Đắc Lắc: Phát triển các vùng điều tập trung

02/01/2009

Tỉnh Đắc Lắc đã phát triển gần 45.000 ha điều tập trung, trong đó nhiều nhất ở các huyện Ea Súp, Ea Kar, Krông Ana. Phát triển điều, nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng biên giới bước đầu cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong vài năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc ở một số huyện trên địa bàn tỉnh đã chủ động chặt bỏ hàng ha cà phê kém hiệu quả kinh tế, đất gieo trồng lúa rẫy năng suất thấp sang trồng điều. Diện tích điều được trồng sau này (từ năm 2004 trở lại đây) chủ yếu là giống điều ghép, điều cao sản. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích điều này là tự phát, khi giá điều lên, người dân đổ xô nhau trồng điều, giá xuống thấp lại tranh nhau chặt điều gieo trồng các loại cây khác, phát triển điều không theo qui hoạch, kế hoạch. Hầu hết, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều trên địa bàn chưa có chính sách đầu tư cho vùng nguyên liệu, nên việc phát triển điều trên địa bàn tỉnh thiếu tính bền vững. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc cũng đã xây dựng 4 nhà máy chế biến hạt điều ở các vùng có diện tích điều tập trung, nhưng hàng năm các nhà máy này đều thiếu nguồn nguyên liệu, vẫn phải nhập nguyên liệu của các tỉnh bạn. Nguyên nhân, do đa số diện tích điều cho thu hoạch hiện nay là giống cũ, năng suất thấp, sản lượng ít chỉ đạt từ 7.000 đến 8.000 tấn năm, trong khi đó hàng chục ngàn ha điều cao sản, điều ghép mới trồng chưa đưa vào kinh doanh. Tỉnh Đắc Lắc phấn đấu đến năm 2010 đưa diện tích điều tăng lên 50.000 ha, chủ yếu là điều ghép, cao sản, đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu cho 10 nhà máy chế biến điều, với tổng công suất từ 60.000 đến 70.000 tấn/năm.

(TTXVN)

Tin khác