WTO: “Thuốc thần” hay “cạm bẫy”?

14/01/2008

Đã tròn một năm, kể từ ngày Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thời gian chưa đủ dài để có thể đánh giá toàn diện và sâu sắc tác động nhiều mặt của sự kiện này. Nhưng những gì diễn ra trong năm 2007 đã có thể cho ta cái nhìn tổng quát.

Không là "thuốc thần", cũng không phải "cạm bẫy "

Nhớ lại những ngày đầu cách đây một năm, khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) không khí thật phấn khởi, sôi động. Dẫu vậy, đa số đều có cái nhìn điềm tĩnh. Cái điềm tĩnh thể hiện bản lĩnh Việt Nam, một bản lĩnh được tôi rèn qua lịch sử dựng nước và giữ nước với bao gian nan, khốc liệt và những khúc ca bi tráng.

Họ hiểu rằng, gia nhập WTO chỉ là tiền đề, là điều kiện phát triển của đất nước trong nền kinh tế thế giới đang được toàn cầu hoá một cách sâu sắc. Nó không phải là điều kiện đủ cho mọi thành công của một quốc gia trong cạnh tranh quốc tế. WTO chỉ tạo ra cơ hội.

Và, cùng với những cơ hội, nó cũng đem đến những thách thức. Có tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức hay không là tuỳ thuộc vào nỗ lực của chúng ta, của Nhà nước, doanh nghiệp và mọi người dân chúng ta.Tận dụng được cơ hội sẽ vượt qua được thách thức, tạo ra cơ hội mới lớn hơn. Ngược lại, không tận dụng được cơ hội thì thách thức sẽ lấn át, và chuyển thành những khó khăn dài hạn rất khó khắc phục. ở đây, tạo ra những tiền đề, những yếu tố để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức luôn là biện chứng của sự phát triển.

Thực tiễn đất nước một năm qua cho ta thấy: không có sự phát triển diệu kỳ, cũng không có tai hoạ ập đến. Rõ ràng WTO không là "phương thuốc thần", cũng không phải "cạm bẫy".

Cơ hội và thách thức lộ rõ

Tăng thu hút đầu tư nước ngoài là cơ hội lớn nhất mà chúng ta có được sau một năm gia nhập WTO. Nhờ ban hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp áp dụng chung cho các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hàng loạt các đạo luật khác để phục vụ đàm phán gia nhập, chúng ta tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, và không phân biệt đối xử; các yếu tố kinh tế thị trường ngày càng hình thành đồng bộ.

Nhờ là thành viên WTO, nền kinh tế nước ta được kết nối chặt chẽ với nền kinh tế các thành viên khác, tạo ra thị trương rộng lớn cho đầu tư và kinh doanh.

Đây là những điều kiện khuyến khích đầu tư từ các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2007 tổng vốn FDI đăng kí lên tới 20,3 tỉ USD, tăng gần gấp đôi so với 2006. Đầu tư khu vực dân doanh trong nước cũng tăng cao, là yếu tố quyết định thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm và bảo đảm tăng trưởng.Thị trường xuất khẩu được mở rộng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 2007 đạt 48,4 tỉ USD tăng 21,5% so với 2006. Và có ba điểm đáng chú ý. Thứ nhất, nhờ gia nhập WTO, hạn ngạch dệt may được loại bỏ, xuất khẩu mặt hàng này đạt 7,8 tỉ USD tăng 33,4% so với năm 2006, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thứ hai, xuất khẩu nhóm các mặt hàng khác (trong đó có các sản phẩm cơ khí) mà chúng ta không thống kê cụ thể được tăng gần 40% chiếm gần 20% tổng kim ngạch.

Thứ ba, lần đầu tiên trong nhiều năm, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng cao hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (22,1% so với 18,1%).

Nhờ đầu tư tăng, thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa được mở rộng, GDP năm 2007 tăng 8,46% là mức tăng cao nhất trong 10 năm lại đây.Tuy xuất khẩu tăng nhưng mức tăng không cao như nhiều người mong đợi, cũng không cao như Trung Quốc đạt được trong những năm đầu khi gia nhập WTO nhưng đây là điều đã được tiên lượng.

Trong tờ trình Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập, Chính phủ đã báo cáo rõ: xuất khẩu sẽ tăng nhưng sẽ không có đột biến. Lí do: muốn tăng xuất khẩu, trước hết phải có hàng xuất khẩu.

Trong khi đó, nhiều năm nay cơ cấu hàng xuất khẩu của ta chuyển dịch chậm, khoáng sản và nông sản chiếm tỉ trọng lớn, hàng công nghiệp chủ yếu lại là gia công - công đoạn có giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị (Khâu gia công, lắp ráp nằm ở phần đáy của đường parapol chuỗi giá trị). Đây chính là hạn chế có tính cơ cấu tích tụ từ nhiều năm mà chúng ta chưa có giải pháp quyết liệt để xử lí.

!!

Câu chuyện nhập siêu...

Trong bức tranh kinh tế sáng sủa của năm 2007, đã xuất hiện những mảng xám. Trước hết là nhập siêu tăng cao. Năm 2007 nhập khẩu lên tới 60,8 tỉ USD, nhập siêu 12,4 tỉ USD chiếm 25,6% giá trị xuất khẩu, mức cao nhất trong 15 năm qua. Có thể có người cho đây là hệ quả của WTO.

Hơn nữa, ta phải nhập khẩu hầu hết các vật tư, nhiên liệu cho sản xuất kể cả sản xuất hàng xuất khẩu. Đây là hệ quả của một mô hình tăng trưởng không hợp lí tồn tại từ nhiều năm: Sản phẩm thay thế nhập khẩu không cạnh tranh được, sản phẩm xuất khẩu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ không phát triển thì nhập siêu tăng là điều dễ hiểu.

WTO không phải là tội đồ của tình hình này, tác động của các hiệp định mậu dịch tự do ASEAN, ASEAN - TQ còn mạnh hơn nhưng vẫn không phải là nguyên nhân chính. Nó chỉ làm bộc lộ các yếu kém từ lâu của nền kinh tế, của một mô hình tăng trưởng không hiệu quả.

Đến giá cả tăng cao

CPI tăng cao đã được bàn luận nhiều trong các cuộc họp và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã có nhiều nhận định, luận giải khác nhau. Lúc đầu nhiều người cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do giá thị trường thế giới tăng cao, làm thị trường trong nước tăng theo. Chính vì thế, liều thuốc đưa ra là giảm thuế nhập khẩu.

Nhưng nếu vậy, thì giải thích thế nào khi các nước cũng bị tác động của thị trường thế giới mà mức tăng giá thấp hơn nhiều so với mức tăng giá của Việt Nam. Do dòng đầu tư nước ngoài và kiều hối đổ mạnh vào nước ta, để giữ cho đồng USD không bị xuống giá so với đồng Việt Nam, ảnh hưởng đến xuất khẩu và để tăng dự trữ ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra cả trăm ngàn tỉ đồng Việt Nam để mua USD. Cùng với tăng tiền Việt trong lưu thông, mức tín dụng năm 2007 cũng tăng mạnh với tốc độ 35% so với 2006. Đây chính là sức ép chủ yếu lên mặt bằng giá nước ta trong năm 2007.

Rõ ràng, toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế với sự dịch chuyển tự do các luồng vốn đặt ra những thách thức cho quản lí vĩ mô trong đó có công tác dự báo và khả năng phản ứng chính sách. Các cơ quan quản lí nhà nước của ta đã không phản ứng tốt trước thách thức này.

Tuy nhiên, nếu nhìn toàn diện, theo quan điểm của chúng tôi, lạm phát ở nước ta vừa có nguyên nhân từ yếu tố tiền tệ vừa có nguyên nhân từ chi phí đẩy ở nước ta cao hơn nước khác, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (nhập khẩu bằng 96,3% GDP) nên giá thị trường trong nước chịu tác động của thị trường thế giới nhiều hơn các nước khác cũng là điều dễ hiểu, chưa kể đến các trường hợp ta chủ động điều chỉnh giá một số hàng hoá theo thị trường.

Dù cho nguyên nhân tiền tệ vẫn là chủ yếu.Có ý kiến cho rằng: Nếu lượng tiền trong lưu thông không tăng thì dù giá thế giới có tăng thì giá trong nước cũng không thể tăng được vì khi đó, khả năng thanh toán sẽ giảm đi và do đó CPI bình quân không tăng được.

Theo chúng tôi, trong trường hợp đó sẽ có sự dịch chuyển nhu cầu. Người ta sẽ dồn cho những nhu cầu bức thiết nhất. ở nước ta, với mức sống còn thấp những nhu cầu sau đây sẽ được ưu tiên và đây lại là các mặt hàng có quyền số giá cao nhất: luơng thực thực phẩm: 42,85%, nhà ở, vật liệu xây dựng: 9,99%, giao thông, bưu điện: 9,04%. Đây cũng là những mặt hàng có mức tăng giá cao nhất.

Thay cho lời kết

Năm 2008, vốn ODA cam kết đạt 5,4 tỉ USD, FDI và kiều hối còn tiếp tục tăng cao. Vấn đề là làm thế nào tiếp thụ hết và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn này, khống chế được lạm phát mà không hi sinh tiềm năng tăng trưởng của đất nước. Muốn vậy, cần giải quyết tốt các yêu cầu sau: Tăng năng lực quản trị nhà nước trên cơ sở tư duy hệ thống và cái nhìn điềm tĩnh.Tập trung cao để đẩy nhanh xây dựng một số công trình giao thông, năng lượng thiết yếu đi đôi với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã có quyết định đầu tư, đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Lựa chọn đúng chiến lược cải cách giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế. Xây dựng đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tập trung cao hơn cho nông nghiệp và nông thôn. Những nội dung trên đây phải là trọng tâm trong chương trình hành động của chúng ta.


Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - Trương Đình Tuyển

Tin khác