Đắc Lắc: Chiếm dụng đất quốc phòng vẫn được cấp “sổ đỏ”

22/02/2009

4 hộ dân được nhận khoán vườn cà phê của Nông trường 352 (nay là Công ty cà phê 15, Quân khu 5) đã làm giả hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), sau đó kiện ngược lại doanh nghiệp đòi quyền lợi.

Năm 1980, sư đoàn 352 (Quân khu 5) được điều động về đóng quân tại thôn Đạt Hiếu, xã Pơng Đrang (nay là Thôn 2, xã Ea Đê, huyện Krông Buk-Đắc Lắc) với nhiệm vụ là tiểu trừ Fulrô và bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn. Đến năm 1985, Quân khu 5 đổi tên Sư đoàn 352 thành Đoàn 352, sau đó là Nông trường 352 theo Quyết định số 388/BQP; năm 1997 được đổi thành Công ty cà phê 15 với nhiệm vụ là làm kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng trên địa bàn đóng quân.

Sau khi được thành lập và năm 1986, Nông trường 352 đã thực hiện việc trồng cà phê trên diện tích đất do đơn vị quản lý và mua thêm 0,6 ha cà phê của một số hộ dân liền kề, tổng diện tích cà phê là 8,57ha. Đến năm 1987, theo quyết định của Quân khu 5 Nông trường 352 chuyển doanh trại vào địa điểm mới tại xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’ga. Diện tích cà phê tại nơi đóng quân cũ được nông trường quản lý, cho đến năm 1991 nông trường có công văn đề nghị chuyển vườn cao su tại nơi đóng quân cũ cho chính quyền địa phưởng quản lý nhưng UBND huyện Krông Buk không nhận với lý do là không có kinh phí để hoàn trả giá trị vườn cây và các tài sản khác trên đất cho đơn vị. Sau đó, được sự đồng ý của Bộ tư lệnh Quân khu 5, Nông trường 352 đã bán thanh lý 4ha cà phê cho các quân nhân đã nghỉ chế độ gặp khó khăn về đất ở và đất sản xuất.

Ngày 5-7-1991, Nông trường 352 ký hợp đồng số 01/HĐKT với ông Trần Hữu Thung – nguyên là trung tá, Chính uỷ Nông trường 352 đã nghỉ hưu – giao khoán quản lý 5,6 ha đất gồm nhiều tài sản trên đất như: cà phê, ao hồ, doanh tại cũ, trong đó có 4,56 ha cà phê kinh doanh. Theo thoả thuận, trong thời gian từ 1991 đến 1998, ông Thung có quyền lợi, trách nhiệm đầu tư, quản lý, chăm sóc vườn cây và phải nộp cho Nông trường 352 số lượng 10,4 tấn cà phê nhân trong 8 năm. Sau khi kí hợp đồng được một thời gian, do không đủ khả năng đầu tư cũng như quản lý chăm sóc, ông Thung đã giao bớt 3,468 ha cà phê cho 4 hộ cùng thôn, gồm: Lê Kim Toàn: 1,107 ha, Lưu Quang Toản: 0,965 ha; Nguyễn Văn Ánh: 0,83 ha và Lê Khắc Thắng: 0,565 ha. Mọi nghĩa vụ với nông trường do ông Thung đảm nhận thu của các hộ để nộp. Ngày 31/12/1998, sau khi thanh lý hợp đồng sô 01/HĐKT, ông Thung đề nghị cho ông và các hộ nhận khoán lại từ ông được tiệp tục nhận khoán vườn cây với thoả thuận, phía người nhận khoán sẽ nộp cho Công ty cà phê 15 (Cty 15) 40kg/ha đến năm 2003 thì sẽ đánh giá lại hiện trạng vườn cây để làm hợp đồng mới.

Tuy nhiên, trước đó vào năm 1993, 4 hộ nói trên đã gian dối, “âm thầm” làm các thủ tục và được UBND huyện Krông Buk cấp GCNQSDĐ cho 3,468 ha cà phê mà họ nhận khoán lại từ ông Trần Hữu Thung theo kiểu “ở đợ mà bợ được nhà”. Với lý do đã có “sổ đỏ” nên ngoại trừ ông Thung là thực hiện đúng theo các cam kết, 4 hộ còn lại chỉ làm nghĩa vụ đối với Cty 15 cho đến năm 2000, còn từ đó đến nay họ không chịu nộp sản phẩm theo thoả thuận. Và cũng với lý do đất đã có sổ đỏ đứng tên họ nên 4 hộ này không chịu ký hợp đồng mới mà xem như đất này hiển nhiên là của họ.

Tháng 3/2008, ông Lê Kim Toàn đã tự ý xây dựng nhà ở kiên cố trên diện tích cà phê của Công ty cà phê 15. Sau khi phát hiện sự việc, Cty 15 đã có công văn số 165/CV-CTCF15 gửi UBND huyện Krông Buk và UBND xã Ea Đê đề nghị cho đình chỉ việc xây dựng nhà trên đất quốc phòng của ông Toàn nhưng không có kết quả phản hồi tích cực từ phía chính quyền. Đến nay, ngôi nhà đã được xây dựng hoàn chỉnh mà không gặp một trở ngại nào từ phía cơ quan chức năng(?). Không dừng lại ở đó, 4 hộ chiếm dụng đất quốc phòng này còn đứng tên tập thể kiện Công ty 15 ra toà dân sự để đòi đất và đòi số cà phê mà họ đã nộp cho công ty, lý do họ đưa ra là: diện tích đất nói trên là đất của họ, bằng chứng là họ đã có “sổ đỏ”.

Vụ kiện ngược có một không 2 này vẫn chưa ngã ngũ, nhưng theo kết quả kiểm tra thực tế mới đây, UBND huyện Krông Buk đã CV số 06/KL-UBND, trong đó nêu rõ: diện tích mà 4 hộ dân đang sử dụng tại thôn Đạt Hiếu, xã Ea Đê thuộc đất hợp đồng khoán gọn chi phí chăm sóc và kinh doanh vườn cây cà phê giữa ông Trần hữu Thung với Cty 15. trong thời gian đang thực hiện hợp đồng giữa ông Thung và Công ty 15 chưa hết thời hạn và hợp đồng chưa được thanh lý mà 4 hộ dân này tự ý kê khai, đăng ký và được cấp có thẩm quyền cấp quyền sử dụng đất là trái với quy định pháp luất. Giao cho xã Ea Đê lập tờ trình đề nghị UBND huyện thu hồi GNNQSDĐ tại các thửa đất trên.

Tuy nhiên, báo cáo này không thấy nói đến trách nhiệm của chính UBND huyện Krông Buk cũng như các quan chức năng trong khi làm thủ tục cấp GNNQSDĐ trái pháp luật cho các hộ này, dù rằng đến năm 2006, cả 4 hộ nói trên tiếp tục được xét cấp đổi lại GCNQSDĐ mới.

Thiết nghĩ, UBND và các cơ quan chức năng ở huyện Krông Buk sớm “sửa sai”, thu hồi GCNQSDĐ cấp trái quy định pháp luật và hoàn trả diện tích đất tranh chấp này về chủ sở hữu đích thực là Công ty 15.


Nguồn: www.cpv.org.vn

Tin khác