Ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên - Bước đi mới trong thời hội nhập

07/11/2008

Tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nông nghiệp, kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản là một trong những hướng đi đúng đắn, hiệu quả của ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên. Điều này đã tạo nền tảng cho sự tăng trưởng cũng như dịch chuyển cơ cấu kinh tế, thành công trên bước đường hội nhập. Là một tỉnh miền núi biên giới còn rất nghèo, nhưng những năm trở lại đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Điện Biên đã có những bước đột phá trong sản xuất. Từ chỗ phải nhờ đến sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cung cấp lương thực, người nông dân chỉ trồng 1 vụ lúa, tới nay, sau khi cải tạo, xây dựng hệ thống thuỷ nông, giống, cũng như áp dụng khoa học vào sản xuất, số vụ lúa đã tăng lên 2 vụ, cá biệt có nơi tăng lên 3 vụ (1 vụ màu), tạo bước đột phá về sản xuất lương thực. Điện Biên giờ đây không những đã tự túc được về lương thực mà còn xuất khẩu ra khỏi địa phương, đưa cây lúa trở thành cây đặc sản của tỉnh, hướng tới xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm gạo Điện Biên.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đất cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương ngày càng cao, dân số không ngừng tăng, độ phì của đất giảm, thời gian luân canh ngắn, năng suất cây trồng thấp… tạo sức ép lớn đối với ngành nông nghiệp. Và giải pháp trồng cây công nghiệp, trồng rừng đang được coi là hướng đi đúng đắn, phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng của địa phương. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2007, chỉ tiêu trồng 3.962 ha rừng thì ngành đã thực hiện được 8.252 ha tức là đạt 208,3%. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh còn giao khoán khoanh nuôi tái sinh rừng với kế hoạch giao là 63.731 ha, thực hiện 57.243,1 ha, đạt 91,5%. Những kết quả đó đã thể hiện sự nỗ lực của ngành nông nghiệp trong việc triển khai thực hiện dự án 661.

Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành nông nghiệp của tỉnh Điện Biên vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn như: Yêu cầu nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp ngày càng lớn, nhưng hệ thống tổ chức lâm nghiệp chưa được củng cố, kiện toàn, cán bộ lâm nghiệp ở cấp huyện còn thiếu và yếu; Các xã không có cán bộ lâm nghiệp, vì vậy việc chuyển tải thông tin, chính sách chế độ liên quan đến chính sách phát triển lâm nghiệp tới cơ sở, những người làm nghề rừng là rất hạn chế; Hơn nữa, điều kiện sản xuất lâm nghiệp ngày càng khó khăn do địa hình phức tạp, công tác quy hoạch chưa đồng bộ, nhiều cơ sở còn lúng túng trong việc tìm địa bàn trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng; Đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, không có vốn để đầu tư trồng rừng sản xuất; Và điều đáng chú ý là người dân vùng sâu vùng xa chưa hiểu rõ được tác dụng của việc trồng rừng. Để hoàn thiện dự án, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa lớn lao của việc trồng rừng, sở đã cố gắng khắc phục những khó khăn tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, nâng cao hoạt động bằng việc tuyên truyền, chỉ đạo hướng dẫn cơ sở làm làm tốt công tác thiết kế dự toán các công trình lâm sinh theo quy định hiện hành cả về tiến độ và chất lượng thực hiện; Làm tốt việc tổ chức tạo cây giống, quan tâm hướng dẫn bà con việc trồng cây giống như thế nào là hiệu quả nhất, nhằm ngăn chặn sâu bệnh phá hoại rừng, ngăn chặn nạn cháy rừng; Tạo lòng tin cho người dân về việc trồng rừng và mở lối cho họ bằng cách tạo dựng nhiều cơ sở chế biến, tiêu thụ lâm sản quy mô lớn, không nhỏ lẻ như trước.

Những nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên đã mang lại những tiến bộ rõ rệt trong việc trồng và tái tạo rừng, tạo được lòng tin với bà con nông dân, góp phần đẩy nhanh công cuộc xoá đói giảm nghèo và khẳng định bước đi mới trong xu thế hội nhập.


(Nguồn: Vietnam Economic News Online)

Tin khác