Điện Biên khó khăn về giải quyết nhà ở và nước sinh hoạt

11/08/2008

Sau khi Quyết định số 134/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn” được ban hành, tỉnh Điện Biên đã bắt tay vào việc xây dựng đề án đồng thời điều tra, rà soát lại các đối tượng trong diện được ưu đãi theo quyết định trên. Thực hiện quyết định 134 của thủ tướng chính phủ

Ước tính ban đầu, số hộ cần hỗ trợ đất ở của tỉnh là 16.166 hộ, số hộ cần hỗ trợ nhà ở khoảng 22.500 hộ, số cần nguồn nước sạch là 196.000 người và trên 17.000 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất. Đến thời điểm này, việc xây dựng đề án để quyết định 134 đi vào cuộc sống đã cơ bản hoàn thành. Mặc dù vậy, tỉnh Điện Biên lại đứng trước những khó khăn chưa tìm ra được cách giải quyết thấu đáo.

Theo bà Nguyễn Thị Xuyến- Trưởng phòng Chính sách của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên thì một trong những khó khăn nhất của tỉnh khi đi vào thực hiện Quyết định 134 chính là việc xác định tỉ lệ đói nghèo.Việc xác định tỉ lệ này đã được tiến hành vào năm 2002 (khi chưa chia tách tỉnh) nhưng trong đợt điều tra lại vừa qua thì tỉ lệ đói nghèo lại cao hơn. Nguyên nhân của tình trạng này chính là do có sự chênh lệch khi báo cáo thành tích và khi hưởng chính sách. Các ranh giới để xác định giữa nghèo đói và thoát nghèo rất khó khăn. Chính các chính sách ưu đãi dành cho người nghèo đôi khi đã khiến nhiều người không muốn thoát ra khỏi diện đói nghèo để còn được hưởng chính sách ưu tiên. Do vậy việc bình xét cũng là một trong những khâu rất dễ xảy ra sai sót. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những khó khăn nhỏ trong quá trình chuẩn bị thực hiện đề án. Điều gây nhiều trăn trở nhất cho Điện Biên lại là những vấn đề liên quan đến việc giải quyết nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ bà con có nhu cầu. Hiện nay Điện Biên mới chỉ có 42% dân số của tỉnh là được sử dụng nguồn nước sạch. Số này lại tập trung ở các thành phố và trung tâm huyện. Còn số gia đình hiện phải sống ở nhà dột nát lại quá nhiều.

Nhưng trở ngại lớn ở đây chính là nguồn kinh phí theo quy định của Quyết định 134 quá thấp trong khi gần 90% ngân sách của tỉnh là do ngân sách Nhà nước cấp, các nguồn tài trợ khác hầu như không huy động được. Theo Quyết định 134 và Thông tư hướng dẫn số 819 đối với việc hỗ trợ nhà ở thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp cho mỗi hộ gia đình trong diện ưu đãi là 5 triệu đồng, địa phương sẽ phải bỏ ra số tiền tương đương 1 triệu đồng/hộ. Điều này khiến các cơ quan chức năng của tỉnh rất khó khăn trong việc cân đối ngân sách cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra theo hướng dẫn của Thông tư số 819 thì đây sẽ là chương trình phối hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng những hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở lại thường rơi vào các gia đình thiếu lao động, người già neo đơn, sống ở những vùng hẻo lánh, cách xa cộng đồng dân cư, không đủ khả năng để tự làm nhà. Đối với việc hỗ trợ cho các hộ thiếu nước sinh hoạt lại gặp phải những trở ngại khác. Theo đúng quy định thì mỗi hộ trong diện thụ hưởng chương trình này sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng hoặc 0,5 tấn xi măng để tự thiết kế công trình nước sạch cho gia đình. Trong khi đó, các hộ thuộc diện nghèo đói chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao hiểm trở, giao thông đi lại rất khó khăn, hầu như chưa được đầu tư gì về cơ sở hạ tầng. Thực tế này sẽ dẫn đến một tất yếu đó là chi phí vận chuyển nguyên vật liệu cho xây dựng sẽ tốn kém gấp nhiều lần so với các vùng thấp. Những hộ được hỗ trợ nhà thì gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển còn các hộ được hỗ trợ công trình nước sạch thì với số tiền nhỏ bé như vậy không đủ để xây bể hoặc đào giếng trên đồi, núi.

Với những khó khăn như đã nêu trên, Điện Biên hiện nay vẫn đang gấp rút tiến hành các bước chuẩn bị cho việc thực hiện Quyết định 134 nhưng lại chưa tìm ra được cách giải quyết sao cho Quyết định 134 thực sự đi vào cuộc sống của người dân với những kết quả như mong muốn. Thiết nghĩ, các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho bà con nghèo luôn mang những ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên, các nhà hoạch định, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét để phân bổ ngân sách cho phù hợp với từng vùng miền để các chính sách phát huy được hiệu quả đồng thời tạo ra cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có thể phát triển bền vững.


Nguồn: cema.gov.vn

Tin khác