“Dám học, dám làm"
Anh Tạ Công Thực là Phó chủ nhiệm Hiệp hội Lan rừng Đông La, đang được xã viên tiến cử làm phó chủ nhiệm HTX Hoa lan cây cảnh Đông La. Anh là chủ nhân của vườn lan Thực Hà, là người đi tiên phong trong nghề trông lan của xã.
|
Trồng hoa Lan đang trở thành một nghề chính ở Đông La- Hoài Đức- Hà Nội |
Vuờn lan hơn 1.100 m2 của anh chủ yếu là địa lan với hơn 70 giống địa lan quý hiếm có nguồn gốc từ cả trong nước của nước ngoài, chiếm tới ¾ tổng diện tích. Ngoài ra còn một số loài phong lan, lan hài và cây cảnh dựng thế.
Năm 2008 thu nhập từ kinh doanh lan của anh lên tới xấp xỉ 2 tỷ đồng, lợi nhuận ròng xấp xỉ 150 triệu. Sự khó khăn của kinh tế trong khủng hoảng đã kéo tụt doanh thu từ vườn lan của anh xuống hơn 500 triệu đồng. Năm 2009 dự kiến sẽ có thu nhập cao hơn, do lo ngại suy thoái kinh tế không nặng nề như năm trước.
Để chăm sóc vườn lan lớn này, anh thường xuyên theo dõi, tiếp thu những kỹ thuật chăm sóc Lan trong các chuyên mục trên truyền hình như “Mách nhỏ nhà nông”, “Khuyến nông”, “Cùng nông dân bàn cách làm giàu”... Tuy nhiên, chính nỗ lực, niềm say mê, cộng với sách và chia sẻ quý báu của những người trong nghề mới là những nhân tố chính góp phần làm nên thành công bước đầu của anh ngay hôm nay.
|
Anh Tạ Công Thực: "Phải không ngừng học hỏi mới mong làm giàu được". Ảnh:HL |
Anh đã nhiều năm tham gia diễn đàn riêng của những người chơi lan trên toàn quốc (website www.dalatchosen.com), đây là nơi mọi người vừa có thể chia sẻ kinh nghiệm trồng các giống lan quý, vừa có cơ hội giới thiệu quảng bá thêm cho vườn lan của mình. Nhận thấy việc marketing thông qua kênh internet khá hiệu quả, anh đã bắt đầu thành lập và thuê người quản trị trang web riêng giới thiệu về vườn lan của gia đình anh (www.vuonlanthucha.com)
Ngoài ra, anh còn có tham vọng thành lập HTX hoa lan cây cảnh để có quyền hợp pháp nhân giống, sản xuất kinh doanh các giống địa lan, phong lan trong nước, chủ động nguồn cây giống, tránh bị rơi vào tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào giống lấy từ rừng hoặc giống nhập khẩu.
Chi phí cho vuờn lan 1 năm là không nhỏ, bao gồm chi phí thuê 2 nhân công chuyên nghiệp chăm lan, chi phí thuê nhân viên thời vụ trong những lúc đông khách. Thuốc ngừa bệnh và phân bón bắt buộc phải nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản (do hiện tại ở Việt Nam chưa sản xuất được) nên rất tốn kém. Ngoài ra, tiền mua chậu cây, giá thể (trong đó phần lớn cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc) cũng rất lớn. Kể từ đầu năm 2008 đến nay, giá các mặt hàng này đều tăng đáng kể, từ 50-70%, trong đó, riêng thuốc ngừa bênh cho lan tăng giá tới hơn 100% (hiện giá bán bao gồm thuế nhập khẩu là khoảng 400-500 nghìn đồng/bình). Trong hoàn cảnh giá cả tăng vọt nhưng anh vẫn phải chi đều đặn để bảo vệ vườn Lan. Do đặc điểm giống lan rất dễ mắc bệnh trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường như thời gian gần đây. Nghiêm trọng hơn, một khi giò lan đã nhiễm bệnh, khả năng lây lan ra cả vườn là rất cao.
“Phải không ngại khó khăn, dám học và dám làm thì mới mong làm giàu được, nhất là với cây Lan”, Anh Thực tâm sự.
Nông dân cũng cần thương hiệu!
Chị Tạ Thị Chân đã nhiều năm tham gia hiệp hội lan rừng Đông La, đồng thời là thành viên sáng lập HTX hoa lan cây cảnh xã Đông La, cũng chính là người đã soạn thảo đề cương sơ bộ Điều lệ của hợp tác xã này.
|
Hoa Lan đã giúp người Đông La làm giàu |
Dấn thân vào nghề này đã hơn 20 năm, hiện chị đang chuẩn bị thành lập hợp tác xã với số vốn tự có khoảng hơn 9 tỉ đồng, kết nạp khoảng 20 thành viên để hoàn thiện tư cách pháp nhân trong việc nhân giống, sản xuất và kinh doanh các giống phong lan, địa lan quý của Việt Nam. Đồng thời để các thành viên có điều kiện chia sẽ kinh nghiệm thuận lợi và bài bản hơn. Chị Thực cho biết mục tiêu quan trọng nhất là: “Khi có tổ chức, sẽ mở rộng được quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu riêng”. Trong tháng 6/2009, HTX sẽ chính thức đi vào hoạt động khi nhận được quyết định cấp phép của UBND Huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Tính riêng hộ kinh doanh của chị, năm 2008 thu nhập từ kinh doanh lan của chị khoảng trên 1 tỷ đồng, trong khi đó chi phí trung bình hàng tháng vào khoảng 10 triệu đồng. Như vậy, thu nhập ròng của gia đình chị từ kinh doanh hoa lan lên tới vài trăm triệu đồng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Theo chị, nếu thực sự có niềm say mê và thường xuyên trau dồi kỹ thuật, nghề trồng và kinh doanh hoa lan sẽ là một nghề đem lại thu nhập cao và rất ổn định cho người nông dân.
Chị còn đầu tư học tiếng Latin tên các loại lan, để tiện trao đổi và giao dịch với khách quốc tế đến thăm vườn lan. Cần phải làm cho ngày càng có nhiều người biết đến sản phẩm của mình làm ra, để Lan Đông La trở thành thương hiệu độc quyền. Xây dựng thương hiệu là mục tiêu lâu dài của tôi”, chị Chân chia sẻ.
AGRO INFO (Hồng Liên)