Nghiên cứu chính sách: “Chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai”

24/12/2007

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một viện nghiên cứu chính sách độc lập ra đời, tập hợp những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu của đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) đã có cuộc trò chuyện với báo giới.

“Từ sự độc lập, các thành viên của Viện sẽ có những tư duy mới, suy nghĩ độc lập chắc chắn sẽ ra đời những ý tưởng mới, những nghiên cứu có tính phản biện cao, tạo nên một làn sóng mới của ý kiến mới mẻ.”

Đâu là điểm khác biệt, là lợi thế của IDS so với các viện nghiên cứu nhà nước, thưa ông?

Có hai điểm sẽ nhìn thấy rõ nhất về Viện chúng tôi: độc lập và mở. Các nghiên cứu của chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai, Nhà nước, Chính phủ, các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân nào, kể cả các nhà tài trợ cho chúng tôi.

Chúng tôi hoàn toàn độc lập. Thậm chí quan điểm của các thành viên trong Viện cũng có thể khác nhau và chúng tôi tôn trọng các ý kiến đó. Viện sẽ không có quan điểm riêng về bất kỳ vấn đề gì.

Thứ hai, Viện sẽ là một tổ chức nghiên cứu mở về nhiều nghĩa. Về mặt tổ chức, Hội đồng Viện sẽ là một Hội đồng mở, mời tất cả các nhà khoa học, doanh nhân, chính khách tham gia tùy vào thời điểm thích hợp. Viện cũng sẽ không giới hạn các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia. Mở cũng có nghĩa là nghiên cứu đa ngành, có cái nhìn đa ngành trong tổng thể phát triển.

Tôi nghĩ điểm khác biệt cũng là lợi thế của chúng tôi. Từ sự độc lập, các thành viên của Viện sẽ có những tư duy mới, suy nghĩ độc lập chắc chắn sẽ ra đời những ý tưởng mới, những nghiên cứu có tính phản biện cao, tạo nên một làn sóng mới của ý kiến mới mẻ.

Tại sao bây giờ mới có Viện này ?

Thực ra những Viện nghiên cứu như thế này đã ra đời từ thế kỷ trước ở các nước phát triển. Ở Việt Nam không ai cấm, nhưng nhiều người cũng mơ hồ, người ta cứ nghĩ ra đời một Viện như thế này phải xin phép rất khó khăn.

Tôi nhấn mạnh: lâu nay có những quyền mà người dân không biết. Những việc pháp luật không cấm thì người dân hoàn toàn có thể làm. Có thể việc ra đời Viện này cũng là một dấu hiệu cho thấy người dân còn có rất nhiều quyền mà chưa được sử dụng đến.

Ông đánh giá khả năng cạnh tranh của Viện thế nào?

Tôi vốn là một người mê cạnh tranh. Chúng tôi ủng hộ cạnh tranh, nền khoa học Việt Nam chưa có nhiều sự cạnh tranh, chúng tôi muốn sự ra đời của Viện thực sự là một sự cạnh tranh với các viện của Nhà nước. Có cạnh tranh thì khoa học Việt Nam mới phát triển, mới hiệu quả và chất lượng được nâng cao. Viện sẽ là một dạng "think tank" (viện nghiên cứu chính sách phổ biến ở các nước phát triển).

Có lẽ khó khăn lớn nhất của các ông là tiếp cận thông tin?

Đúng vậy, là một tổ chức độc lập, đó là một bất lợi cho chúng tôi trong việc tiếp cận thông tin. Nhưng chúng tôi không quan tâm và không cố gắng tiếp cận những bí mật quốc gia, những thông tin bị cấm.

Chúng tôi muốn những loại thông tin không thuộc loại trên phải được công khai, để chúng tôi có quyền tiếp cận. Chúng tôi đang tính đến việc vận động để cho ra một luật về cung cấp thông tin công khai cho người dân. Đó là quyền chính đáng của công dân được tiếp cận thông tin chính thức từ Nhà nước.

Hoạt động trước mắt của Viện, thưa ông?

Trước mắt, chúng tôi sẽ tiến hành các hội thảo định kỳ trong tuần thứ nhất và tuần thứ ba của tháng, mở cho tất cả những ai quan tâm. Ngoài ra sẽ có các hội thảo bất thường. Viện cũng sẽ liên kết với các phương tiện truyền thông, nhà xuất bản để công bố các nghiên cứu của mình.

Viện IDS đã có một buổi làm việc thú vị với nhóm tác giả của nghiên cứu "Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam" của trường John F.Kennedy School of Government, Đại học Harvard Hoa Kỳ.

Ngày 7/12, Viện đã tổ chức buổi seminar định kỳ đầu tiên của mình về "cải cách giáo dục nhìn từ khía cạnh kinh tế học". Chúng tôi cùng Nhà xuất bản Tri Thức tổ chức các seminar định kỳ vào 14 giờ thứ sáu tuần thứ nhất và tuần thứ ba hằng tháng tại 53 Nguyễn Du (Hà Nội) và hoan nghênh tất cả những người quan tâm đến dự. Chúng tôi cũng tham gia và có báo cáo tại hội thảo "Đổi mới tài chính dịch vụ bệnh viện" do Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế tổ chức tại Hà Nội ngày 11.12.2007.

Ông kỳ vọng thế nào vào tương lai của Viện?

Chúng tôi phấn đấu sẽ phát triển thành một viện nghiên cứu chính sách lớn mạnh ở Việt Nam trong việc thực hiện các nghiên cứu và cung cấp dịch vụ về chiến lược, kế hoạch phát triển cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân trong cũng như ngoài nước.

Khuôn khổ lý luận sẽ dựa trên nghiên cứu lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và khu vực để phân tích các chính sách hiện hành trên tinh thần phê phán và xây dựng, qua đó kiến nghị các lựa chọn cải thiện chính sách. Và những kết quả đó sẽ được công bố chứ không phải để "đắp chiếu". Đào xới vấn đề lên, khuấy động thành một phong trào, để tất cả những người dân, trí thức tham gia, đặc biệt là trí thức trẻ.

Đâu là những ưu tiên trước mắt của Viện?

Trong 6 tháng tới, chúng tôi cũng sẽ đi vào một số vấn đề trọng tâm: giáo dục-đào tạo, và y tế hai hệ thống cốt tử của xã hội. Ngoài ra là hệ thống an sinh xã hội, lương bổng, trợ cấp thất nghiệp, chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, Hội đồng Viện đã xác định 3 đề tài nghiên cứu cho đến hết tháng 6/2008. Thứ nhất là cải cách giáo dục và y tế nhìn từ khía cạnh kinh tế học, kinh nghiệm quốc tế và khu vực, các khuyến nghị chính sách.

Thứ hai, một số vấn đề về nông thôn và nông dân; trước mắt nghiên cứu vấn đề di cư từ nông thôn vào thành thị, các vấn đề đô thị hóa khác có liên quan; các hình mẫu đã biết của quá trình di cư trên thế giới trong 200 năm qua, tình hình ở Việt Nam và các nước lân cận, những hệ lụy đô thị hóa hay đô thị hóa nông thôn, các hệ lụy xã hội, kinh tế nông thôn...

Thứ ba là chất lượng tăng trưởng kinh tế và những kiến nghị chính sách.

* Viện Nghiên cứu phát triển (Institutes of Development Studies IDS) là tập hợp một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập: Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Tương Lai, bà Phạm Chi Lan, Giáo sư Phan Huy Lê, ông Trần Đức Nguyên, ông Trần Việt Phương, Giáo sư Hoàng Tụy. Hội đồng Viện cử ông Nguyễn Quang A làm Viện trưởng và bà Phạm Chi Lan làm Phó viện trưởng.


Tin khác