Khoa học công nghệ Việt Nam: Thừa tiền - thừa người - thiếu thành tựu

03/06/2008

Ngày 2.6, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN), Quỹ phát triển KHCN Quốc gia và các nhà KH đầu ngành bàn phương hướng đầu tư, tài trợ cho nghiên cứu khoa học (NCKH). Trước đó, Quốc hội cũng đã thảo luận dự án Luật CN cao.  

Tuy nhiên hàng chục năm qua, giới KHVN đau đáu với câu hỏi: KHVN đang đứng ở đâu? Câu trả lời là KHVN đã tụt hậu xa so với các nước và tiếp tục có nguy cơ tụt hậu.

Nhưng có một nghịch lý là KHVN thừa tiền (?) - thừa người (?) - song lại thiếu sáng chế, phát minh, thành tựu KH.

Nghịch lý KHCN

Cách đây hơn 10 năm, VN đã coi KHCN là lĩnh vực cần đột phá. Điều này thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 (1996) với nội dung: Nắm bắt CN cao... đi nhanh vào hiện đại ở những khâu quyết định... xây dựng tiềm lực KHCN cho một số lĩnh vực trọng điểm...

Tuy nhiên hơn 10 năm sau, KHCN của VN đã tụt hậu xa so với khu vực và thế giới. Trước đây và cho đến tận bây giờ, giới KHVN vẫn cho rằng Chính phủ đầu tư cho KHCN thấp cho nghiên cứu khoa học (NCKH). Nhưng 2 năm qua nghịch lý đã diễn ra: Các nhà KH kêu thiếu tiền, thiếu trang thiết bị thì Bộ KHCN lại phải hoàn trả tiền đầu tư năm 2007 hơn 120 tỉ và năm 2006 hơn 300 tỉ.

Đến đây, giới KH trách bộ đã không đầu tư để phát triển KHCN; trong khi bộ cho rằng không thể chi tiền cho những dự án không hiệu quả (?). Số liệu của bộ này năm 2006 cho thấy chỉ khoảng 10% nhiệm vụ được Hội đồng KHCN quốc gia phê duyệt.

Cùng với nghịch lý thừa tiền thì có một nghịch lý... ghê gớm hơn là thừa người, nhưng lại thiếu phát minh, thành tựu. Gọi là thừa người bởi theo thống kê thì VN có số lượng TS, thạc sĩ lên tới gần 4 vạn người và hơn 6.000 GS và phó GS.

Theo GS Phạm Duy Hiển thì con số này cao gấp 3 lần Thái Lan. Thế nhưng 10 năm qua, số lượng NCKH đạt chuẩn quốc tế của Thái Lan lại cao gấp 8 lần VN. Hay như Malaysia (dân số ít hơn VN 3 lần) có hơn 13.000 bài báo KH quốc tế thì VN chỉ có được hơn 4.000 bài.

Với con số này, GS Hiển đưa ra tỉ lệ trong cả một thập kỷ, mỗi GS và phó GS chưa có nổi 1 NCKH đóng góp cho KH thế giới. Đấy là còn chưa nói đến việc các NCKH của VN dù được đăng tải, song cũng thường... chìm nghỉm sau khi công bố.

Đặc biệt tại hội thảo về sở hữu trí tuệ (SHTT - tổ chức tháng 5.2008), các tổ chức KH thế giới công bố những con số đáng buồn về KHVN. Cụ thể giai đoạn 2002 - 2007, Singapore có hơn 2.500 đơn, Philippines có 116 đơn, Thái Lan có 53 đơn thì VN chỉ có 26 đơn đăng ký sáng chế quốc tế. Tất cả nghịch lý trên dẫn đến kết luận của các nhà KH là: KHVN mới đạt trình độ của Thái Lan cách đây 20 năm, nhưng phải mất 100 năm nữa mới đuổi kịp họ. Nếu so với các nước khác thì còn tụt hậu quá xa.

Đâu là rào cản?

Tại hội thảo về SHTT mới đây, các chuyên gia quốc tế nhận định, VN kém cỏi trong thương mại và ứng dụng thành tựu KH. Đây là rào cản khiến cho NCKH hoặc không phát huy tác dụng trong đời sống, hoặc không mang lại giá trị kinh tế cho đất nước và nhà KH. Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân bao cấp và hành chính trong KH.

Sự bao cấp và hành chính này còn tạo nên hệ lụy là tình trạng công nhận chức danh, học hàm, học vị tràn lan không theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính từ "đầu vào" kém chất lượng đã tạo nên tình trạng "thừa người - thiếu thành tựu". Đồng thời cũng tạo nên sự thiếu nghiêm túc, lảng tránh các chuẩn mực quốc tế trong KH.

Bên cạnh đó, bất cập này còn tạo nên tình trạng số đông nhà KH ỷ lại vào Nhà nước, thậm chí là gian dối, trong khi các nhà KH khác bất mãn vì bị đối xử không công bằng. Thống kê KH cho thấy không ít nhà KHVN hiện nay chưa hề có đề tài được công nhận trên các tạp chí KH quốc tế. Trong khi đó, 80% NCKH của VN là hợp tác với nước ngoài.

Đặc biệt, tình trạng hành chính hoá này còn gây lãng phí lớn tài nguyên nhân lực. Theo tính toán của Bộ KHCN thì hiện có tới 70% TS không NCKH mà làm hành chính, quản lý... Rào cản cuối cùng là VN đang thiếu cơ chế cho KH phát triển.

Cụ thể dù từ năm 1996 lãnh đạo VN đã xác định KHCN là trọng tâm, song cũng phải đến tận bây giờ, VN mới đang bắt tay vào xây dựng dự luật CN cao (vừa thảo luận tại kỳ họp QH); cũng cho đến tận đầu năm 2008, VN vẫn loay hoay tìm cách để phân bổ kinh phí đầu tư cho KH cơ bản sao cho hợp lý...

Từ hiện thực trên, giới KH cho rằng cần định hướng lại KHVN. Cụ thể, nhất thiết phải phá bỏ rào cản bao cấp và hành chính. Điều này đang được thực thi bằng việc xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của KHCN. Bên cạnh đó, các nhà KH cho rằng KH lý thuyết cần tuân theo chuẩn mực quốc tế; KH thực nghiệm cần gắn với thành tựu, đặc biệt là gắn với DN để tăng cường khả năng ứng dụng, giá trị thương mại và xã hội hoá KH.

Cuối cùng, VN cần tận dụng và phát huy nguồn nhân lực bậc cao này bằng chính sách trọng dụng nhân tài thông qua cơ chế thưởng KH. Các nhà KH cho rằng: Nếu không tuân thủ những chuẩn mực, lẫn lộn giữa KH và hành chính thì KHVN không thể có nền tảng tốt. Nếu không có nền tảng tốt thì KHVN mãi chỉ mò mẫm và khó lòng có được tinh hoa.

Đầu tư nhiều hay ít? Ngân sách đã đầu tư cho NCKH khoảng 400 triệu USD/năm, nhưng không phát huy hiệu quả. Xuất hiện tư duy "đánh quả" và thiếu chuyên nghiệp trong KHCN.

Hiện VN có tới 18 phòng thí nghiệm trọng điểm (đầu tư từ năm 2001), trị giá hơn 1.200 tỉ đồng, nhưng chưa có được thành tựu KHCN.(Bộ KHCN)

Phạm Anh - Minh Đồng

Tin khác