Kích cầu nông nghiệp, nông thôn: Chỉ khuyến khích tiêu dùng là chưa đủ

21/04/2009

Theo GS Tô Duy Hợp - chuyên gia nghiên cứu nông thôn (Viện Xã hội học) - để gói kích cầu đạt hiệu quả, Chính phủ cần chú trọng nhiều yếu tố, chứ không chỉ khuyến khích tiêu dùng.

Học nước ngoài, nhưng phải sáng tạo thành của mình

Thưa ông, Chính phủ vừa phê duyệt gói kích cầu tiêu dùng trong nông nghiệp, nông thôn. Ông đánh giá thế nào về gói kích cầu này?

Quan điểm kích cầu ở VN có từ Hội nghị TƯ 7 về vấn đề “Tam nông”. Việc Chính phủ giúp nông dân để họ có thể mở mang SX, kích thích tiêu dùng là chủ trương đúng đắn. Tôi được biết Chính phủ Mỹ chi cả ngàn tỷ kích cầu cho nông thôn. Họ có tiềm lực kinh tế, họ làm được. Nhưng VN còn nghèo, ngân sách eo hẹp mà Chính phủ quan tâm đến khu vực này, tôi cho đây là nguồn động viên lớn đối với nông dân, coi trọng nông dân, lấy dân làm gốc.

Với gói kích cầu của Chính phủ, tôi nghĩ rằng nông dân cũng sẽ tích cực hưởng ứng, nhất là đối với nông dân vùng ĐBSCL có nhu cầu lớn về nâng cao năng lực SX. Vả lại, được mua máy móc, nông cụ và thiết bị tiêu dùng với lãi suất hỗ trợ, người dân sẽ tham gia vì đây là quyền lợi sát sườn của họ.

Được biết, Trung Quốc cũng đã thực hiện việc kích cầu tiêu dùng trong nông thôn từ vài năm trước. Thông qua đây, VN có thể tham khảo được những bài học gì, thưa GS?

Tôi biết họ đầu tư cho “Tam nông” rất toàn diện, họ hỗ trợ về vốn thông qua hệ thống các ngân hàng, kích thích tiêu dùng bằng việc phát tiền cho dân mua sản phẩm…Nhưng Trung Quốc có một ưu điểm mà ta cần tham khảo, đó là hệ thống quản lý của họ rất tốt, minh bạch.

Theo tìm hiểu của tôi, Trung Quốc kích cầu bằng cách cho tiền nông dân mua tivi, xe máy. Thực ra đấy là kích “nửa sản xuất, nửa tiêu dùng”, hỗ trợ nông dân mua tivi không chỉ có nghĩa là xem phim, ca nhạc giải trí mà tạo cơ hội cho họ học hỏi kinh nghiệm SX, thông tin KHKT trên phương tiện thông tin đại chúng. Còn xe máy không chỉ để đi chơi mà còn là công cụ vận chuyển. Vì vậy tôi nghĩ Trung Quốc đầu tư kích cầu tiêu dùng rất thiết thực chứ không viển vông. VN cũng đang đi theo hướng đó, và tôi cho là đúng đắn.

Tôi nghĩ những kinh nghiệm từ Trung Quốc về kích cầu tiêu dùng trong nông nghiệp, nông thôn, VN nên tham khảo. Tuy nhiên, phải có phần sáng tạo theo điều kiện của nước mình. Nếu áp dụng quá máy móc có thể gây tác dụng ngược. Vì vậy Chính phủ phải có biện pháp gì cho hiệu quả? Tôi nghĩ ngoài tham khảo Trung Quốc, VN nên tổng hợp nhiều kinh nghiệm kích cầu từ các nước khác nhau trên thế giới, đặc biệt là những nước có điều kiện tương tự như ta.

Nông dân VN rất biết liệu cơm gắp mắm

Thưa GS, chúng ta đã có quá nhiều bài học đau xót từ việc bớt xén tiền Tết cho người nghèo vừa qua. Như vậy, qua gói kích cầu này, ông có e ngại tiêu cực lại tái diễn?

Điều lo ngại trên, tôi cho là không phải không có cơ sở. Chúng ta đều biết rằng, đối tượng nông dân được mua thiết bị tiêu dùng, nông cụ SX…đều phải qua chính quyền địa phương bảo lãnh hoặc chứng thực. Từ đây có thể sẽ nảy sinh tiêu cực.

Tôi đồng ý với quan điểm của Chính phủ cho rằng, phải kích cầu tiêu dùng khu vực nông thôn, thông qua đó để kích thích SX trong nước phát triển, nhưng đấy chưa phải là cốt lõi vấn đề. Nếu “làm” kích cầu không khéo, tôi nghĩ sẽ phản tác dụng.

Trước đây có hộ ở ĐBSCL được hỗ trợ 5 - 10 triệu để nâng nền sống chung với lũ, hỗ trợ XĐGN nhưng họ lại mua xe máy đi chơi, như vậy hỗ trợ rất lãng phí.(GS Tô Duy Hợp)

Một là, lãnh đạo địa phương sẽ ưu ái người thân, họ hàng trước tiên, sau đó mới đến đối tượng khác. Hai là, trong quá trình vay vốn để mua sắm, không thể không vòi vĩnh này kia…

Như trên tôi đã nói, Trung Quốc có hệ thông tư pháp mạnh. Chúng ta cần tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ họ để loại bỏ, hoặc tối thiểu hóa tiêu cực khi triển khai.

Theo ông, đâu là giải pháp cốt lõi để Chính phủ có thể thực hiện gói kích cầu khu vực nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả?

Chỉ kích cầu tiêu dùng, tôi e là chưa đủ. Ở địa phương, đặc biệt là cấp xã, thôn, trình độ cán bộ phần nhiều là hạn chế. Để gói kích cầu thực sự hiệu quả và có chiều sâu, theo tôi, cần đào tạo lại, hoặc nâng cao năng lực cán bộ, chủ yếu là chủ tịch xã, trưởng thôn. Việc này sẽ góp phần định hướng tốt cho nông dân trong quá trình SX.

Nông dân đang rất cần mở mang ngành nghề tại nông thôn để không phải ra thành phố kiếm sống. Ngoài việc giúp họ làm ruộng, tức là giúp cải tạo đồng ruộng để SX, trang bị máy móc cơ giới (10 - 15 triệu đồng) cần giúp họ mở mang ngành nghề. Đầu tư chiều sâu, kích cầu cho nông nghiệp tức là giúp họ “cần câu trước, rồi tự họ câu cá”, tôi cho đó mới thực sự hiệu quả. Khi nông dân SXKD tốt, họ sẽ tự dùng tiền của mình làm ra để đi mua sắm, tức là đã kích cầu SX trong nước rồi.

Quan trọng nhất là tạo việc làm tăng thu nhập đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tốt. Theo tôi kích cầu SX để người dân tăng thu nhập. Tôi cho rằng nông dân VN rất cẩn thận, khiêm tốn, biết liệu cơm gắp mắm. Kích cầu đúng vào trọng điểm nông nghiệp, đúng hướng và đúng cách chắc chắn mang lại hiệu quả cao.

Xin cảm ơn ông!


Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin khác