Để nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững: Vốn đầu tư + Hỗ trợ "đầu ra"

21/07/2009

(HNM) - Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã được đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng và coi đây là một trong những tiền đề để thúc đẩy phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang đứng trước những thách thức lớn do sự biến đổi của xã hội.

Nhiều biến động

Ngày 6-7 tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản đã phối hợp với Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tổ chức hội thảo khoa học đánh giá "Tác động của biến đổi xã hội đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn các tỉnh phía Nam trong thời kỳ đổi mới". Theo các chuyên gia, bên cạnh những hiệu quả tích cực về kinh tế thì sự biến đổi mạnh mẽ và toàn diện của xã hội cũng tạo ra không ít những hạn chế, nhất là sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các cộng đồng dân tộc và tôn giáo, giữa giàu và nghèo và bất bình đẳng trong phát triển… Tiến sĩ Trần Diễm Thúy - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, cơ chế thị trường đã phân hóa nghề nghiệp, việc làm và mức thu nhập của đại bộ phận nhân dân, trong đó có nông dân, mà nông dân các tỉnh phía Nam chịu áp lực nặng nề nhất. Cụ thể, sự phân hóa giàu nghèo và chính sách đất đai vừa kích thích kinh tế nông thôn, nông nghiệp phát triển, vừa làm cho một số lao động nông nghiệp mất đất đai, mất việc làm, sinh ra một số tệ nạn trong thanh niên nông thôn, khiến học sinh nghèo không có điều kiện đến trường, một số bị áp lực phải bỏ học; những bất cập trong tổ chức, quản lý kinh tế và xã hội khiến xuất hiện thói xu nịnh, hám lợi, bệnh đạo đức giả, tư duy manh mún, tính thụ động và cục bộ, lối sống thực dụng, làm giàu bằng mọi giá… ở một bộ phận. Đây còn là thách thức đối với quá trình thực thi dân chủ trong xã hội. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Triết, Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ khẳng định, 2 vấn đề bức xúc nhất do tác động của biến đổi xã hội mang lại là sự bất bình đẳng và dân chủ. Sự mất dân chủ ở nông thôn phần lớn là do tình trạng quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ địa phương.

Đầu ra cho sản phẩm luôn là nỗi lo của người nông dân

Cũng chính từ việc mất đất mà nhiều lao động nông thôn đổ ra thành thị, trong khi đó ở nông thôn, nông nghiệp lại chưa khai thác hết, còn ở thành thị thì không thể tiếp nhận hết lực lượng lao động này vì nhiều lý do khác nhau. Tiến sĩ Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn phía Nam cho biết, lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn ở khu vực này hiện thiếu trầm trọng, nhất là vào thời vụ, giá nhân công ở đây tăng 4 đến 5 lần.

Cần tháo gỡ

Để khắc phục tình trạng này, Tiến sĩ Trần Diễm Thúy đưa ra giải pháp: Con người - con người làm nông nghiệp - đó là nông dân. Có một thực tế đang tồn tại hiện nay là nhiều nông dân Nam bộ chưa ý thức hết giá trị môi trường tự nhiên của chính mình nên cần giáo dục họ ý thức bảo vệ môi trường. Nâng cao trình độ dân trí, tạo việc làm cho nông dân. Chính quyền địa phương cũng cần xác định, việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị là nhiệm vụ hàng đầu. Làm sao để thị trường nông thôn gắn kết được với thị trường thành thị và thị trường thế giới.

Theo Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh thế giới cạnh tranh, nền nông nghiệp Việt Nam cần phải có được sự hỗ trợ của Nhà nước, nếu không nông nghiệp, nông thôn sẽ rất khó phát triển. Việc đầu tư cho nông nghiệp hiện nay của chúng ta còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh nông dân sản xuất manh mún, đầu tư không dài hạn, chạy theo thị trường một cách bấp bênh… ông cho rằng, cái khó lớn nhất của người làm nông nghiệp hiện nay không phải là vốn mà là thị trường đầu ra. Do đó, Nhà nước cần phải gia tăng hệ thống đơn đặt hàng, mua hàng hóa nông nghiệp để đẩy mạnh thị trường đầu ra. Khi đó mới hy vọng nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển bền vững.

Theo HNM (Hồ Văn)


Tin khác