Kết luận của Bộ trưởng về công tác chỉ đạo điều hành 2007 và nhiệm vụ 2008

14/01/2008

Thông báo số: 187/TB-BNN ngày 08 tháng 01 năm 2008 Ý kiến kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành năm 2007, nhiệm vụ năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 02/01/2008, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành năm 2007, nhiệm vụ năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự hội nghị có đồng chí Tạ Quang Ngọc- nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản; đồng chí Phạm Hồng Giang- nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đồng chí Thứ trưởng; Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra, Ban Đổi mới và QLDN, Văn phòng Bộ, Văn phòng Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam, Trung tâm, Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ; Công đoàn Nông nghiệp- PTNT Việt Nam; Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên cơ quan Bộ.  

Hội nghị đã nghe 4 báo cáo: Báo cáo triển khai kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2008; báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2007, chương trình công tác năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2007 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2008; báo cáo kết quả công tác thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2007 và nhiệm vụ năm 2008. 

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các đại biểu dự họp, ý kiến phát biểu của đồng chí Tạ Quang Ngọc, đồng chí Phạm Hồng Giang và các đồng chí Thứ trưởng, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận Hội nghị như sau:

            1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch của ngành năm 2007 với nhiều thuận lợi và khó khăn

Về thuận lợi, lĩnh vực nông nghiệp và PTNT tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạo điều kiện cho Bộ xử lý kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Về khó khăn, năm 2007 là năm thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm, thuỷ sản diễn biến phức tạp; các rào cản của nhiều thị trường trên thế giới; giá cả phân bón, xăng dầu, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh; việc sáp nhập 2 Bộ cũng ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành của Bộ.

Tuy vậy, với sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Bộ, sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành nông nghiệp và PTNT đã đạt được những kết quả quan trọng: giá trị sản lượng toàn ngành tăng 4,6%; giá trị gia tăng tăng 3,4% so với năm 2006; an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo, xuất khẩu tăng mạnh; nông thôn tiếp tục đổi mới, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện.

            2. Công tác chỉ đạo điều hành của Bộ tiếp tục được đổi mới

- Bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước và những nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, bám sát yêu cầu thực tiễn để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ kế hoạch của ngành và chương trình công tác của Bộ. Đặc biệt, Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất như phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn xoắn lá; dịch tai xanh, lở mồm long móng; cúm gia cầm, bệnh tôm Hùm; đối phó với thời tiết ấm bất thường ở miền Bắc; phòng chống lụt bão, hạn hán, phòng chống cháy rừng, chặt phá rừng.

- Chủ động chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, phát triển nông thôn và cải thiện đời sống nhân dân.

- Chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc 2 Luật: Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,  xác định đó là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống và ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực, sai phạm.

- Ngay sau khi sáp nhập, Bộ sớm ổn định tổ chức và nhân sự, làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giữ vững sự đoàn kết nhất trí để tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao của Bộ, không để việc sáp nhập làm ảnh hưởng đến các hoạt động chung của Bộ.

            3. Tuy nhiên, trong chỉ đạo điều hành của Bộ vẫn còn một số hạn chế

- Trong chỉ đạo sản xuất, mặc dù Bộ chỉ đạo quyết liệt, nhưng hiệu quả trên một số lĩnh vực còn hạn chế, như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, thiếu ổn định và bền vững, sản xuất một số cây trồng, vật nuôi còn mang tính tự phát, (cây sắn, cá tra), chất lượng nhiều loại nông sản còn thấp, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn nhiều nhiều bức xúc trong xã hội.

- Phát triển nông thôn chậm có bước chuyển biến đồng bộ, đời sống nông dân nhiều vùng còn chậm được cải thiện, môi trường nông thôn bị suy thoái, đe doạ sự phát triển an toàn, bền vững, nhất là về thuỷ sản.    

.           - Mặc dù Bộ đã quan tâm chỉ đạo đổi mới công tác quản lý khoa học công nghệ và khuyến nông, khuyến ngư, nhưng sự chuyển biến còn chậm, hiệu quả chưa tương xứng với nguồn vốn đầu tư. 

            - Chưa đề xuất được chính sách để khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh ngiệp FDI; công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước không đạt kế hoạch, đặc biệt là công tác sắp xếp đổi mới các nông lâm trường quốc doanh của các địa phương, các hợp tác xã chưa có sự đổi mới mạnh mẽ.

            - Việc giải ngân vốn đầu tư XDCB còn chậm, mới thực hiện giải ngân tốt nguồn vốn ngân sách tập trung. Việc giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp chậm.

            - Cải cách hành chính của Bộ có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, như trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều lĩnh vực chồng chéo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên cản trở lẫn nhau. Việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có kết quả bước đầu, nhưng chưa có chuyển biến rõ nét, thậm chí có nơi còn thực hiện hình thức đối phó, dẫn tới còn nhiều sai phạm chưa được phát hiện kịp thời, gây hậu quả xấu.

            4. Năm 2008, bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ đề ra, công tác chỉ đạo điều hành của Bộ ưu tiên tập trung vào những nhiệm vụ sau:

            (1) Tập trung công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành từ 3,5-4%.

            a. Các Cục, Vụ chủ động rà soát các quy hoạch để chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở các lĩnh vực, từng khu vực, làm căn cứ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy thế mạnh của từng vùng, từng khu vực;  đảm bảo sự phối hợp giữa nông-lâm-thuỷ sản, thuỷ lợi, giữa sản xuất với chế biến. Ban hành các quy chế, quy định về quản lý quy hoạch. Trong lĩnh vực thuỷ sản phải khẩn trương có quy định về quản lý quy hoạch vùng nuôi, điều kiện nuôi cá tra, ba sa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm.

            b. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và đổi mới chuyển giao khoa học công nghệ, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn. Vụ Khoa học công nghệ thống nhất với các Cục xác định các đề tài nghiên cứu hướng vào mục tiêu của ngành. Khắc phục tình trạng chậm trễ trong xét duyệt đề cương, dự toán đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu.

            Đổi mới công tác khuyến nông khuyến ngư quyết liệt theo chương trình, đề án, hướng vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các đề tài nghiên cứu, các dự án khuyến nông, khuyến ngư.

            Chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, lấy năm 2008 là năm “an toàn vệ sinh thực phẩm nông nghiệp”, xác định rõ các mục tiêu, biện pháp để chỉ đạo nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong năm 2008.

            Quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, đặc biệt đối với lĩnh vực thuỷ sản và cần có đề án cụ thể để triển khai.

            c. Tăng cường công tác chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI để phát triển nông nghiệp, nông thôn; đổi mới hoạt động hợp tác xã, nông lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp nhà nước; gắn đổi mới doanh nghiệp với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung để thay thế hình thức sản xuất manh mún, phân tán, phát triển kinh tế trang trại.

            d. Tiếp tục chủ động và tập trung chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm, thuỷ sản, phòng chống thiên tai để bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân.

            (2) Đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân:

            a. Trong quý I/2008 tập trung hoàn thành Đề án “Tam nông” để Bộ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chỉ đạo triển khai Đề án ngay sau khi được phê duyệt.

            b. Các Vụ, Cục theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, dự án đã có, như dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình 135, 134, nước sạch và VSMTNT, di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La.

            c. Quan tâm ưu tiên phát triển các vùng khó khăn như vùng núi phía Bắc và vùng bãi ngang ven biển.

            (3) Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực:

            a. Chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án XDCB nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA. Chủ động chuẩn bị các dự án cần đầu tư của giai đoạn 2011-2015 thuộc các lĩnh vực thuỷ lợi, nông, lâm, thuỷ sản, muối. Tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý XDCB đảm bảo thông thoáng nhưng chặt chẽ, chống thất thoát, tham nhũng và phải đảm bảo chất lượng công trình.

            b. Rà soát để sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, định mức trong các khâu tư vấn, thiết kế, thi công đối với công trình thuỷ lợi phù hợp với xu thế phát triển của KHCN và diễn biến bất thường của mưa, lũ, bão, hạn hán.

            c. Xây dựng và triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các trường thuộc Bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn. 

            (4) Tiếp tục chỉ đạo tăng cường thể chế và cải cách hành chính:

 a. Ngay từ đầu năm 2008, tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức của Bộ theo Nghị định mới của Chính phủ.

            b. Vụ Tổ chức cán bộ tập hợp gửi Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc khối Cục, Vụ Nghị định 01/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các  dự thảo quyết định của Bộ trưởng về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị để các đơn vị góp ý kiến lần cuối trước khi trình Bộ trưởng ký ban hành.

            c. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Các Vụ, Cục chủ động triển khai công việc của đơn vị mình, phối hợp chặt chẽ để xử lý nhanh những vấn đề có liên quan đến nhiều đơn vị, tránh chồng chéo, chậm trễ; tiếp tục đề xuất phân cấp cho địa phương, cơ sở nhưng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

            d. Tiếp tục rà soát, đơn giản hoá và công khai hoá thủ tục hành chính. Các Cục hoàn thiện mô hình  “một cửa”; phối hợp với Văn phòng đề xuất mô hình “một cửa” liên thông của Bộ.

            (5) Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt lưu ý khối doanh nghiệp, các  đề tài dự án, xây dựng cơ bản, tài chính; chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời tiêu cực, sai phạm. Các Vụ, Cục và từng cán bộ, công chức phải tham mưu đúng pháp luật cho Lãnh đạo Bộ trong xử lý công việc.


Tin khác