Giải pháp cho thị trường thực phẩm an toàn tại Việt Nam?

21/12/2007

AGROINFO - Trong hai ngày 11 – 12/12/2007, nhóm nghiên cứu về quan hệ giữa thị trường và nông nghiệp ở các thành phố Châu Á - MALICA đã tổ chức hội thảo về chủ đề những yếu tố tác động tới chất lượng ngành hàng thực phẩm và tình hình tiêu dùng thực phẩm tại Việt Nam. Mục đích của hội thảo nhằm tìm hiểu và phân tích những thánh thức về thể chế do những thay đổi này mang lại và các biện pháp nhằm theo kịp những bước phát triển đó.

Tham gia Hội thảo gồm có thành viên nhóm MALICA và các cán bộ nghiên cứu từ nhiều viện nghiên cứu khác như Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Viện nghiên cứu rau quả (RIFAV), Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), Viện xã hội học (IOS) và Trung tâm hợp tác quốc tế nghiên cứu phát triển nông nghiệp Pháp (CIRAD)… Ngoài ra, còn có đại diện từ Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS).

Hội thảo bao gồm 2 phiên họp tổng thể và phần trình bày tham luận theo chuyên đề. Hội thảo đã giới thiệu những kết quả nghiên cứu thực địa trên nhiều sản phẩm như: rau quả, gạo, thịt lợn, gia cầm,… trên cả hai khía cạnh phân tích thị trường và người tiêu dùng.

Trong phiên họp thứ nhất về “Nhu cầu và những thay đổi về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng”, các bài tham luận đã chỉ ra rằng kể từ khi mở cửa nền kinh tế cách đây 20 năm, Việt Nam đã có thay đổi đáng kể trong hệ thống tiêu dùng sản phẩm. Do thu nhập được cải thiện, yêu cầu về chất lượng thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng nâng cao, đặc biệt trong bối cảnh bùng phát hàng loạt bệnh dịch như bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, bệnh nhiễm khuẩn liên cầu lợn, hóa chất sử dụng trong rau quả,…

Trước nguy cơ thực phẩm không an toàn, người tiêu dùng có xu hướng ngày càng quan tâm tới nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và dấu hiệu khác của chất lượng hàng hóa nhiều hơn. Các tham luận cho rằng cần phải thực hiện song song hai giải pháp, trước mắt bình ổn tâm lý người tiêu dùng kết hợp với xây dựng quy trình sản xuất và chế biến an toàn trong toàn bộ chuỗi ngành hàng về lâu dài.

Phiên họp thứ 2 tập trung vào vấn đề “Quản lý và hợp tác nâng cao chất lượng trong ngành thực phẩm”. Các bài trình bày đã đề cập đến một số mô hình thành công như tổ chức rau an toàn tại Hà Tây, vai trò của tổ chức nông dân và nhà nghiên cứu trong việc giúp nông dân chăn nuôi qui mô nhỏ tiếp cận các kênh phân phối thịt lợn chất lượng tại Việt Nam. Hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ lành mạnh về sinh thái và tiêu dùng cũng được giới thiệu tại hội thảo.

Các tham luận nhấn mạnh đến vai trò của cải cách thể chế đối với việc nâng cao chất lượng trong ngành thực phẩm, như tăng cường sự giám sát của nhà nước, tăng cường vai trò của khu vực tư nhân hoặc các tổ chức nông dân trong quản lý chất lượng thực phẩm.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng bàn về những cơ hội và thách thức của nền nông nghiệp khi Việt Nam gia nhập WTO. Mặc dù nông sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng của các mặt hàng nhập khẩu nhưng các nhà nghiên cứu tỏ ra lạc quan trước những lợi ích của việc gia nhập WTO đem lại cho nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và động lực cải cách trong nước. Hội thảo cũng đề xuất cách thức Việt Nam tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro qua áp dụng các chính sách “hộp xanh”.

Các bài trình bày của Hội thảo MALICA 2007 có thể được tìm thấy tại địa chỉ:

http://www.malica-asia.org/vn/trang-chu/


Tin khác