Giải pháp nào cho TTCK Trung Quốc?

15/07/2008

TTCK Trung Quốc đã có nhiều đợt giảm điểm trong thời gian qua. Nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ và một câu hỏi được đặt ra là: những đợt giảm điểm như vậy có phải là dấu hiệu của một nền kinh tế "có vấn đề"?

Thực tế thì nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước tăng trưởng nhảy vọt trong vòng hai thập kỷ vừa qua và TTCK Trung Quốc là một trong những điểm nóng nhất trên thế giới trong năm 2007. Tuy nhiên, hiện tại thì cả nền kinh tế lẫn TTCK Trung Quốc đang phải chịu những áp lực từ những yếu tố bên ngoài cũng như nội tại.

Nền kinh tế của Trung Quốc theo trường phái cổ điển của các nước Đông Á dựa nhiều vào yếu tố nước ngoài với định hướng xuất khẩu. Chính phủ thường tác động tới giá của các yếu tố sản xuất đầu vào để có thể thu hút thêm nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài và qua đó, giữ được mức giá cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu. Mô hình phát triển này đang gặp phải những bất lợi bởi nhu cầu hàng hoá giảm trên toàn cầu và giá thành các nguyên vật liệu đầu vào đang tăng chóng mặt. Trong hoàn cảnh đó, những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chịu tác động mạnh nhất.

Để có thể thoát khỏi nguy cơ này, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc cần làm chậm lại quá trình tăng trưởng kinh tế "nóng", giảm bớt tốc độ đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời, phải xây dựng một hệ thống tài chính đủ mạnh để có thể "chịu đựng" được các "cú sốc" từ bên ngoài.

Quay trở lại TTCK vốn đã và đang phản ánh tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế. Lợi nhuận của nhiều công ty niêm yết, vốn là những công ty sản xuất với định hướng xuất khẩu, được dự báo sẽ tiếp tục giảm dưới tác động của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các yếu tố nội tại của nền kinh tế Trung Quốc cũng có những ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK. Chính sách tiền tệ thắt chặt khó có thể được nới lỏng trong ngắn hạn do sức ép về kiềm chế lạm phát cũng như áp lực từ dòng vốn ngoại có tính chất đầu cơ vẫn đang tìm đường vào TTCK Trung Quốc. Do vậy, chi phí vay vốn của các doanh nghiệp niêm yết tăng lên, theo nguyên lý kinh tế, lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.

Vấn đề là TTCK Trung Quốc chưa phải là một thị trường phát triển thực sự. Một thị trường phát triển không chỉ là nơi để các doanh nghiệp tìm kiếm vốn, mà còn là nơi để kiếm lợi nhuận. Khi đã có lòng tin, nhà đầu tư sẵn sàng đưa vốn vào TTCK với kỳ vọng được chia sẻ lợi nhuận từ các công ty niêm yết. Khi đã không còn lòng tin, nhà đầu tư sẽ rút vốn ra khỏi TTCK. Vì vậy, cơ quan quản lý nên đưa thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh có mức lợi nhuận cao lên niêm yết và ngược lại, những công ty nào kinh doanh thua lỗ phải bị loại khỏi thị trường.

Chỉ khi nào TTCK Trung Quốc phát triển một cách đúng hướng mới có thể hỗ trợ cho công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này sẽ thực sự cần thiết để có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc từ tập trung vào xuất khẩu sang một nền kinh tế với định hướng phát triển dịch vụ và khai thác nhu cầu tiêu dùng nội địa. Một nhiệm vụ quan trọng khác là cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trên TTCK, đặc biệt là việc "làm giá" cổ phiếu.

Tuy nhiên, việc cải cách TTCK có thể sẽ là một quá trình mất nhiều thời gian, nhưng sẽ là một bước tiến để TTCK phát triển lành mạnh trong dài hạn. Tất cả những biện pháp "cứu" thị trường, dù có thể giúp chỉ số chứng khoán tăng lên, đều là không bền vững, thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài.

(Theo ĐTCK)


Tin khác