Tọa đàm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ

03/08/2005

Ngày 26-7, tại Vĩnh Phúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ". Tại tọa đàm các đại biểu tập trung nêu rõ những thành tựu đạt được của từng tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong những năm gần đây, các nghiên cứu về mô hình sản xuất mới, HTX kiểu mới, đồng thời nêu ra những tồn tại, khó khăn cản trở quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Ngày 26-7, tại Vĩnh Phúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn một số tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ". Tại tọa đàm các đại biểu tập trung nêu rõ những thành tựu đạt được của từng tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong những năm gần đây, các nghiên cứu về mô hình sản xuất mới, HTX kiểu mới, đồng thời nêu ra những tồn tại, khó khăn cản trở quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.|
 
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm tám tỉnh là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên hơn 15 nghìn km2 (chiếm 4,64% diện tích cả nước), dân số (năm 2003) là hơn 13 triệu người (chiếm 16,3%). Trong giai đoạn 1996-2003, toàn vùng đạt tốc độ  tăng trưởng bình quân 8,8%, trong đó công nghiệp 11,4%, nông nghiệp 3% và dịch vụ tăng 9%/năm. Mặc dù tỷ trọng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm từ 15,42% xuống 10,96%, nhưng vẫn góp phần ổn định cuộc sống cho hơn 72% dân cư nông thôn trong vùng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng có bước chuyển biến rõ rệt; trong đó thủy sản đạt 8,1% (tăng 2,6%), nông nghiệp 90,5% (giảm 1%), lâm nghiệp 1,4% (giảm 1,6%).
 
Toàn vùng đã và đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa đối với một số nông sản chủ lực như lương thực, rau đậu thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày; đối với chăn nuôi, trong khi đàn trâu có xu hướng giảm thì đàn bò, lợn và thủy sản lại tăng mạnh cả về lượng và chất. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của toàn vùng cũng xuất hiện nhiều vấn đề khó khăn; đó là biến động đất đai lớn và xảy ra quá nhanh do quá trình đô thị hóa và xây dựng các khu công nghiệp làm cho bình quân đất canh tác của nông dân giảm, ở mức thấp nhất so với các vùng trong cả nước; tỷ lệ lao động nông thôn thiếu việc làm tăng cao; nạn ô nhiễm môi trường và nguồn nước ngầm; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chưa theo kịp tốc độ phát triển các ngành hàng này, nhìn chung còn nhỏ bé, lạc hậu, làm cho sức cạnh tranh của nông sản giảm, hiệu quả sản xuất thấp.
 
Nhằm đẩy nhanh và tăng hiệu quả quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, các đại biểu đề xuất phương hướng điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp toàn vùng đến năm 2010 theo các định hướng: Bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp toàn diện, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa với các sản phẩm sạch, chất lượng cao; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, phát triển dịch vụ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu đưa mỗi ha canh tác đạt thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm.
 
Toàn vùng phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 7,1%/năm; chăn nuôi 8%/năm; thủy sản 22,4%/năm. Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 18,3%; lâm nghiệp 1% và nông nghiệp 80,7%, với tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng gần 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 0,9-1 tỷ USD, giá trị sản phẩm nông nghiệp/lao động tăng từ 3 triệu đồng/năm lên gần bảy triệu đồng/năm.
 
Ðể đạt các mục tiêu này, toàn vùng cần điều chỉnh quy hoạch từng loại đất cụ thể như đất trồng trọt, đất trồng cỏ chăn nuôi, đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp; quy hoạch diện tích các loại cây có lợi thế như lúa, ngô, rau quả thực phẩm, hoa và cây cảnh... phát triển mạnh chăn nuôi bò, lợn, gia cầm và thủy sản, đầu tư các khu công nghiệp và làng nghề, công nghiệp chế biến nhằm giải quyết việc làm lao động nông thôn và tạo đà cho phát triển nông sản hàng hóa; đổi mới cơ chế, chính sách trong ngành, cụ thể là hoàn thiện chính sách đền bù đất đai, miễn giảm thuế nông nghiệp, nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, củng cố hoàn thiện HTX, doanh nghiệp quốc doanh, khuyến khích kinh tế tư nhân và đặc biệt là khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản có công nghệ tiên tiến gắn với vùng nguyên liệu ổn định, tạo điều kiện để nông sản trong vùng tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.


Tin khác

©2020 Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn - IPSARD
Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội
Tel: 04-39722067, Fax: 84-4-39711062, Email: viencscl@ipsard.gov.vn
Số giấy phép 234/GP-BC