tác giả giống cây trồng. khuyến khích phát triển giống cây trồng mới mang lại lợi ích cho xã hội.

Tham gia vào UPOV, các tác giả giống cây trồng có thể được bảo hộ trên tất cả các nước thành viên khác và cũng tạo điều kiện để các nhà tạo giống nước ngoài đầu tư vào chọn tạo giống cây trồng mới trên chính đất nước mình.

10. Thái Lan Việt Nam hợp tác trong xuất khẩu gạo

Việt Nam và Thái Lan đã ký Biên bản thỏa thuận (MOU) trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, theo đó hai nước sẽ trao đổi thông tin về gạo và giá gạo theo định kỳ 2 tuần/lần nhằm ngăn chặn các nhà nhập khẩu gạo nước ngoài ép giảm giá gạo. Ngoài ra, hai nước còn cam kết không sử dụng công nghệ sinh học để sản xuất gạo biến đổi gien (GMO) và sẽ tổ chức các cuộc họp báo giải thích về quy trình sản xuất đảm bảo không có GMO.

Hai bên cũng thống nhất quy định tổ chức cuộc họp định kỳ 3 tháng/lần và trong năm 2007 sẽ tổ chức cuộc hội thảo giữa các nhà doanh nghiệp xuất khẩu gạo của hai nước nhằm trao đổi các kinh nghiệm về sản xuất thương mại và giá cả đối với mặt hàng xuất khẩu chiến lược này.


Tin khác