Kết quả bước đầu triển khai đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Lào Cai

23/11/2008

Sáng 27/11, Sở Nông nghiệp – PTNT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả gần 3 năm thực hiện đề án “Phát triển và nâng cao hiệu qủa kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2010”.

Đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Triển khai đề án, Sở Nông nghiệp – PTNT đã bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để tổ chức, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động để đề án đạt hiệu quả. Công tác rà soát 3 loại rừng hoàn thành trong 2 năm 2006 – 2007 tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trồng rừng mới.

Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã trồng 1.812,9 ha rừng phòng hộ đầu nguồn; 45 ha rừng phòng hộ cảnh quan (đạt 100% KH); trồng rừng tập trung được hơn 13,6 ngàn ha (vượt kế hoạch giao gần 20%); nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh hiện nay 48%. Đồng thời khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 4.945 ha rừng; chăm sóc 2.150 ha rừng phòng hộ, đặc dụng… Tổng giá trị thực hiện vốn đầu tư ước đạt 114,6 tỷ đồng (bằng 47,6% dự toán của đề án), trong đó vốn tự có của dân đóng góp 52,26 tỷ đồng…

Trong năm 2009, Sở Nông nghiệp – PTNT triển khai những giải pháp: trồng rừng phòng hộ theo đai, tạo điều kiện cho nhân dân có đất sản xuất lương thực; tư vấn, thống nhất cơ cấu cây trồng với chính quyền địa phương và người trồng rừng lựa chọn phù hợp. Tăng cường tuyên truyền chính sách của Nhà nước, của tỉnh đến nhân dân; tích cực kiểm tra, giám sát chất lượng rừng… để hoàn thành kế hoạch năm và tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu đề án.

Rừng kinh tế tại Xuận Quang (Bảo Thắng). Ảnh: P.V

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường công tác cắm mốc các loại rừng hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2009; kiểm tra tài sản trên đất rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất trước khi giao cho các đơn vị, cá nhân quản lý, trồng rừng. Ngành nông nghiệp và các địa phương bám sát chỉ tiêu trồng rừng hàng năm đạt hiệu quả. Cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hơn nữa trong thực hiện đề án. Điều chỉnh các loại rừng phù hợp thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nỗ lực vượt qua khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tăng cường đầu tư chế biến lâm sản tại chỗ; chăm lo lợi ích người dân tham gia bảo vệ rừng… Các ngành, các cấp, đơn vị và nhân dân cùng tham gia triển khai thực hiện đề án hiệu quả, về đích trước thời gian.


(Báo Lào Cai)

Tin khác