Lào Cai: Tiến tới tự cung tự cấp lúa giống

04/09/2008

Hàng năm, tổng diện tích gieo cấy của cả tỉnh lên tới 28.000 ha lúa nhưng Lào Cai vẫn phải nhập tới 80% lúa giống từ các tỉnh lân cận và Trung Quốc. Thị trường lúa giống ở Lào Cai không chỉ là một tiềm năng lớn mà còn là một thách thức lớn đối với những nhà khoa học của tỉnh trong lĩnh vực này. Vượt qua thử thách

Trận lũ lớn năm 2001 khiến 20 tấn lúa giống đã thu hoạch phải đổ đi như một đòn giáng nặng nề vào Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Lào Cai vì đây là năm đầu tiên Trung tâm thực hiện Chương trình sản xuất giống lúa lai (trước đó chỉ là sản xuất thử nghiệm) của tỉnh giao. Đã có sự hoài nghi về sự thành công của dự án này, nhiều người ngần ngại cho rằng đây là sự phiêu lưu, mạo hiểm, một chương trình "ném tiền qua cửa sổ" và chấp nhận quay về "thói quen" nhập khẩu giống lúa lai từ bên kia biên giới. Thời điểm đó, nhu cầu về giống lúa lai thì lớn nhưng nguồn cung trong tỉnh thì hạn chế. Riêng giống lúa lai nhập từ các tỉnh của Trung Quốc nhu cầu hàng năm lên tới 600 đến 700 tấn, nên cứ vào đầu vụ gieo cấy, Công ty giống và Công ty vật tư nông nghiệp Lào Cai lại phải vượt hàng nghìn cây số sang Tứ Xuyên (Trung Quốc) để ký hợp đồng mua giống với giá cao về cung ứng cho nông dân. Có vụ giống về đến nơi thì đã quá thời vụ gieo cấy, khiến bà con kêu ca, phàn nàn.

Sau vụ sản xuất giống lúa lai với rất nhiều cay đắng đó, tỉnh Lào Cai đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản và kiểm nghiệm hạt giống cây trồng với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng, xây dựng hệ thống: máy sấy (ngô-lúa), máy tẽ hạt, máy phân loại và làm sạch hạt giống, máy đóng bao, máy xử lý thuốc... cùng các thiết bị kiểm nghiệm, kho chứa, sân phơi... với công suất 16 tấn/ngày, đáp ứng được mọi điều kiện thời tiết. Năm 2002, Trung tâm giống nông lâm nghiệp Lào Cai mở rộng vùng sản xuất giống tại huyện Bát Xát đưa diện tích lên 38,8 ha. Số hộ tham gia sản xuất giống là 284 hộ, điều đặc biệt trong đó có 154 hộ là dân tộc Giáy. Lượng giống Bác ưu 903 thu hoạch đạt tiêu chuẩn là 74 tấn, bình quân năng suất 1.950 kg/ha. Điều đó tiếp thêm niềm tin rằng Lào Cai có thể sản xuất được giống lúa lai. Từ đó đến nay, mỗi năm Trung tâm giống Lào Cai trung bình sản xuất từ 120 đến 150 tấn giống lúa lai, gồm các giống: Bác ưu 903, 252, Nhị ưu 838, VL20… đáp ứng được 20-25% nhu cầu giống của nông dân trong tỉnh, giá bán thấp hơn so với giống nhập của Trung Quốc tiết kiệm cho bà con nông dân và ngân sách từ 300 đến 500 triệu đồng.

Hướng tới tương lai

Năm 2006, Trung tâm giống Lào Cai đã cùng với Viện Nghiên cứu nông nghiệp hạt nhân Tứ Xuyên – Trung Quốc triển khai Chương trình hợp tác chọn lựa những giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam. Chương trình hợp tác với thời gian 5 năm từ 2006-2010, được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn I (2006 - 2008), chọn lựa những giống lúa lai để đưa vào thử nghiệm; giai đoạn II (2008- 2010), sau khi xác định được những giống phù hợp đáp ứng các yêu cầu của việc chọn giống sẽ tiến hành mở rộng qui mô sản xuất nhằm đảm bảo đáp ứng 80% nhu cầu giống lúa lai của Lào Cai. Đây là một bước đi táo bạo của Lào Cai có một ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu, chọn lựa và sản xuất giống lúa lai đại trà nhằm hạn chế nhập khẩu giống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Đồng thời góp phần giảm giảm bớt nguồn ngân sách mà tỉnh phải bù giá giống lúa cho nông dân. Trung tâm cũng đã thống nhất với UBND huyện Bát Xát chọn 2 xã là Bản Qua và Quang Kim để sản xuất lúa giống ngay từ vụ xuân 2006 (Bản Qua 51 ha và Quang Kim 8 ha).

Ông Nhạc Nguyên Văn, Tổng giám đốc Công ty TNHH giống cây trồng Lục Đan (Tứ Xuyên - đối tác hợp tác trực tiếp của Trung tâm giống) cho biết: "Anh, chị em cán bộ kỹ thuật của Lào Cai tiếp thu kiến thức gieo cấy giống lúa lai dòng F1 khá nhanh, nông dân ở 2 xã được chọn làm điểm rất cần cù, chịu khó, thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu ở Lào Cai phù hợp với việc sản xuất giống lúa lai... Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các bạn để sản xuất thành công giống lúa lai F1 tại Lào Cai". Các chuyên gia Trung Quốc đã cùng với các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, thực hiện phép lai thử với 12 dòng mẹ và 22 dòng bố; thực hiện khảo nghiệm 64 giống F1; tổ chức sản xuất thử 1,5 ha hạt giống F1 với 4 dòng mẹ khác nhau, qua đó cho thấy khả năng đạt năng suất hạt lai F1 sản xuất tại Lào Cai mà cả miền Bắc sẽ cao tương tự gần giống như sản xuất tại Trung Quốc. Qua một vụ sản xuất thử nghiệm đã đạt kết quả hết sức khả quan: Năng suất bình quân hạt lai ước đạt 20 tạ/ha, có nhiều điểm năng suất đạt tới 25 tạ/ha, tổng sản lượng hạt lai F1 của 59 ha đạt khoảng 130 tấn. Nếu chúng ta thực hiện tốt hơn các yêu cầu kỹ thuật mà phía bạn yêu cầu thì chắc chắn hạt lai F1 tại Lào Cai sẽ không thua kém vùng Tứ Xuyên. Hơn nữa, 64 giống F1 sẽ là nguồn thực liệu phong phú cho việc lựa chọn ra các giống thích nghi nhất, đáp ứng các tiêu chí về chọn tạo giống của Lào Cai.

Việc đưa giống lúa lai vào sản xuất đã góp phần nâng năng suất lúa bình quân toàn tỉnh Lào Cai lên tới 50 đến 60 tạ/ha/vụ nên người nông dân thi nhau chuyển đổi từ giống lúa địa phương sang gieo trồng bằng giống lúa lai. Để đáp ứng khoảng 70% đến 80% nhu cầu giống lúa lai cho nông dân trong tỉnh, trong thời gian tới Trung tâm giống nông - lâm nghiệp của tỉnh sẽ phải mở rộng diện tích sản xuất giống lúa lai F1 lên khoảng 300 đến 350 ha. Do đó chương trình hợp tác giữa tỉnh Tứ Xuyên với Trung tâm giống nông - lâm nghiệp Lào Cai sẽ kéo dài từ nay đến năm 2010, cho đến khi Lào Cai có thể đủ điều kiện sản xuất đáp ứng nhu cầu giống lúa lai cho cả tỉnh.


(Nguồn: www.vista.gov.vn)

Tin khác