Đăk Nông: Đẩy mạnh các giải pháp xoá đói giảm nghèo

26/08/2008

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc nên công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Đắk Nông đã đề ra nhiều biện pháp cho giai đoạn 2007 – 2010.

Trong giai đoạn từ năm 2004 - 2006 đã có 53.567 lượt hộ nghèo được các cơ quan, tổ chức, đoàn thể phối hợp cho vay 77,62 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh; 8.640 lượt người nghèo được hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; 18.171 lượt hộ đồng bào dân tộc nghèo được hỗ trợ theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ; 654.652 lượt người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân các xã được hưởng lợi Chương trình 135 được khám và chữa bệnh với tổng kinh phí 20 tỷ đồng; đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng mới 146 phòng học; huy động quỹ vì người nghèo được 1.263 triệu đồng; làm mới và sửa chữa 429 ngôi nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo được giảm dần theo hàng năm: năm 2003 chiếm tỷ lệ 14,83 %; năm 2004 chiếm 9,95%; năm 2005 chiếm 7,5 % và đạt chỉ tiêu so với Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Kết quả điều tra hộ nghèo năm 2006 theo Quyết định 170/2005/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định chuẩn nghèo áp dụng giai đoạn 2006 – 2010, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ 15,7%.

Để đạt được kết quả trên, ngoài sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp thì đa số các hộ nghèo, người nghèo trong tỉnh đã được nâng cao về trình độ, nhận thức cũng như tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, từ đó cố gắng trong lao động, sản xuất, sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả…

Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về công tác giảm nghèo giai đoạn 2007-2010. Đây là một trong những chương trình có tính đột phá, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.

Theo đó, Đắk Nông đã đề ra mục tiêu chung cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2007-2010, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm bền vững, hạn chế thấp nhất hộ nghèo mới và đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 10-11%, ngang bằng với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Đặc biệt phấn đấu đến cuối năm 2008 cơ bản không còn hộ chính sách, có công thuộc diện nghèo và hàng năm giảm mạnh hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn dưới 15% trên tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ toàn tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, Đắk Nông đề ra nhiệm vụ cung cấp tín dụng cho 100% cho các hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự vươn lên thoát nghèo, góp phần vào công tác giảm nghèo một cách bền vững. Đặc biệt ưu tiên các hộ chính sách có công và chủ hộ là nữ. Đa dạng hoá các hình thức cho vay vốn, để hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng chính sách- xã hội. Tăng mức cho vay và thời hạn cho vay vốn để đối tượng được vay có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Xây dựng, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ khuyến nông- lâm- ngư ở cơ sở, chọn cá nhân sản xuất điển hình tiên tiến có hiệu quả đào tạo tập huấn thêm về kỹ thuật và hỗ trợ một phần kinh phí để hướng dẫn cho nông dân ngay tại địa phương. Đến năm 2010 có 100% xã, phường có đủ cán bộ khuyến nông cơ sở.

Thực hiện nhanh và có hiệu quả các chính sách và hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ về trợ giúp đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng cho các vùng đặc biệt khó khăn... Đến năm 2008 thực hiện hoàn chỉnh Chương trình 134 cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến năm 2010 các xã đặc biệt khó khăn cơ bản có các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu như: thủy lợi, trường học, trạm y tế, đường dân sinh, nước sinh hoạt, điện, chợ... Tổ chức sắp xếp lại dân cư theo hướng tập trung để tạo thuận lợi cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước và người dân tham gia vào các dự án, thực hiện theo phương châm “xã có công trình, nhân dân có việc làm”.

Trợ giúp cho người nghèo, dân tộc thiểu số tại chỗ có tay nghề cần thiết để tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập thông qua các khoá dạy nghề, tìm việc làm tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; đi lao động xuất khẩu hoặc tự tạo việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tiến hành sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo chung của tỉnh, ưu tiên tập trung vào những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Phấn đấu 100% các hộ nghèo tham gia dự án thoát nghèo bền vững vào cuối năm 2008.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hoàn thành mục tiêu phổ cập trung học cơ sở. Tiếp tục mở rộng quy mô trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi cho học sinh dân tộc thiểu số ở các huyện để đào tạo nguồn cán bộ, nhất là dân tộc thiểu số tại chỗ. Thực hiện miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường và hỗ trợ tiền mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo; tạo điều kiện cho con em hộ nghèo được đến trường học tập bình đẳng như các trẻ em khác, giảm sự chênh lệch về môi trường học tập giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng khó khăn và vùng có điều kiện để phát triển. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân giúp người nghèo nâng cao học vấn, tổ chức hình thức giáo dục phù hợp để xoá mù và ngăn ngừa tình trạng tái mù chữ. Đến năm 2010 các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ trường học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, đầu tư toàn diện cơ sở vật chất các trạm y tế xã. Đào tạo và có cơ chế ưu đãi để thu hút đội ngũ y, bác sĩ về làm việc tại trạm y tế cơ sở, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đảm bảo cho 100% người nghèo được cấp thể bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí và đến năm 2010 có trên 80% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

Để hoàn thành được nhiệm vụ trên, Tỉnh ủy Đắk Nông đã đề ra một số giải pháp. Theo đó, sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là vai trò của cấp huyện và cơ sở trong việc quản lý hộ nghèo từng năm, nắm chắc danh sách hộ nghèo, hộ thoát nghèo, hộ tái nghèo, hộ nghèo mới…

Tiếp tục bồi dưỡng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý chí vượt nghèo của hộ nghèo. Đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện giảm nghèo trong hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo phương thức linh hoạt, phù hợp với tình hình đặc thù từng địa bàn, từng dân tộc; chú trọng thực hành hướng dẫn, làm điểm, nhân rộng mô hình cho đồng bào học tập, nâng cao thu nhập, thoát nghèo trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Đổi mới và kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác giảm nghèo từ tỉnh đến cơ sở, theo hướng chuyên môn hoá và có tính hệ thống. Cân đối từ ngân sách địa phương để bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo ở các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Thực hiện tốt quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở nông thôn, bố trí dân di cư tự do ở những nơi thuận lợi để tạo điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn, sớm nhân rộng mô hình tổ hợp tác để tổ chức sản xuất cho người nghèo.

Khảo sát đánh giá tình hình nợ đọng vốn vay trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để có cơ sở phân loại xem xét, giải quyết. Xây dựng cơ chế, tạo môi trường hỗ trợ tiếp tục cho hộ thoát nghèo như đối với hộ nghèo từ 2-3 năm để có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Tạo điều kiện cho người nghèo dễ dàng tiếp cận các nguồn lực và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Kết hợp hiệu quả chính sách cho vay vốn với khuyến nông, lâm, ngư và áp dụng các tiến bộ vào khoa học kỹ thuật vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Để đảm bảo nguồn lực hàng năm cấp tỉnh, huyện và xã, trừ các xã đặc biệt khó khăn và xã nghèo bố trí ít nhất 0,5% dự toán thu ngân sách hàng năm để thực hiện Chương trình giảm nghèo, mỗi cấp phải có qũy giúp đỡ người nghèo.

Hiện nay, Tỉnh ủy Đắk Nông đang chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cụ thể hoá nghị quyết về giảm nghèo giai đoạn 2007-2010 của tỉnh phù hợp với từng ngành, đơn vị, địa phương. Hy vọng rằng, với các giải pháp đồng bộ Đắk Nông sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo theo đúng nghị quyết của Tỉnh ủy đã đề ra, và đặc biệt các hộ nghèo sẽ từng bước thoát nghèo một cách bền vững.


Nguồn: www.cpv.org.vn

Tin khác